Sức sống mới ở Yangon

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ năm 2006, mặc dù không còn là thủ đô của Myanmar nhưng Yangon vẫn là điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch đến đất nước chùa Vàng này. Từ tháng 7 đến tháng 10, Myanmar bước vào mùa mưa nhưng không vì thế mà các chuyến bay quốc tế trở nên thưa thớt, bằng chứng là một ngày sân bay Yangon vẫn đón hàng chục chuyến bay quốc tế. Yangon có gì hấp dẫn? Đó là câu hỏi đặt ra cho những người lần đầu đến Myanmar và cũng là dấu hỏi lớn đối với người đến lần thứ hai vì Yangon ngày nay đã và đang đổi khác.

Cũ - mới đan xen

Sau nhiều lần cấm và bỏ lệnh cấm, cuối cùng vào năm 2009, Chính phủ Myanmar quyết tâm cấm hẳn xe máy lưu thông tại Yangon, do đó ấn tượng đầu tiên đặt chân đến thành phố này là giao thông thông thoáng hơn khi trên đường chỉ toàn xe hơi và xe buýt. Những chiếc xe buýt cũ kỹ khi chạy phát ra những thứ âm thanh ồn ào vẫn còn được sử dụng. Nhiều loại xe quá cũ đến độ cửa xe không còn hoặc thải khói đen kịt vẫn được lưu thông. Trên đường từ sân bay về trung tâm, còn có sự hiện diện của những chiếc xe lam sản xuất từ những năm 80 với hai băng ghế chở đầy khách. Rất ít và gần như khó thấy những chiếc xe hơi đời mới ở thành phố này và có thể nói đa phần người dân thích đi phương tiện công cộng hoặc đi bộ…

 

Chùa Vàng nổi tiếng ở Yangon.
Chùa Vàng nổi tiếng ở Yangon.

Một cô bạn người Myanmar cho biết, sau gần 7 năm cấm xe gắn máy giờ giao thông ở đây yên ả hơn nhiều, nhất là tai nạn giao thông giảm hẳn và cảnh sát không quá chật vật trong những giờ cao điểm. Từ sân bay về trung tâm thành phố (nếu không kẹt xe) sẽ mất tầm 20 - 30 phút. Có nhiều chùa, tháp và đền dọc hai bên đường đi nên mọi người hiểu ngay đến tên gọi của đất nước được mệnh danh “đất nước chùa Vàng”. Một anh bạn Thái Lan (đang làm việc cho tổ chức phi chính phủ tại Bangkok cũng sang Myanmar dịp này) nhận định, Yangon so với cách đây 2 năm thật khác biệt, các dự án xây dựng cao ốc mọc lên nhiều hơn và cũng khá nhiều khách sạn lớn sắp được hoàn thành ngay tại trung tâm thành phố.

9 giờ mới vào giờ làm việc của tất cả các công sở, chợ, siêu thị và chùa chiền tại Yangon nhưng từ 6 giờ 30 phút, bến xe buýt ngay tại trung tâm (khu vực chùa Sule) đã rộn rã đón khách. Tiếng gọi nhau í ới để bắt khách giống như ở Bến xe Miền Đông của Sài Gòn nhiều năm trước, phần đông khách đi xe buýt là công nhân làm việc cho các công ty tại Đặc khu Kinh tế (Special Economic Zone - SEZ) Thilawa cách trung tâm thành phố hơn một giờ chạy xe (hơn 50 km).

