(GLO)- Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay tại Gia Lai các thương lái thường xuyên dùng các loại hóa chất không nhãn mác hoặc bao bì ghi chữ Trung Quốc để ép sầu riêng chín nhanh. Trong khi đó, sự độc hại của những hóa chất này vẫn đang nằm ngoài vòng kiểm soát của các cơ quan chức năng.
“Tắm” sầu riêng trong hóa chất
Thương lái S. và hai người thanh niên đang “tắm” sầu riêng bằng hóa chất ngay tại sân nhà người dân. Ảnh: Văn Ngọc |
Sau nhiều ngày lân la tiếp cận, P.V Báo Gia Lai đã được một thương lái đồng ý “truyền đạt” bí kíp biến sầu riêng non, xanh thành sầu riêng chín mà chỉ cần dùng hóa chất. Chúng tôi được chị S.-một thương lái chuyên thu mua sầu riêng tại TP. Pleiku dẫn xuống xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê để gom hàng. Tại nhà một hộ dân trong xã, chị S. mua được khoảng hơn 400 quả sầu riêng với mức giá 20.000 đồng/kg sầu riêng chín rụng và 17.000 đồng/kg sầu riêng xanh, non. Sầu riêng chín rụng được xếp thành một đống riêng biệt còn lại đều được trộn chung vào nhau.
Khi đã thu hái, tập kết thành đống xong, chị S. lấy một chậu nước và đổ một loại hóa chất trong vắt không màu đựng trong chai nhựa không nhãn mác hòa tan rồi lần lượt bỏ sầu riêng non, xanh vào chậu dung dịch pha trộn đó ngâm trong khoảng 15 phút thì vớt ra. Sau khi những quả sầu riêng được ngâm đã khô hơi nước, hai người làm công của chị S. mang ra bãi đất ném mạnh xuống để tạo dấu vết nứt ra giữa các múi như sầu riêng chín rụng. Chị S. giải thích rằng hóa chất không màu kia là để làm cho sầu riêng nhanh chín. “Quả non hay xanh thế nào thì cũng chỉ cần ngâm rồi vớt ra sau một đêm là chín. Vậy mới đủ hàng để chuyển đi TP. Hồ Chí Minh chứ chỉ chờ quả chín rụng thì không đáng bao nhiêu”-chị S. nói.
Cũng theo người phụ nữ này, thương lái đến vườn sẽ mua tất cả các loại sầu riêng từ chín rụng, xanh non hay thậm chí là sầu riêng… điếc-tức có múi nhưng ít hoặc không có cơm. Loại sầu riêng điếc này chủ yếu được phân phối cho các cơ sở làm kem để dùng tạo mùi bởi nó vẫn mang mùi đặc trưng của sầu riêng dù không quá đậm đặc. Chị chia sẻ: “Mỗi ngày mình gom hàng đi TP. Hồ Chí Minh đến cả tạ sầu riêng. Nhu cầu hàng lớn nên mình phải dùng hóa chất đó để làm chín quả nhanh thôi. Mình cũng hỏi rồi, người ta bảo hóa chất này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe đâu”.
Liệu có gây độc hại cho người tiêu dùng?
Số sầu riêng mua tại một hộ dân tại huyện Chư Sê sau khi đã được ngâm hóa chất. Ảnh: Văn Ngọc |
Cách phân biệt sầu riêng chín rụng và sầu riêng ngâm hóa chất Theo nhiều thương lái chuyên thu mua sầu riêng cho biết, để phân biệt loại sầu riêng chín rụng và sầu riêng ngâm hóa chất chủ yếu nhờ vào phần cuống. Cuống sầu riêng ngâm hóa chất thường bị teo, có dấu dao cắt ngang do bị hái non, cuống sầu riêng rụng tự nhiên thì cuống lồi lõm, đầu cuống phình ra nở nang. Sầu riêng ngâm, khi chín không có mùi thơm nồng như sầu riêng chín rụng. Đồng thời sầu riêng ngâm hóa chất khó tách vỏ hơn so với sầu riêng chín rụng. |
Theo chỉ dẫn của một số đầu mối, chúng tôi đến nhà của người tên K. để mua loại hóa chất làm sầu riêng nhanh chín. Đến nơi, ông K. lấy cho chúng tôi xem 2 loại hóa chất, một loại đựng trong chai nhựa loại 250 ml màu trắng không nhãn mác giá 50.000 đồng/chai và một gói thuốc đựng 20 ống nhỏ như cây bút ghi bằng chữ Trung Quốc giá 30.000 đồng/gói. Ông K. cho biết, hai loại thuốc này lần lượt có tên là “Hoa quả thúc chín tố” và “Chín trái”. “Loại đựng trong chai màu trắng này chỉ cần pha khoảng 3 nắp chai với nửa chậu nước là có thể ngâm được chừng gần 100 quả. Sáng nay ngâm thì sáng mai chín ngay, hiệu quả lắm. Còn loại ống này thì cứ 5-6 ống pha với nửa lít nước bơm vào quả là chín ngay. Nhưng loại này thì hay dùng cho mít hơn là sầu riêng”-ông K. hướng dẫn chi tiết. Khi P.V đề cập đến chuyện ảnh hưởng tới sức khỏe không, ông K. thẳng thừng: “Cái đó thì làm sao tôi biết được”.
Trao đổi với P.V, ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trước đây đã nghe thông tin về những loại hóa chất làm sầu riêng chín, tuy nhiên để bắt quả tang và xử lý những người vi phạm thì rất khó. “Những loại thuốc kích thích chín nếu có nguồn gốc rõ ràng thì nó không có hại lắm. Tuy nhiên do các sản phẩm thương lái sử dụng không có nhãn mác, nên không thể biết loại thuốc đó được chế biến từ những loại chất gì, có độc hại hay không”-ông Toàn nói.
Lê Văn Ngọc