(GLO)- Nhu cầu tiền mới, tiền lẻ trong dịp Tết xuất phát từ phong tục lì xì với mong muốn mang lại điều may mắn thay lời cầu chúc đến người nhận. Mọi năm, cứ đến thời điểm chừng 2 đến 3 tuần trước Tết, việc đổi tiền lẻ, tiền mới, nhộn nhịp khắp nơi, song điều này hoàn toàn ngược lại khi chủ trương không đưa thêm tiền lẻ, tiền mới vào lưu thông được ban hành mới đây khiến hoạt động này có vẻ im ắng hơn...
Hiếm từ trong ngân hàng
Nhu cầu đổi tiền mới trong những ngày cận Tết của người dân tăng cao. Ảnh: T.N |
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương không đưa thêm tiền lẻ, tiền mới vào lưu thông trong dịp Tết. Điều này cũng đồng nghĩa với tình trạng khan hiếm khi nhu cầu đổi tiền tăng mạnh những ngày cận Tết. Tiền có mệnh giá dưới 5.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng được người dân đổi nhiều nhất để lì xì đầu năm, đi lễ chùa, song trước chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chắc chắn không chỉ bên ngoài mà ngay cả trong hệ thống ngân hàng cũng hiếm.
“Đi hỏi mấy ngân hàng thương mại lớn như: BIDV, Vietinbank, Agribank… ở đâu cũng trả lời là không có, hỏi người quen làm trong ngành cũng lắc đầu, trong khi mình đang là khách hàng của họ”-chị Thúy Hà, nhân viên một công ty kinh doanh thực phẩm lớn trên địa bàn cho hay. Còn anh Quang Thịnh (nhà ở phường Hội Thương, TP. Pleiku) cũng khá sốt ruột khi mọi năm anh đứng ra làm đầu mối để các đồng nghiệp trong cơ quan đăng ký đổi tiền lì xì, có năm đến mấy chục triệu đồng. Anh cho biết, cứ đến thời điểm này là mọi việc gần như đâu ra đó, chốt hết mệnh giá và số lượng tiền, chỉ đợi người quen bên ngân hàng alô là đến nhận thôi. “Xem chừng họ nói đợi thì khả năng là không có hoặc nếu có chắc chỉ đổi một vài triệu đồng gọi là cho vui để giữ mối quan hệ thôi”-anh Thịnh nói.
Theo đại diện một ngân hàng thương mại trên địa bàn, tiền lẻ, tiền mới còn rất ít trong kho, chủ trương không đưa thêm tiền lẻ, tiền mới vào lưu thông được ban hành nên không có dồi dào như những năm trước. Việc đổi tiền mới sẽ không còn rộng rãi cho khách hàng cũng như người quen khi có nhu cầu nữa.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn điều hòa cơ cấu lượng tiền lẻ, tiền mới cho hợp lý, chỉ duy trì dự trữ lượng tiền mệnh giá nhỏ đã qua sử dụng đủ tiêu chuẩn lưu thông. Đối với tiền không đủ tiêu chuẩn như quá cũ hoặc rách nát thực hiện thu đổi không thu phí và đảm bảo giao dịch sao cho thuận lợi nhất khi dân có nhu cầu.
Hiếm tiền Việt săn tiền… độc!
Việc hạn chế đưa tiền mệnh giá nhỏ sẽ tiết kiệm được kinh phí in ấn, vận chuyển, cũng như việc kiểm đếm được thuận lợi hơn, đảm bảo yêu cầu về an toàn kho quỹ. Từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ (từ 5.000 đồng trở xuống) vào lưu thông. Theo tính toán, việc không phát hành tiền mới in vào dịp Tết đã tiết kiệm cho Ngân sách Nhà nước khoảng 1.500 tỷ đồng. |
Tiền lẻ, tiền mới rất được người dân quan tâm và xem việc sử dụng nó như một thói quen cần phải có trong những ngày Tết. Nhiều người đã đăng ký hoặc nhờ người thân làm trong ngành Ngân hàng đổi, thậm chí chịu mất tiền chênh lệch. Ví dụ như tiền mệnh giá càng hiếm sẽ chịu phí đổi càng cao, thông thường từ 10% đến 15%/xấp tiền. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị phạt đến 40 triệu đồng theo Nghị định 96 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tiền tệ ngân hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ở Gia Lai chưa thấy có địa điểm nào đổi.
Cũng xuất phát từ phong tục lì xì ngày Tết nên tiền mới, tiền lẻ mới “nóng” như vậy. Tiền để lì xì, tiền để đi lễ chùa, cúng bái, với quan niệm tiền mới sẽ giá trị hơn tiền cũ! Cùng với tiền lẻ, tiền mới, tiền ngoại có tiêu chí độc và lạ mấy năm gần đây “lên ngôi” khi nhu cầu tăng cao.
Ở một tiệm vàng trên đường Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku) khách có nhu cầu mua tiền lẻ USD, tiền 2 USD in hình khỉ mạ vàng, tiền Indonesia in con khỉ, tiền Úc in con khỉ, tiền có số sơ ri độc, hay bộ tiền tứ linh đều nhận được một cái hẹn sau vài ngày nữa. Theo chủ tiệm vàng, phong trào lì xì tiền độc chỉ xuất hiện trong giới trẻ, chứ thực ra nhu cầu này không lớn vì giá trị sử dụng không có mà giá lại quá đắt đỏ, ít nhất cũng phải 50 ngàn đồng/tờ, có những loại tiền độc có giá từ 200 ngàn đồng đến 700 ngàn đồng/tờ (bộ). Chẳng qua hưởng ứng phong trào, cửa hàng đặt mua một ít từ người quen ở TP. Pleiku về bán cho vui. Đến nhiều tiệm vàng gần đó cũng tương tự, nơi có sẵn thì không phong phú loại, nơi thì đưa hình ảnh giới thiệu nhưng đòi khách phải đặt cọc tiền trước nhận hàng sau, nhưng mà phải mua từ triệu đồng trở lên… Nói chung, tiền độc và lạ bây giờ cứ phổ biến, ngay cả trên mạng người ta cũng rao bán để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong dịp này.
Thảo Nguyên