Đặc khu Kinh tế Thilawa được đưa vào hoạt động từ tháng 9-2015 nằm ở phía Nam Yagon và được đánh giá là đặc khu thành công và lớn nhất Myanmar (hai đặc khu còn lại là Kyaukpyu ở Rakhine và Dawei ở Tanintharyi) với hơn 40 công ty nước ngoài đầu tư kinh doanh tại đây, gồm 21 công ty Nhật, 5 công ty Myanmar, 4 công ty Đài Loan, 3 Thái Lan và 2 Trung Quốc; riêng Mỹ, Thụy Điển, Australia, Malaysia, Singapore và Hongkong (Trung Quốc) mỗi nước có một công ty. Đặc khu này đang giải quyết việc làm cho 30.000 lao động Myanmar, thu hút 760 triệu USD vốn đầu tư, chiếm khoảng 2% trên tổng GDP của Myanmar và 12,5% tổng đầu tư vào Myanmar trong năm tài chánh 2014-2015 (theo thông tin cập nhật từ phóng viên Myanmar Times).

Sự phát triển của 3 đặc khu kinh tế trong những năm gần đây đã giải quyết được bài toán lao động cho Myanmar. Một đồng nghiệp người Myanmar, đang làm việc cho tờ Myanmar Insider nói thêm, lao động trẻ hút vào 3 đặc khu kinh tế này rất nhiều. Nếu trước đây lao động ở đất nước của cô phải sang Thái Lan làm việc thì nay gần như rất ít người tham gia chương trình hợp tác lao động nước ngoài. Cô tỏ ra khá lạc quan khi cho biết, dự kiến đặc khu kinh tế Thilawa có thể giải quyết việc làm cho 68.000 lao động địa phương từ nay đến cuối năm 2018.

Sắc màu hội nhập

 

Một cô gái Myanmar trang điểm Thanaka khi ra phố.
Một cô gái Myanmar trang điểm Thanaka khi ra phố.

Dù vậy, trên đường phố trung tâm Yangon cũng còn rất nhiều lao động phổ thông buôn bán dọc hai bên đường. Họ bày bán các loại sản phẩm đặc trưng của Myanmar như xì gà (Sharoot - tự làm), trầu cau, trà và thức ăn đường phố (bánh chiên, phá lấu, xiên que…).

Một đồng nghiệp người Myanmar cho biết, phong tục ăn trầu của người Myanmar có từ lâu đời, phổ biến như nhai kẹo chewing-gum vậy. Từ trẻ nhỏ đến thanh niên, người già đều thích nhai trầu. Tuy nhiên, gần đây tại các công sở ít ai nhai trầu, thay vào đó họ uống trà và cà phê. Tuy là vậy, nhưng trên đường phố Yangon, các cống thoát nước đều đỏ oạch nước trầu. Nếu ở Hà Nội của Việt Nam vẫn còn duy trì các quán trà nhỏ ven đường thì Yangon cũng vậy, các quầy tem trầu mọc dọc đường đi tại các con phố buôn bán sầm uất và khu vực chợ. Đặc biệt, người dân Myanmar rất hiền lành và hiếu khách, họ sẵn sàng cùng bạn đi dạo nếu bạn không biết đường sá tại đây và không hề nhận bất cứ thù lao nào.

Bói toán, xem tử vi được kinh doanh công khai tại phía trước các ngôi chùa hoặc đền thờ, chỉ mất 30 phút bạn sẽ được “thầy” trao cho một tờ tử vi và những giải thích cụ thể về bổn mạng, số phận. Phần đông khách tìm đến các dịch vụ này là người Myanmar, rất ít thấy khách nước ngoài.

 

Người Myanmar sử dụng tiền Kyat (gọi là chạt) và 100USD thời điểm này đổi được 1,180 chạt. Ngay tại sân bay có 3 quầy đổi tiền và khách có thể so sánh tỷ giá của mỗi nơi để đổi, thường tỷ giá không giống nhau (chênh lệch khoảng 0,1 - 0,2 chạt). Các hướng dẫn viên du lịch thường tư vấn mọi người nên đổi tiền tại các sân bay vì vào trung tâm sẽ đắt đỏ hơn và khó tìm được nơi đổi. Taxi tại Yangon không có đồng hồ tính tiền và thường phải trả giá trước khi lên xe.

