(GLO)- Thương binh 4/4 Huỳnh Văn Ân (thôn An Quý, xã Phú An, huyện Đak Pơ) đã bộc bạch như thế khi chia sẻ về cuộc sống của mình từ sau ngày gặp nạn. Rời quân ngũ với chiếc chân bị thương, song bằng nỗ lực không ngừng, ông Ân đã trở thành một thương binh sản xuất-kinh doanh giỏi được nhiều người ngưỡng mộ.
Dưới tán cây rợp bóng mát trong khu vườn nhỏ, ông Ân chậm rãi kể cho tôi nghe về những tháng ngày “chinh chiến” của mình. Sinh năm 1949 tại vùng đất Song An (thị xã An Khê), cũng như bao thanh niên khác, ông Ân hăng hái xung phong ra trận bảo vệ quê hương. Từ một anh lính công binh, năm 1974, ông nhận nhiệm vụ lái xe cho Sư đoàn 3 Sao Vàng rồi bị địch bắt. Được thả về, ông tiếp tục tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông chuyển qua làm công nhân lái xe cho Sư đoàn 332 (Quân khu 5).
Ông Ân (bên trái) hướng dẫn cách tỉa cây ăn quả. Ảnh: H.T |
Những tưởng cuộc đời mình sẽ trôi qua êm đềm như thế, nào ngờ năm 1979, trên đường chở lãnh đạo đi công tác, ông Ân chẳng may gặp tai nạn giao thông. Vụ tai nạn đã khiến chân ông bị thương nặng, phải nằm điều trị suốt mấy năm liền. Rời quân ngũ vào năm 1984, ông Ân được đơn vị công nhận thương binh 4/4.
Trở về quê nhà, ông Ân lập gia đình và chuyển đến thôn An Quý (xã Phú An, huyện Đak Pơ) định cư cho đến tận bây giờ. Khoảng thời gian đầu ấy đối với gia đình ông Ân là những chuỗi ngày đầy rẫy khốn khó. Dù thường xuyên bị những cơn đau đớn hành hạ do vết thương cũ tái phát mỗi khi trái gió trở trời, thế nhưng, ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ, rằng “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Ân quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế, chiến đấu với cái đói, cái nghèo. Nhận thấy bà con trong xã chủ yếu sống nhờ nông nghiệp, ông đã mạnh dạn đầu tư mở cửa hàng buôn bán phân bón và tạp hóa. Nhằm củng cố thêm kiến thức cho bản thân, ông đăng ký đi học lớp Trung cấp Bảo vệ thực vật. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu thổ nhưỡng địa phương để trồng một số loại cây ăn quả như: nhãn, na, chanh trên 3 sào đất của gia đình; đồng thời, tận dụng đất trồng thêm ớt, dưa leo, cà... và nuôi gà thả vườn. Những lúc cao điểm, đàn gà của ông lên đến cả ngàn con.
Sau nhiều năm nỗ lực lao động, giờ đây, người thương binh Huỳnh Văn Ân đã xây dựng được một mô hình kinh tế tổng hợp. Hàng năm, trừ chi phí, gia đình ông thu nhập khoảng 110 triệu đồng. “Là một cựu chiến binh, tôi lúc nào cũng cố gắng phấn đấu làm lụng chứ không hề e ngại khó khổ. Ngoài mục đích tạo nguồn thu cho gia đình, tôi còn muốn bản thân mình nêu gương và giúp đỡ bà con hàng xóm cùng phát triển kinh tế”-ông Ân bày tỏ.
Chính bởi tâm niệm ấy, những năm qua, ông Ân luôn tích cực vận động, truyền đạt kinh nghiệm của mình đến các cựu chiến binh khác cũng như nhân dân trên địa bàn về cách chọn cây, con giống, kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, cây trồng để mọi người được thoát nghèo như mình. Ông Trần Ngọc Hớn-một trong những người được ông Ân giúp đỡ, phấn khởi nói: “Chú Ân luôn sẵn sàng và nhiệt tình giúp đỡ mọi người trong thôn. Ngoài kỹ thuật, chú còn hỗ trợ giá 50% cho những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn mỗi khi mua thuốc sâu, phân bón tại đại lý của mình”.
Nhận xét về hội viên Huỳnh Văn Ân, ông Trương Đình Hưng-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú An, cho biết: “Hai vợ chồng anh Ân đều rất chịu khó, từ hoàn cảnh nghèo khổ, giờ đây kinh tế đã khá vững vàng và ổn định. Dù sức khỏe có lúc không đảm bảo nhưng anh Ân luôn năng nổ, nhiệt tình với phong trào của Hội. Không những thế, anh ấy còn sẵn sàng đến tận nhà để trao đổi kinh nghiệm trồng trọt với các hội viên và bà con trong xã”.
Hồng Thi