Việc thu hút hội viên và nâng cao chất lượng tổ chức hội là nhân tố quyết định của phong trào phụ nữ. Một trong các giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu đó chính là xây dựng và triển khai có hiệu quả các câu lạc bộ và các mô hình hoạt động…
Từ lợi ích của hội viên…
Gia Lai có 6 mô hình hoạt động với 346 câu lạc bộ phụ nữ và gần 880 chi hội, thu hút gần 126.000 hội viên tham gia. Bất cứ mô hình nào được đề ra và triển khai thực hiện cũng đều dựa trên những nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên. Theo đó, các huyện, thị, thành hội đã chủ động xây dựng kế hoạch hướng dẫn cơ sở hội chọn điểm khảo sát, vận động chị em tham gia vào mô hình phù hợp với từng địa bàn, ngành nghề theo nhu cầu, lứa tuổi, sở thích.
Ảnh: Hà Duy |
Không chỉ được tuyên truyền về công tác kế hoạch hóa gia đình, công tác dân số, khi tham gia CLB gia đình không sinh con thứ 3, hội viên còn được tạo điều kiện để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đó chính là một phần nguyên nhân tạo nên sức hấp dẫn của mô hình. Tham gia CLB, chị em được trao đổi những kiến thức, kinh nghiệm về các biện pháp tránh thai; kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; kiến thức nuôi dạy con khoa học… tiến tới ổn định quy mô dân số hợp lý. Các cấp hội đã phối hợp với các ban ngành có liên quan- nhất là ngành Y tế, Dân số hỗ trợ kinh phí, tài liệu tuyên truyền giúp chị em nắm rõ các thông điệp. Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã thành lập được 217 CLB gia đình không sinh con thứ 3 với trên 5.000 thành viên tham gia. Theo đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm rõ rệt; 95% thành viên trong CLB đạt tiêu chuẩn gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, không có người sinh con thứ 3.
Từ kết quả đạt được của mô hình gia đình không sinh con thứ 3, các cấp hội đã triển khai, nhân rộng nhiều CLB khác trên toàn tỉnh như: CLB mẹ hiền dâu thảo (với 4 CLB, gần 120 thành viên); CLB gia đình bền vững (23 CLB, với trên 570 thành viên); CLB văn hóa nghệ thuật, thơ ca (12 CLB với 220 thành viên)…
Xây dựng tổ chức hội vững mạnh
Không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội, thu hút các tầng lớp phụ nữ tham gia là một việc làm khó, nhất là đối với chị em người dân tộc thiểu số vốn còn hạn chế về trình độ học vấn. Vì thế, mô hình kết nghĩa giữa chi hội thôn Kinh với chi hội làng đồng bào dân tộc thiểu số đã được đẩy mạnh thực hiện và đạt được những kết quả đáng mừng. Đến nay, tất cả huyện, thị, thành hội có mô hình kết nghĩa với gần 200 điểm. Qua mô hình này, các chị đã giúp nhau phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều hình thức như: Giúp vốn, công và kinh nghiệm làm ăn. Đã có gần 2.200 chị có điều kiện giúp cho gần 1.200 chị khó khăn phát triển kinh tế gia đình; từ đó đã có gần 6.000 phụ nữ thoát nghèo.
Góp phần thu hút được hội viên tham gia vào tổ chức còn có mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bằng các hình thức như thành lập các tổ nhóm tín dụng tiết kiệm để giúp các chị khó khăn thiếu vốn đầu tư sản xuất; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; đưa chị em đi tham quan các mô hình làm ăn có hiệu quả…, mô hình đã thành lập được gần 90 chi hội, 5 CLB giúp cho trên 1.250 chị đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình.
“Mô hình nào cũng phát huy được những hiệu quả nhất định; góp phần ổn định, nâng cao đời sống cho hội viên cả về vật chất lẫn tinh thần. Qua đó, phong trào phụ nữ tỉnh nhà ngày càng phát triển; số lượng hội viên tham gia vào tổ chức hội ngày càng nhiều; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên từng địa bàn”- bà Trần Ngọc Chi- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khẳng định.
Hà Duy