Chợ đóng cửa lúc 9 giờ tối nhưng khu ăn uống quanh khu vực China Town luôn sầm uất và sáng đèn đến tận khuya. Ở Yangon có một khu vực dành riêng cho phái nam (đường số 18), ở đó những người đàn ông, thanh niên ngồi ăn uống và tán gẫu đến tận nửa đêm. Một cô bạn người Myanmar khuyến cáo, phụ nữ không nên vào khu vực đó vì sẽ nghe được những ngôn từ khó hiểu của thế giới đàn ông. Trong khu China Town có một nhà hàng Việt Nam duy nhất (Cycle) rất đông khách, chủ quán là người miền Tây. Quán được mở nhiều năm và lúc nào cũng đầy khách. Chủ quán cho biết, người Myanmar và cả khách du lịch đều rất thích những món đặc sản của Việt Nam như chả giò, phở bò, cơm tấm, gỏi cuốn, bánh xèo, chè bà ba…

Đặc biệt ở Yangon, tội phạm, cướp giật gần như không có hoặc rất ít. Họ quan niệm “cái gì không phải của mình thì không lấy”, do đó khách du lịch khá thoải mái khi bộ hành vào buổi tối qua những con phố ít ánh đèn.

Các cửa hàng, siêu thị tại Yangon có đủ loại hàng hóa của các nước (nhiều nhất là cà phê thương hiệu của Việt Nam). Nếu tìm đặc sản của Myanmar làm quà lưu niệm thì ngoài các tượng Phật, tháp chùa Vàng, Myanmar chỉ có xì gà, trà sữa và phấn Thanaka. Người Myanmar rất tự hào về loại phấn được làm từ vỏ cây Thanaka của đất nước mình. Phấn có nhiều màu, từ trắng, vàng và hồng nhưng phổ biến nhất là màu vàng (màu tự nhiên từ thân cây). Cô bạn làm tại báo Myanmar Insider kể, từ nhỏ cô vẫn sử dụng loại phấn này để dưỡng da và chống nắng nhưng khi lớn lên và đi làm thì cô không sử dụng nữa vì phấn có màu vàng nhìn không được nhã nhặn khi trang điểm. Tuy nhiên, cô vẫn đang dùng cho các con của cô vì Thanaka ngoài việc dưỡng da, chống nắng, chống muỗi đốt còn là một tập tục từ lâu đời, không ai có thể bỏ qua được. Vì vậy, trên đường phố Yangon thỉnh thoảng vẫn bắt gặp các cô gái trẻ trang điểm phấn Thanaka màu vàng trên hai gò má, như một dấu hiệu để nhận biết họ chính là cô gái Myanmar…

Nếu như cách đây 5 năm đến Myanmar khó có thể giao tiếp được với người dân địa phương vì họ không sử dụng tiếng Anh nhiều, thì nay lớp trẻ Myanmar đã giao tiếp khá tốt với khách du lịch nước ngoài. Yoon, làm việc cho tổ chức IT ở Yangon, cho biết ngày nay lớp trẻ như cô có rất nhiều cơ hội du học nước ngoài và trau dồi ngoại ngữ ngay tại chính đất nước của mình. Như Yoon, do thường xuyên tiếp xúc với các tình nguyện viên nước ngoài và được đào tạo ngoại ngữ bài bản nên giao tiếp tiếng Anh của cô khá tốt. Không những vậy, nhiều người trẻ ở Yangon làm việc tại các khách sạn, nhà hàng hay siêu thị đều nói tiếng Anh rất trôi chảy.

Năm 2015, trên 2 triệu khách du lịch đến Myanmar thông qua sân bay Yangon, tăng kỷ lục gấp đôi so với năm 2014. Đất nước chùa Vàng hiện đã đón gần 5 triệu khách quốc tế (từ đường hàng không, đường thủy và đường bộ) và ngành du lịch dự kiến con số đó sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016. Họ lạc quan với kế hoạch đến năm 2020, Myanmar sẽ đón trên 7 triệu khách quốc tế.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.