Sống hồn nhiên như cây cỏ đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tìm đâu ra cụ ông nào ở tuổi 99 còn đau khổ vì ghen như “Vua Voi” Ama Kông, mà vẫn nhường gần hết tài sản cho cô vợ Tư trong cuộc ly hôn ngộ nghĩnh vô tiền khoáng hậu; Còn con trai ông, thầy thuốc Khăm Phết Lào tới nay vẫn thường xuyên “cắm” bìa đỏ vay ngân hàng để đi cứu giúp dân nghèo khắp... Ðông Dương, với tâm niệm “đồng bào thiểu số cũng nên hỗ trợ đồng bào đa số”!
Ama Kông dạy Khăm Phết và cháu nội cách đào củ thuốc quý.
Ama Kông dạy Khăm Phết và cháu nội cách đào củ thuốc quý.
Từ “không cho thứ gì” đến “cho hết”!
Hơn 9 năm trước, một buổi sáng tháng 3/2009, Khăm Phết Lào điện thoại báo trước, rồi đưa bố đến trụ sở Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên tại TP Buôn Ma Thuột để trình bày một chuyện tế nhị, vì “gia đình tôi tin báo Tiền Phong sẽ viết đúng sự thật!”- Anh nói.
Bố Khăm Phết nổi tiếng với cái tên “Vua Voi Ama Kông”, khi ấy 99 tuổi lẻ 3 tháng, dáng vóc cao lớn, gân guốc như cổ thụ. “Vua Voi” đưa tôi đọc lá đơn ly hôn mà ông đã nhờ già làng Ama Nhong viết giúp, ý tứ rất thật thà, rõ ràng, kết thúc bằng một chữ ký run rẩy đầy vẻ giận dữ.
Trích đơn: “Tôi tên là Y Prung Êban tức Ama Kông. Tôi sống chung với bà vợ tư tên Hồng Khăm, tôi mua đất, trâu bò, ruộng rẫy làm nhà, cuộc sống khá giả có của ăn của để. Sau đó bà nghiện rượu, không lo việc gia đình, hành hạ tôi, đánh đập tôi, thậm chí nhiều lần đánh tôi gãy cả răng, hộc máu mồm phải đi bệnh viện.
Chính quyền địa phương đã giáo dục rất nhiều lần nhưng bà không sửa chữa, vẫn chứng nào tật ấy... 12 giờ đêm 27/2, bà dùng bạo lực đánh đập và lấy dao chém vào đầu tôi. Tôi giơ tay đỡ nên tay trái tôi bị đứt cả 4 ngón, mỗi ngón phải khâu 3 mũi, 2 ngón bị đứt gân không cử động được. Người làm chứng là.... Nay tôi buộc không sống với bà nữa vì tính mạng tôi bị đe dọa hàng ngày...”.
- Ai chứng kiến việc đó?
- Có thằng... chồng của nó, nhỏ tuổi hơn, xưng em nhưng cặp bồ nhau, vì 2 năm rồi tôi không“làm ăn”gì được nữa. Nếu có súng, tôi bắn cả 2 đứa luôn! Ama Kông điên tiết kể. 
Hôm sau, tôi cùng bác sĩ Nguyễn Đức Phồi, Chủ tịch Hội Đông y Đắk Lắk, thầy dạy Trung cấp Đông y cho vợ chồng Khăm Phết Lào, cũng là người ký kết với UBND tỉnh Đắk Lắk nhận kinh phí triển khai đề tài nghiên cứu giá trị của bài thuốc gia truyền Ama Kông, cùng về Bản Đôn xác minh, xem liệu có thể hòa giải cặp đôi so le tới 58 tuổi này hay không.
Trong căn nhà sàn rộng rãi có cắm biển quảng cáo ngay từ đầu ngõ “Vua Voi Ama Kông, thuốc bổ thận tráng dương”, chỉ còn H’Khăm (mà Ama Kông thường âu yếm gọi là Hồng Khăm), vợ Tư của Ama Kông ngồi tựa lưng vào vách nhai trầu. Quen biết từ lâu, bà trải chiếu mời nước, giải thích lý do đánh chồng do ... ma men xui khiến. Má hồng, mắt lá răm lúng liếng, H’Khăm thanh minh: “Tại lúc đó em say, chứ em yêu chồng em lắm. Em nhất quyết không bỏ Ama Kông đâu!”.
Tại nhà cộng đồng buôn Yang Lành, già làng Ama Nhong hơn 60 tuổi chủ trì cuộc phân xử ly hôn với sự chứng kiến của đông đủ gia tộc đôi bên. Vợ trẻ H’Khăm cúi đầu nhận lỗi do nghiện rượu nên hay bạo hành chồng. Tới phần phân chia tài sản, Ama Kông uất hận bảo : “Tôi lấy hết, không chia cho bà thứ gì!”. Các con Ama Kông ồ lên... can bố.
Ông Y Kông, trai cả trong 21 người con của Ama Kông khi đó đã 71 tuổi, ôn tồn dỗ: “Bố làm thế thì tội Dì với em (con gái riêng của bà H’Khăm) lắm. Bố già lấy tài sản làm gì? Bố về ở với con cháu được rồi”. Rốt cục, Ama Kông cho mẹ con H’Khăm gần hết gia sản, trong đó có đất vườn, nhà sàn lớn, 2 con trâu. Phần mình, Ama Kông nhận 4 con bò để cho Me Lẽn, rồi xách đùm khố cũ về nhà Khăm Phết ở xã Ea Tu. “Vua Voi” thành kẻ vô sản, nghèo hơn 36 năm trước, khi ra khỏi nhà vợ Hai- mẹ ruột Khăm Phết để qua buôn Trí sống với mẹ con bà vợ Ba trên lưng con voi đực 2 ngà cùng bộ đồ nghề săn voi.
