Giành vòng nguyệt quế một cách thuyết phục tại cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 20 năm 2020, tương lai tươi sáng đã mở ra cho thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng đến từ tỉnh Ninh Bình.
Để lên tới đỉnh Olympia cao ngất, hàng trăm thí sinh tham gia cuộc thi năm nay - những học sinh ưu tú trên cả nước - phải trải qua chặng đường leo núi lâu dài, đầy gian khó - thi tuần, tháng, quý cho tới chung kết. Đường lên đỉnh Olympia càng cao càng gian khó bởi các đối thủ ngày càng tài năng.
Thế nên, vòng nguyệt quế mà thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng giành được năm nay - cũng như những nhà vô địch cuộc thi các năm trước - càng vinh quang, giá trị. Cùng với những thành quả cho nỗ lực leo núi suốt năm qua, nữ sinh đến từ tỉnh Ninh Bình này còn được nhận suất học bổng trị giá 40.000 USD.
Đây cũng là tiền đề mở ra tương lai học tập tươi sáng cho Nguyễn Thị Thu Hằng cũng như 19 quán quân Đường lên đỉnh Olympia trước đó. Hầu hết họ đã chọn con đường du học sau khi kết thúc bậc phổ thông.
Không chỉ là một sân chơi bổ ích, lý thú cho học sinh mà nhìn về góc độ nào đó, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia còn là nơi tìm kiếm, phát hiện tài năng cho xã hội, đất nước sau này.
Hy vọng về nhân lực chất lượng cao, nhân tài tương lai càng được thắp sáng hơn khi hầu hết các nhà quán quân Đường lên đỉnh Olympia đều đi du học ở những nơi có nền giáo dục tiên tiến, chất lượng hàng đầu thế giới. Thế nhưng, thật đáng suy ngẫm khi phần lớn nhân lực ưu tú được phát hiện qua các cuộc thi uy tín và chất lượng như Đường lên đỉnh Olympia lại không trở về nước sau khi hoàn thành việc học tập.
Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia tới nay đã vinh danh 20 thí sinh tài năng, trong đó đa số đã ra nước ngoài du học. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 2 trong tổng số 17 nhà quán quân Đường lên đỉnh Olympia trở về nước làm việc sau khi hoàn tất học tập ở nước ngoài.
Có nhiều nguyên nhân khiến phần lớn nhân tài được phát hiện và vinh danh qua những cuộc thi như Đường lên đỉnh Olympia không trở về nước làm việc. Song, tựu trung có 2 nguyên nhân chủ yếu được thừa nhận rộng rãi là môi trường làm việc và thu nhập. Họ ở lại nước ngoài là vì dễ dàng tìm được công việc có thu nhập xứng đáng và nhất là môi trường làm việc có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình.
Hãy khoan trách họ ích kỷ hay chỉ lo vun vén cho bản thân... mà nên đặt vấn đề vì sao môi trường làm việc trong nước lại chưa hấp dẫn nguồn nhân lực trẻ và tài năng, dù rằng đất nước ta đang phát triển nhanh với những tập đoàn, công ty lớn vươn tới tầm khu vực và thế giới? Vì sao không ít nơi trong nước đã và đang áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm "trải thảm đỏ" thu hút chất xám, nhân tài nhưng nhiều người vẫn lựa chọn ở lại nước ngoài thay vì về nước làm việc, sinh sống?
Khép lại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 20, một lần nữa nên "mở ra" vấn đề làm thế nào để nhân tài được phát hiện qua những "sân chơi" như thế sau khi học tập xong sẽ phục vụ cho tương lai phát triển của đất nước.
Theo PHẠM DƯƠNG (NLĐO)