(GLO)- Trong buổi làm việc tại tỉnh Gia Lai, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định: Vốn cho tái canh cà phê đảm bảo không thiếu. Trước mắt, NHNN đã dành sẵn gói tín dụng 12.000 tỷ đồng hỗ trợ cho 5 tỉnh Tây Nguyên phục vụ chương trình tái canh cà phê với lãi suất vay thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 2% đến 2,5%, không phải trả nợ gốc trong 3 năm kiến thiết cơ bản, thời gian hoàn vốn lên đến 7 năm…
Chăm sóc cà phê. Ảnh: Đức Thụy |
Cà phê là một trong những mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao của nước ta. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2013, cả nước xuất khẩu hơn 1,3 triệu tấn, trị giá 2,75 tỷ USD, đứng thứ tư trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu, sau thủy sản, gỗ và gạo. Và cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có 635 ngàn ha cà phê, trong đó có 585 ngàn ha kinh doanh. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là khoảng 30% tổng diện tích cà phê hiện nay đã già cỗi, năng suất và chất lượng thấp cần phải được thay thế trong vòng 5 đến 10 năm tới. Cụ thể, theo Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam, nhu cầu tái canh cà phê đến năm 2020 là gần 200 ngàn ha, tập trung chủ yếu tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai là khoảng 27 ngàn ha.
Theo tính toán chung, để tái canh một ha cà phê, cần từ 120 triệu đồng đến 150 triệu đồng. Như vậy, để tái canh 200 ngàn ha cà phê già cỗi cần khoản kinh phí ít nhất lên đến 24.000 tỷ đồng. Đây thật sự là một “bài toán” khó về vốn cho các doanh nghiệp và hộ nông dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung và trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng.
Xác định cà phê là lĩnh vực đầu tư mũi nhọn của tỉnh, trong những năm qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tích cực huy động các nguồn vốn để mở rộng đầu tư tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển các vùng chuyên canh cà phê trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của NHNN-Chi nhánh tỉnh Gia Lai, năm 2013, doanh số cho vay ngành cà phê là 9.331 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 8.597 tỷ đồng, dư nợ cho vay đến cuối năm 2013 là 6.090 tỷ đồng, với 64.255 khách hàng còn dư nợ. So với cuối năm 2010, dư nợ ngành cà phê cuối năm 2013 đã tăng gấp 2,4 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong 3 năm qua là 33,8%, cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng dư nợ bình quân chung của tỉnh. Trong đó, dư nợ cho vay trồng, chăm sóc cà phê là 3.016 tỷ đồng, chiếm 49,5% dư nợ ngành cà phê, gấp 3 lần so cuối năm 2010, với 60.546 khách hàng còn dư nợ; tương tự, dư nợ cho vay thu mua, chế biến cà phê là 2.743 tỷ đồng, chiếm 45,1%, gấp 1,9 lần, với 3.697 khách hàng; dư nợ cho vay xuất khẩu cà phê là 331 tỷ đồng, chiếm 5,4%, gấp 3,3 lần, với 12 khách hàng.
Ảnh: Đức Thụy |
Vốn ngân hàng đã góp phần tích cực vào việc phát triển ngành cà phê của tỉnh. Hiện nay, dư nợ cho vay trồng, chăm sóc cà phê bình quân mỗi ha là 38,7 triệu đồng. Chưa kể hàng năm ngành ngân hàng còn đầu tư gần 7 ngàn tỷ đồng cho thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, vấn đề đầu tư vốn tín dụng cho tái canh cà phê hiện nay vẫn còn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Tháng trước, trong buổi làm việc tại tỉnh Gia Lai, trước đề nghị của lãnh đạo tỉnh về việc hỗ trợ vốn ưu đãi cho tái canh cà phê, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: Vốn cho tái canh cà phê đảm bảo không thiếu. Trước mắt, NHNN đã dành sẵn gói tín dụng 12.000 tỷ đồng hỗ trợ cho 5 tỉnh Tây Nguyên phục vụ chương trình tái canh cà phê với lãi suất vay thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 2% đến 2,5%, không phải trả nợ gốc trong 3 năm kiến thiết cơ bản, thời gian hoàn vốn lên đến 7 năm… NHNN đã giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đứng ra làm đầu mối để giải ngân. Thống đốc cũng khẳng định, đây là định hướng chính sách tín dụng của NHNN để giúp các tỉnh Tây Nguyên phát triển ngành cà phê ổn định, bền vững. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là cách làm, là sự phối kết hợp giữa các ngành, các cấp trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Ngành Ngân hàng chỉ tham gia đầu tư vốn, chứ không thể tham gia trực tiếp vào việc thực hiện cụ thể được. Thống đốc đề nghị tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT để lập quy hoạch, xây dựng quy trình tái canh, cụ thể là nghiên cứu trồng loại giống nào? tái canh ở đâu? ai làm đầu mối? làm như thế nào?… điều quan trọng là phải đảm bảo thu nhập và đời sống của người nông dân.
Riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc NHNN-Chi nhánh tỉnh cho biết: Từ cuối năm 2013, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành chuyên môn và các doanh nghiệp sản xuất cà phê rà soát, xác định diện tích và nhu cầu vốn đầu tư tái canh cà phê hàng năm để đáp ứng vốn kịp thời, nhằm thực hiện tốt chủ trương tái canh cà phê của Chính phủ và NHNN Việt Nam.
Với quyết tâm và nỗ lực của ngành Ngân hàng, tin tưởng rằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển bền vững ngành cà phê trong thời gian tới.
Kế Hiền