Sau trận hòa với Thái Lan tối 19-11, nhiều cổ động viên Việt Nam ôm đầu than trời: 'Giá như có VAR...'.
Trọng tài Oman Al-Kaf (giữa) bị chỉ trích dữ dội vì từ chối bàn thắng của Bùi Tiến Dũng - Ảnh: NGUYÊN KHÔI |
Nếu hệ thống công nghệ hỗ trợ trọng tài (VAR) được áp dụng ở vòng loại World Cup, có lẽ trọng tài người Oman Ahmed Al-Kaf đã không vội vàng đưa ra quyết định từ chối đến vậy về tình huống Bùi Tiến Dũng ghi bàn.
Nhưng trước khi tạo nên một làn sóng tranh cãi nữa về sự hiện diện của VAR ở sân chơi bóng đá, người hâm mộ Việt nên nhớ lại hai trường hợp của những giải đấu đã áp dụng hệ thống công nghệ này: Giải ngoại hạng Anh (Premier League) và Vòng chung kết bóng đá châu Á (Asian Cup) 2019.
Suốt 3 tháng qua, sân cỏ bóng đá Anh ngập tràn những tranh cãi xoay quanh VAR. Rối rắm, phức tạp và giết chết cảm xúc bóng đá là lý lẽ của những người chỉ trích, trong đó có HLV lừng danh Pep Guardiola.
Đội bóng Manchester City của ông từng nhiều lần trở thành nạn nhân vì trọng tài "bẻ còi" sau khi tham khảo VAR.
Nhưng cũng không ít người lên tiếng bảo vệ VAR. Jose Mourinho - HLV kình địch của Guardiola - buông lời mai mỉa: "Chỉ có những tên trộm mới phàn nàn về camera an ninh".
Trường hợp thứ hai là ở Asian Cup 2019, nơi đội tuyển VN từng nếm trải cảm giác đi từ vui mừng, biết ơn đến thất vọng, giận dữ vì... VAR.
Ở hiệp một trận tứ kết VN gặp Nhật Bản, trọng tài Hassan Mohammed thoạt đầu phải nhờ tới sự trợ giúp từ VAR để từ chối bàn thắng của trung vệ Yoshida.
Sang hiệp hai, cũng chính nhờ VAR mà ông Mohammed mạnh dạn thổi phạt đền cho tuyển Nhật, sau khi cả ông lẫn các trợ lý trọng tài đều không xác định được tình huống phạm lỗi của Bùi Tiến Dũng bằng mắt thường.
Đó chính là sự công bằng của công nghệ, VAR không đưa ra phán quyết, mà chỉ hỗ trợ trọng tài để đưa ra phán quyết sau cùng.
VAR cũng không giết chết cảm xúc bóng đá, vì làm hụt hẫng một đội bóng thì cũng mang đến sự vui mừng vỡ òa cho một đội bóng khác.
Nhưng VAR cũng có những trở ngại của chính nó. Đầu tiên là hệ thống công nghệ cồng kềnh. Để lắp đặt một tổ hợp camera trên sân bóng, rồi tạo đường dẫn đến khu vực xử lý trung tâm - nơi tổ trọng tài VAR làm việc - không hề đơn giản.
FIFA luôn phải công bằng, "đại chiến" VN - Thái Lan có VAR thì trận đấu "chẳng ai xem" Maldives - Guam cũng phải có VAR. Chưa kể điều kiện sân bãi ở VN có đáp ứng được hệ thống công nghệ này hay không vẫn là một dấu hỏi.
Tiếp đến là nỗi lo trận đấu vỡ vụn vì khoảng thời gian bóng chết, khi nhiều lúc trọng tài phải tạm ngưng hiệp đấu 3, 4 lần để nhờ đến hỗ trợ từ camera. Liên tục những pha "bẻ còi" sẽ gây cảm giác ức chế cao độ cho khán giả.
Công nghệ không có cảm xúc, nhưng người hâm mộ thì có, và thứ cảm xúc phổ biến nhất với những người hâm mộ là sự bênh vực "gà nhà". Sau trận thua có phần tức tưởi trước Nhật Bản, nhiều CĐV VN đùa "trở mặt như VAR".
Thật ra không ít người hâm mộ mới là phía... trở mặt, họ ủng hộ khi có lợi và vùi dập khi bất lợi, dù VAR luôn nói lên sự thật.
Nhưng chiếc camera cho người ta thấy những hình ảnh của sự thật (mà đôi lúc bằng mắt thường trong một khoảnh khắc quá nhanh không thể thấy). Có VAR, trọng tài sẽ tự tin hơn, chuẩn xác hơn và ít bị đặt nghi vấn hơn vì công nghệ luôn công tâm.
Có thể sẽ đến một ngày FIFA phổ biến VAR đến từng quốc gia, từng giải đấu. Và khi ấy, nếu VAR có trợ giúp trọng tài đưa ra những quyết định bất lợi cho tuyển VN, người hâm mộ Việt hãy nhớ câu nói của Mourinho: "Chỉ có những tên trộm mới phàn nàn về camera an ninh".
Huy Đăng (TTO)