(GLO)- Cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất, trang-thiết bị y tế cho tuyến cơ sở thì vấn đề tăng cường bác sĩ xuống xã đang là một giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, thực tế triển khai chủ trương này ở Gia Lai đang gặp nhiều vướng mắc.
Kết quả chưa cao
Theo thống kê của Sở Y tế, Gia Lai hiện có 134 bác sĩ công tác tại Trạm Y tế xã, đạt 60,4% số xã có bác sĩ (không tính bác sĩ của quân đội và các ngành khác quản lý). Trong đó, TP. Pleiku và huyện Krông Pa dẫn đầu tỉnh với hầu hết xã có bác sĩ; vẫn còn một số ít huyện chưa có bác sĩ ở xã. Tỉnh ta mới chỉ đạt 6,9 bác sĩ/10.000 dân thấp hơn so với cả nước (7,6 bác sĩ/10.000 dân). Đây là một kết quả thấp so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV đề ra là đến năm 2015 tỷ lệ xã có bác sĩ đạt 80%.
Huyện Krông Pa là điểm sáng về tăng cường bác sĩ xuống xã. Ảnh: Đức Phương |
Nếu xét về chất lượng, trình độ chuyên môn của bác sĩ đang công tác ở xã có thể thấy rằng, hầu hết số này là y sĩ đã công tác lâu năm ở xã vùng sâu, vùng xa được đưa đi đào tạo chuyên tu thành bác sĩ (đào tạo 4 năm) nên chỉ số ít có thể đáp ứng được yêu cầu công việc, còn lại hầu hết chỉ mang tính phổ cập về bằng cấp. Bên cạnh đó, dư luận vẫn đang đặt dấu hỏi về chất lượng, trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ cử tuyển mới được tỉnh tuyển dụng, bố trí công tác trong vài năm gần đây. Bởi con đường trở thành bác sĩ của họ được ví von là “nhận được giấy gọi trúng tuyển đại học từ trên trời rơi xuống” do trước đó họ đã thi trượt đại học. Còn đội ngũ bác sĩ do Trạm Y tế huyện tăng cường cho xã khó khăn thì chất lượng có khá hơn; tuy nhiên, vì thời gian họ công tác tại xã ngắn (từ 3 đến 6 tháng) nên cách làm này chỉ có hiệu quả nhất thời.
Thực tế này làm cho hoạt động của hệ thống y tế cơ sở đôi khi bị hụt hẫng và chất lượng khám-chữa bệnh ở tuyến này không cao. Trong số gần 4.638 cán bộ y tế biên chế toàn ngành thì đại đa số cán bộ có trình độ đại học, sau đại học, cử nhân,… tập trung chủ yếu ở tuyến tỉnh và huyện, còn ở xã gần như thiếu vắng (trong số 794 bác sĩ toàn ngành chỉ có 134 bác sĩ công tác tại Trạm Y tế xã và Phòng khám khu vực). Điều này giải thích vì sao bệnh nhân lại dồn về tuyến tỉnh (ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn quá tải, công suất sử dụng giường bệnh trên 130%), còn tuyến y tế cơ sở là bộ phận quan trọng nhất của ngành Y tế, phải giải quyết 80% khối lượng phục vụ y tế tại chỗ lại “thảnh thơi” với nhiệm vụ điều trị. Ngoài ra, việc thiếu các bác sĩ chuyên sâu, bác sĩ cộng đồng, cán bộ quản lý giỏi ở tuyến cơ sở đang khiến nhiều nơi, nhiều người bệnh phải chấp nhận được khám, phát thuốc điều trị bởi các y sĩ, điều dưỡng… Điều này đang khiến cho tuyến điều trị cơ sở bị hạn chế rất nhiều về chất lượng.
Con đường bác sĩ về xã… quá hẹp!
Phòng khám đa khoa khu vực xã Ia Tul (Ia Pa) có bác sĩ nên người dân tin tưởng đến khám-chữa bệnh. Ảnh: Đức Phương |
Theo số liệu từ Phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế) trong 5 năm qua, tỉnh đã tuyển dụng, bố trí công tác cho 138 bác sĩ cử tuyển. Tuy nhiên, có chưa đến 50% số này được bố trí về xã công tác vì tuyến huyện còn thiếu bác sĩ nên các địa phương giữ lại. Trong khi đó, tỉnh ta vẫn chưa có một cơ chế, chính sách ưu đãi đủ mạnh để thu hút các bác sĩ mới ra trường hoặc bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm ở các tỉnh bạn đến công tác. Vì thế mà từ trước đến nay ít có bác sĩ giỏi ở các tỉnh đến và gắn bó lâu dài với các Trạm Y tế xã ở Gia Lai. Đó là chưa kể với điều kiện về cơ sở vật chất, trang-thiết bị y tế còn quá thiếu thốn ở Trạm Y tế xã hiện nay đang là một cản trở lớn về môi trường làm việc, hạn chế phát huy chuyên môn cũng như kích thích khả năng sáng tạo, cống hiến của cán bộ y tế xã trong việc khám-chữa bệnh.
Nhiều cán bộ y tế đã thắc mắc rằng chế độ tiền phụ cấp trực ngoài giờ của cán bộ y tế tuyến xã được tính 35.000 đồng cho mỗi ca trực là quá thấp (bằng một nửa tuyến huyện). Tiền phụ cấp cho nhân viên y tế thôn làng chỉ có 345 ngàn đồng/tháng đối với địa bàn vùng II và 575 ngàn đồng/tháng đối với vùng III là chưa khuyến khích được đội ngũ này tận tâm với công việc…
Tăng cường bác sĩ xuống xã là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Giải quyết tốt những vướng mắc trong vấn đề này cũng đồng nghĩa với việc nâng cao một bước công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, góp phần thực hiện công bằng trong hưởng thụ các dịch vụ y tế.
Đức Phương