(GLO)- 40 năm tỉnh nhà được giải phóng, cũng chính là 40 năm sinh ra, lớn lên, học tập và cống hiến của những người con sinh ra trong năm 1975. Gắn bó với tỉnh nhà từ những ngày bắt đầu công cuộc đổi mới, đến nay những con người đó đều đã trưởng thành, có một vị trí nhất định trong xã hội. Có thể kể đến như đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Đinh Ly An-Phó Bí thư Tỉnh đoàn; Đinh Thị Giang-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh… Cho dù là ở vị trí nào đi chăng nữa, những con người ấy vẫn đang góp phần không nhỏ xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh.
Sinh ra ở tỉnh Vĩnh Phú, nhưng khi chưa đầy một tuổi, anh Hồ Sĩ Phú-hiện là công chức Văn phòng UBND tỉnh, đã được ba mẹ đưa vào sinh sống tại Gia Lai. Nhớ lại những kỷ niệm của thời cách đây hơn 30 năm, anh Phú không thể quên được hình ảnh hoang sơ, những con đường đất đến trường lôm côm sỏi đá, những ngôi nhà thưa thớt và những cánh đồng lúa bạt ngàn.
(Từ trái qua) anh Hồ Sĩ Phú-Cán sự Văn phòng UBND tỉnh; chị Nguyễn Thị Thu Huyền-Phó Trưởng phòng Tin học, Kho bạc Nhà nước tỉnh; anh Vũ Văn Toàn-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ). |
“Tôi sinh ra trong thời tem phiếu nên vẫn nhớ mãi những buổi dậy sớm cùng ba mẹ đi xếp hàng để được mua nhu yếu phẩm tại cửa hàng mậu dịch. Hồi ấy, nếu có xe máy thì cũng chỉ cất trong nhà vì không mua được xăng để mà đi”-anh Phú hồi tưởng. Vì vậy, phương tiện di chuyển “sang trọng” nhất lúc bấy giờ là chiếc xe đạp. Mà theo ký ức của anh Phú, để mua được chiếc xe đạp cũng phải mất hàng tháng trời, vì mỗi lần chỉ mua được một phụ tùng, khi đầy đủ các bộ phận mới đem ra lắp ráp thành chiếc xe. Anh kể: “Tôi vẫn nhớ, ngày ấy ba tôi có nuôi một con heo nặng 1,5 tạ, đem đổi cho Công ty Công nghệ phẩm thì được một chiếc xe đạp Cửu Long và hơn ba chục đồng”.
Thế rồi những ngày tháng khó khăn ấy đi qua, anh Phú lớn lên, theo học Trường Trung cấp Văn thư Lưu trữ 2 (TP. Hồ Chí Minh) rồi về công tác tại Văn phòng UBND tỉnh từ năm 1998 cho đến nay. Với anh Phú, chưa bao giờ anh có ý nghĩ sẽ đi đến nơi nào khác để làm việc. “Có thể là do mình gắn bó và lớn lên tại đây, mọi thứ đã trở nên quá thân thuộc, không nỡ rời xa. Hơn nữa, Gia Lai ngày ấy nguồn nhân lực thiếu rất nhiều nên tôi luôn muốn về lại Gia Lai để làm việc”-anh Phú chia sẻ.
Mặc dù không sinh ra và lớn lên tại Gia Lai, nhưng chị Nguyễn Thị Thu Huyền-hiện là Phó Trưởng phòng Tin học, Kho bạc Nhà nước tỉnh lại nhận thấy mình có duyên và gắn bó với mảnh đất này. “Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Toán-Tin (Đại học Sư phạm Quy Nhơn), năm 1997, tôi lên Gia Lai tìm việc và vào làm tại Kho bạc Nhà nước cho tới nay. Ban đầu mới lên có rất nhiều bỡ ngỡ, đường sá còn nhỏ, những nơi trong thành phố bây giờ ken dày nhà cửa thì trước kia chỉ là cánh đồng dã quỳ rộng lớn. Mặc dù lập nghiệp ở nơi chỉ có một thân một mình với nhiều khó khăn, nhưng tôi chưa bao giờ thấy nản chí khi đã chọn Gia Lai”-chị Huyền tâm sự. Trong suốt quá trình công tác của mình, chị Huyền cũng đã được đi nhiều nơi, nhưng không nơi đâu đem lại cho chị cảm giác bình yên, thoải mái như nơi chị đang sinh sống. Chị Huyền cho biết thêm: “Năm Gia Lai kỷ niệm 25 năm Ngày giải phóng, tôi cùng các đoàn viên sinh năm 1975 được Tỉnh đoàn tổ chức gặp mặt và tặng quà. Quà tặng hôm đó là một chiếc áo Đoàn có in huy hiệu Đoàn phía sau lưng rất đặc biệt, đến giờ tôi vẫn giữ làm kỷ niệm. Mỗi lần nhớ lại cảm thấy rất vui và tự hào vì ba mẹ đã sinh ra mình trong năm có ý nghĩa như vậy”.
Sau những ngày cùng đồng đội tuần tra khắp đường biên giới phía Tây của tỉnh trong những năm tháng đi nghĩa vụ, anh Vũ Văn Toàn-hiện là Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) nhận thấy nơi đây đất đai rộng lớn, là điều kiện để làm kinh tế mà vùng quê Hà Nam của anh không có. Vì vậy, sau khi ra quân, anh quyết định gắn bó với mảnh đất này. Ban đầu, anh làm Bí thư chi đoàn tổ dân phố tại thị trấn Chư Ty, rồi sau được cử đi học trung cấp kế toán và về làm cán bộ kế toán tài chính của thị trấn. Dần dần, với sự năng nổ, nhiệt tình, tâm huyết với công việc, anh được tin tưởng và được đề bạt làm Phó Chủ tịch UBND thị trấn từ năm 2006 tới nay. Đặc biệt, anh Toàn sinh ngày 16-3, trước ngày giải phóng tỉnh một ngày. “Ngày sinh của tôi khi ở ngoài quê thì cũng bình thường, nhưng đến khi vào đây lập nghiệp tôi thực sự thấy rất vui. Bản thân tôi cũng tự thấy rất vinh dự, tự hào khi ngày sinh của mình lại gần với ngày kỷ niệm lớn của cả tỉnh”-anh Toàn vui vẻ chia sẻ.
Cùng với sự phát triển không ngừng của tỉnh nhà, những người con được sinh ra giữa những ngày tháng 3-1975 lịch sử cũng đã khẳng định được bản thân, tạo dựng được vị trí vững chắc trong xã hội. Có thể thấy, cho dù ở vị trí nào đi chăng nữa, họ cũng đang hết sức mình, tận tâm tận lực với công việc, góp một phần công sức nhỏ vào công cuộc xây dựng tỉnh nhà vững mạnh.
Phương Linh