Giống lúa OM 6162 có ưu điểm như: thời gian sinh trưởng ngắn (95 ngày); thân rạ cứng; chiều cao cây 109 cm; khả năng kháng rầy nâu cấp 1- 3, kháng đạo ôn cấp 1; tỉ lệ gạo bạc bụng thấp (cấp 9, từ 2- 5%), hạt gạo đạt chuẩn xuất khẩu (dài 7,05 milimét). Điểm ưu việt nhất của giống lúa này là cho năng suất cao, ổn định trong cả 2 vụ hè thu và đông xuân, từ 5- 7 tấn/ha. Đây là giống lúa thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai. Viện đang tập hợp các nguồn gien giống lúa từ các vùng bị hạn hán ở Tây Bắc, Tây Nguyên để lai tạo thêm nhiều giống lúa chịu khô hạn khác.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giống lúa chống chịu khô hạn phục vụ cho sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long rất ít trong khi năm nào khu vực này cũng có hàng trăm nghìn ha lúa bị khô hạn. Vụ lúa đông xuân năm 2009- 2010, Đồng bằng sông Cửu Long có 220.000 ha bị khô hạn, vụ lúa hè thu năm 2010, dự báo có trên 600.000 ha bị thiếu nước. Tổ chức nghiên cứu, tạo các giống lúa thích nghị với biến đổi khí hậu toàn cầu, trước hết là các giống chịu hạn, mặn, ngập úng (từ vài tuần đến vài tháng) có chất lượng tốt hiện được Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long xem là nhiệm vụ hàng đầu.