(GLO)- Trong những ngày đầu Xuân Bính Thân 2016, trên công trường thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông), Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã huy động tối đa lực lượng xe máy, lao động tập trung thi công phần thân đập, đảm bảo hoàn thành trước thời điểm chặn dòng an toàn.
Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải và Liên doanh Công ty cổ phần Vinaconex đã huy động hơn 100 công nhân lát đá phần chân thân đập chống thẩm thấu; Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nông thôn Thanh Hóa huy động hàng chục đầu xe máy và các loại thiết bị chuyên dùng tập trung nâng cao thân đập đúng thiết kế... Tiếng máy, tiếng cười của công nhân hòa quyện vào nhau tạo nên sắc Xuân trên công trường với niềm hy vọng mang lại những điều tốt lành cho bà con dân tộc thiểu số trên cao nguyên bao la hùng vĩ. Anh Lê Hùng Cường-công nhân lái máy ủi tâm sự: “Mình quê ở Thanh Hóa và theo đơn vị vào thi công công trình thủy lợi Ia Mơr được hơn 5 năm nay rồi. Mình làm việc hết sức với mong muốn được đóng góp một phần công sức để công trình hoàn thành đúng tiến độ...”.
Thi công phần đập công trình thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: Văn Thông |
Theo ông Nguyễn Văn Hòa-Phó Trưởng ban Quản lý Dự án thủy lợi Ia Mơr, ngay từ mùng 4 Tết, các đơn vị thi công trên công trường thủy lợi Ia Mơr đều ra quân làm việc với cường độ lớn; đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục ở khu vực đầu mối, đảm bảo các điều kiện cần thiết để chặn dòng vào mùa Xuân này.
Song hành với việc đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho những phần việc có liên quan đến chặn dòng như công tác đền bù, bàn giao quỹ đất để tiến hành thu dọn lòng hồ và tích nước... Về nguồn vốn đền bù, Chính phủ đã cho phép Bộ Nông nghiệp và PTNT ứng 28,1 tỷ đồng giao cho tỉnh Gia Lai thực hiện các khâu kiểm tra quỹ đất và có kế hoạch đền bù theo đúng quy định cho từng hộ dân có quỹ đất sản xuất trong lòng hồ. Về công tác thu dọn lòng hồ, do nguồn vốn còn khó khăn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng ý với UBND tỉnh trước mắt sử dụng nguồn kinh phí tận thu lâm sản để triển khai thực hiện. Về công tác trồng rừng thay thế, Chính phủ cũng đã đồng ý thực hiện vốn từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016-2020.
Công trình thủy lợi Ia Mơr có năng lực tưới 12.500 ha lúa, hoa màu và cây công nghiệp. Trong đó, trên địa bàn vùng biên giới xã Ia Mơr (Gia Lai) thụ hưởng 8.500 ha và huyện Ea Súp (Đak Lak) thụ hưởng 4.000 ha. Ngoài ra, công trình còn cung cấp nước sinh hoạt phục vụ cho khoảng 50.000 dân ở vùng hạ lưu kết hợp với phát triển giao thông nông thôn, nuôi trồng thủy sản, du lịch và phát điện. Đến nay, công trình thủy lợi Ia Mơr đã được đẩy nhanh tốc độ thi công và hoàn thành hơn 70% khối lượng công việc các hạng mục chính tại khu vực đầu mối với tổng khối lượng đất, đá đào đắp đã thực hiện được hơn 4 triệu m3.
Hơn ai hết, người dân ở xã Ia Mơr rất vui mừng và phấn khởi trước sự đổi thay từng ngày, nhất là khi nhìn thấy công trình đang ngày càng hoàn thiện. Thấy được ý nghĩa và giá trị từ công trình thủy lợi Ia Mơr, hàng trăm hộ người Jrai trong vùng lòng hồ đã tự nguyện di dời đến nơi ở mới để sinh sống và nhường quỹ đất lại cho công trình thi công. Đáp lại tình cảm sâu đậm đó, bà con đã được Nhà nước đầu tư xây nhà ở mới khang trang sạch đẹp, cơ sở hạ tầng được đầu tư và làm khá đầy đủ, nhà nào cũng có điện thắp sáng, đường sá đi lại thuận lợi, có trường lớp cho con em đến học...
Ông Rơ Lan Chiêm-Chủ tịch UBND xã Ia Mơr cho biết: Địa bàn xã có quỹ đất canh tác khá lớn, song do chưa có nguồn nước tưới và trình độ thâm canh của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong xã còn thấp nên chưa phát huy được thế mạnh tại chỗ. Trong vài năm tới, khi công trình thủy lợi Ia Mơr hoàn thành và đưa vào sử dụng chắc chắn đời sống của bà con trong vùng sẽ được ổn định và nâng cao.
Văn Thông