Chỉ hơn 1 năm sau ly hôn, bà H’Khăm đột ngột qua đời vì bạo bệnh.
“Siêu phiên dịch” Bản Ðôn
Bản Đôn thế kỷ 19 từng là điểm giao dịch và mua bán voi sầm uất của thương lái các nước Việt- Lào-Thái-Cam, nên đồng bào bản địa phần lớn có thể nói và nghe được nhiều thứ tiếng.
Đó là nguyên nhân nhiều phóng viên đến tận nơi, đã tiếp xúc với Ama Kông, nhưng về viết vẫn trật, khiến “Vua Voi” phật ý. Càng qua tuổi trăm, kho tàng ngôn ngữ phong phú trong đầu Ama Kông càng hỗn độn. Trong mỗi cuộc trò chuyện, ông thường dùng lẫn lộn nhiều thứ tiếng du nhập từ mấy nước láng giềng, hòa tiếng M’Nông, Êđê, Jơ Rai của đồng bào bản địa. Thậm chí có lúc bí từ, “Vua Voi” còn “bắn” cả tiếng Pháp. Giữa tôi và “Vua Voi” luôn có một “siêu phiên dịch”, là Khăm Phết Lào.
Khả năng giao thiệp bằng nhiều thứ tiếng thông dụng khắp Đông Dương của Khăm Phết được chứng thực qua những chuyến chúng tôi ngang dọc làm từ thiện khắp các nước Lào- Thái-Campuchia. Hầu hết phiên dịch do các công ty du lịch cử đi dẫn đoàn đều trở nên “lép vế” trước năng lực hoạt ngôn, lối xử lý tình huống nhanh nhẹn của Khăm Phết. Chỉ học hết lớp 9 rồi theo bố vào rừng nhận diện các loài dược liệu, Khăm Phết học thêm Trung cấp Đông y trước khi bị cô bạn H’Oen đồng môn bắt chồng.
Ama Kông gần trăm tuổi vẫn đi rừng lấy thuốc.
Ama Kông gần trăm tuổi vẫn đi rừng lấy thuốc.
Khăm Phết kế thừa nghề thuốc của bố đã dụng công hoàn chỉnh bài bản thành các thang thuốc bổ thận tráng dương, hỗ trợ xương khớp. Anh xây dựng thương hiệu thuốc Ama Kông-Khăm Phết Lào, đăng ký từ năm 2008 với Cục Sở hữu trí tuệ, thực hiện đủ thủ tục vệ sinh an toàn thực phẩm qua các sở ngành, làm bìa in nhãn dán tem chống giả của Bộ Công an, ổn định giá nhiều năm không đổi. Từ thuốc này, ngâm đúng công thức sẽ cho ra loại rượu thơm nồng, tì tì ngấm vào ai cũng ngất ngây hào hứng, hơn cả “ông uống bà khen”. Thuốc từ nhà Khăm Phết cứ thế lên máy bay, ô tô tỏa đi khắp nơi.
Sau khi Ama Kông qua đời ở tuổi 103, Khăm Phết nhờ tôi bắc cầu giúp anh tặng bộ đồ nghề săn voi của Bố cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Đợt hoạt động thiện nguyện nào của báo Tiền Phong, anh cũng tích cực ủng hộ. Từ chuyến bàn giao 5 cháu nhỏ người Mông mồ côi ở xã Ea Kiết huyện Cư Mgar tỉnh Đắk Lắk cho Binh đoàn 16 tại huyện Tuy Đức tỉnh Đắk Nông; Tới các đợt trao học bổng “Đọt Chuối Non”, cứu trợ đồng bào thiên tai, bão lụt... Cứ hễ Tiền Phong gọi, là Khăm Phết lập tức lên đường.

Khăm Phết đã nhiều lần cắm bìa đỏ vay tiền ngân hàng để xây nhà tặng người vô gia cư, hoặc nhà dột nát. Tết 2018, mời Hoa hậu H’Hen Niê đến chơi, anh hào phóng tặng cô hẳn 100 triệu để Hoa hậu có nguồn làm từ thiện. Cùng báo Tiền Phong sang Lào góp phần cứu trợ đồng bào lâm nạn do vỡ đập thủy điện ở Sanamxay, Khăm Phết tặng hết tiền kip đổi được cho những người mất thân nhân, lại vay thêm cả đô Mỹ để trao tiếp. Anh thú thật: Chuyến đi quá ý nghĩa này cho mình cảm giác như chết đi sống lại. Cái tên Khăm Phết nghĩa là Kim Cương, mình thêm chữ Lào để không quên nguồn gốc tổ tiên. Vay ngân hàng rồi sẽ trả. Mỗi lần đi giúp được nhiều người là lòng lại thấy vui, thấy cuộc sống có ý nghĩa lắm! 
-------------------------------------------------------------------------
Doanh nhân Lê Hoàng Cơ giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Ðam San tiết lộ: Anh cùng Khăm Phết đã hợp tác cung ứng thuốc Ama Kông-Khăm Phết Lào chính hiệu cho các tour du lịch. Tiền lãi sẽ cắt phần lớn làm nhà tặng người nghèo, gia đình chính sách. Trước mắt, dịp 2/9 tới đôi bạn này sẽ mời báo Tiền Phong chứng kiến lễ trao 4 căn nhà tình nghĩa do Ðam San-Khăm Phết xây tặng, tại... Quảng Nam.
Hoàng Thiên Nga (PLO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.