Kỹ năng trú, tránh rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro sét đánh gây tử vong nhưng nhiều người hầu như rất mù mờ về cách phòng tránh.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Thừa Thiên - Huế cho biết hằng năm, tỉnh này có từ 92-124 ngày giông, sét; tập trung nhiều nhất ở huyện Nam Đông, A Lưới và TP Huế.
5 tỉnh lắp đặt radar thời tiết hiện đại
Theo ông Hồ Văn Sanh, Chủ tịch UBND xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, địa bàn và các xã lân cận thường xảy ra sét đánh. Tuy nhiên, đây là vùng núi, hệ thống chống sét chỉ có ở các trụ sở cơ quan nhà nước, đường dây điện và cột ăng-ten chứ chưa có công trình thu lôi nào được xây dựng. Việc nghiên cứu nguyên nhân và đưa ra lời cảnh báo cho dân đến nay chưa thấy ai triển khai.
Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế, cũng thừa nhận đơn vị này vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về giông sét để khoanh vùng cũng như đưa ra các giải pháp khuyến cáo người dân.
|
Anh Hồ Ka Lon (ở Quảng Trị) thoát chết sau khi bị sét đánh còn điện thoại hỏng nặng. |
Trong khi đó, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Thừa Thiên - Huế lý giải sự bất thường của giông sét do tác động của biến đổi khí hậu. Số cơn lốc, sét xảy ra ngày càng gia tăng cả về số lượng và cường độ làm nhiều người chết cũng như thiệt hại về nhà cửa và vật nuôi.
Tại tỉnh Khánh Hòa, ông Huỳnh Kỳ Hạnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho rằng việc sét thường đánh vào một khu vực nhất định có thể do ở đó có mỏ sắt hoặc nguồn nước khoáng có hàm lượng sắt khá lớn chảy qua. Tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu hiện tượng về sét.
Hiện nay, để nâng cao khả năng phát hiện các cơn bão nhiệt đới, dự báo được thời gian thực, dự báo hạn ngắn và cảnh báo sớm, kịp thời các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, Tổng cục Khí tượng Thủy văn quốc gia đã xây dựng dự án "‘Nâng cấp khả năng cảnh báo giông, sét, bão và mưa của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia Việt Nam". Dự án sẽ lắp đặt 5 trạm radar thời tiết phân cực đôi hiện đại, trong đó có 1 trạm đặt tại TP Nha Trang (Khánh Hòa). Các trạm còn lại đặt ở TP Việt Trì (Phú Thọ), TP Pleiku (Gia Lai), TP Quy Nhơn (Bình Định) và Pha Đin (Điện Biên).
Tóc dựng lên, coi chừng sét đánh!
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay giông sét thường xảy ra vào chiều tối, đặt biệt trong mùa hè khi áp thấp nóng phía Tây phát triển mạnh. Kỹ năng trú, tránh rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro sét đánh gây tử vong. Tuy nhiên, nhiều người hầu như vẫn còn rất mù mờ thông tin về giông sét và cách phòng tránh.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Thừa Thiên - Huế cảnh báo người dân khi có biểu hiện giông sét thì cần trú ẩn kịp thời. Không đứng thành nhóm đông người gần nhau, ngồi ở vị trí càng thấp càng tốt, cần đứng hoặc ngồi chụm 2 chân sát nhau tạo thành một điểm duy nhất tiếp xúc với mặt đất, làm sao để phần tiếp xúc giữa người và mặt đất ít nhất, tốt nhất nên đứng nhón chân trên mặt đất hoặc ngồi xuống, lấy tay che tai. Không nên dùng điện thoại, nhất là điện thoại bàn có dây, điện thoại đang sạc. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có giông.
|
Một cột thu lôi chống sét ở huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. |
Ông Lê Văn Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, cho rằng chỗ an toàn để tránh sét là tòa nhà hay công sở có lắp đặt hệ thống chống sét. Khi ở trong nhà thì nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm thấp như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại. Đứng xa các vật cao, lập tức ra khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao, hồ, mương.
Trong trường hợp cảm thấy tóc bị dựng lên, điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Lập tức cúi ngồi xuống và lấy tay che tai, không nên nằm xuống đất hay đặt tay lên đất. Đối với các vật có bề mặt kim loại như xe buýt, tàu hỏa, ôtô..., nếu không thò người ra ngoài và không chạm đến vỏ bọc thì ở những chỗ này là an toàn.
"Thường cơn giông kéo đến rất nhanh, trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40 km/giờ. Khi sét xảy ra, thoạt tiên thấy tia chớp lóe lên và sau đó là có sấm kèm theo. Tốt nhất trong khoảng thời gian 30 giây từ khi thấy tia chớp là chúng ta đã nằm trong tầm của sét rồi nên cần cẩn thận và thực hiện các biện pháp như đã nói trên" - ông Hùng nói.
"Thung lũng sét" đã bình yên Hơn 10 năm trước, những người dân sống dọc thung lũng sông La Ngà thuộc 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh, tỉnh Bình Thuận vào mùa mưa là nơm nớp lo sợ bị sét đánh. Từ năm 1995-2010, thiên lôi cướp đi mạng sống của hơn 40 người dân. Ông Nguyễn Hồng (78 tuổi; ở xã Mê Pu, huyện Đức Linh) sống ở vùng đất này đã hơn 50 năm, từng tiễn biệt hàng chục người láng giềng, bạn bè bị sét đánh. Ông Hồng kể hầu hết những người bị sét đánh đều chết ngay tại chỗ, mặt cháy sém, rất khó nhận dạng. Cũng có người may mắn sống sót nhưng sau đó tâm tính không bình thường. Có trường hợp hy hữu như anh L.T.P ở xã Mê Pu bị sét đánh văng khỏi xe, bất động. Người thân ra đưa anh về lo hậu sự. Nhưng thật kỳ lạ, ngày hôm sau, khi công việc tẩm liệm bắt đầu thì anh P. bất ngờ hồi tỉnh và… sống luôn tới nay. Năm 2004, trước những mất mát, thiệt hại quá lớn, tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Phân viện Địa lý tại TP HCM (Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam) thực hiện đề tài "Nghiên cứu nguyên nhân gây ra giông sét; đề xuất các giải pháp làm giảm nhẹ thiệt hại trong vùng thung lũng sông La Ngà". Những người thực hiện công trình đã đưa ra giải pháp như đầu tư cột thu lôi, trồng các loại cây cao chứa nhiều nước, dẫn điện tốt để thu hút các tia điện, hạn chế đánh vào nhà dân. Giờ đây, khi hệ thống thu lôi từ các công trình xây dựng được lắp đặt hoàn chỉnh, thiên lôi đã rất ít ghé thăm vùng đất này. Ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, cho biết gần đây, các công trình nhà cao tầng, trạm Viba được xây dựng nhiều ở khu vực này đều có cột thu lôi nên đã giảm thiểu rất lớn tình trạng sét đánh. LÊ TRƯỜNG |
Quang Nhật-Kỳ Nam-Thốt Nốt (NLĐO)