(GLO)- Theo tìm hiểu của P.V, hiện nay hàng trăm cây thông trên 30 năm tuổi ở tiểu khu 499 (huyện Đak Đoa) và tiểu khu 501 (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) đã và đang bị khoét gốc. Cây chết đến đâu, người dân “khoanh vùng” chiếm đất đến đó, thế chỗ là hàng ngàn trụ tiêu mọc lên.
Tiểu khu 499 do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đak Đoa (huyện Đak Đoa) quản lý với 96 ha, trong khi đó UBND huyện Mang Yang quản lý tiểu khu 501 với 170 ha rừng thông. Tại 2 tiểu khu này, những cây thông to lớn lần lượt bị khoét vỏ, nhựa ứa chảy từng dòng. Để cây nhanh chết, người dân dùng dao, rựa phạt phân nửa gốc, sau đó, đốt cháy đen sì. Trường hợp cây chưa chết, người dân ngang nhiên chặt hẳn hòng chiếm đất... được nhanh. Nhiều cây vừa ngã xuống, lá trên cành còn xanh rì. Nhìn từ xa, loang lổ những khoảnh rừng khô héo, cháy vàng, thi thoảng xuất hiện những khoảnh rừng trơ trọi gốc thông vừa bị đốn hạ.
Ảnh: Nguyễn Nhật |
Anh N.V.T. (xã Kdang, huyện Đak Đoa) cho biết: “Rừng thông ở đây bị chặt suốt ấy mà. Hồi trước người ta còn chặt ban đêm vì sợ bị chính quyền địa phương phát hiện xử lý chứ bây giờ thì họ chặt cả ban ngày. Chặt cây đến đâu họ chiếm đến đó mà chưa thấy ai bị xử lý cả”. Tương tự, ông Huỳnh Văn Bình (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) cũng cho biết: “Người ta chặt, rồi lấn dần, lấn dần sau đó lấy đất bán lại cho người khác”. Theo ông Bình, nhiều người vạt gốc công khai cả ban ngày, ngay trên những con đường mòn nhiều người qua lại. Để “hợp thức hóa” đất trái phép, có hộ ngang nhiên giăng hàng rào thép gai xung quanh một khoảnh rừng thông rồi trồng tiêu, chanh dây xen lẫn vào đó. Sau khi bị đốn nửa gốc, cây thông chết, đất rừng nghiễm nhiên trở thành đất có chủ với lý do... khai hoang. Đã có hàng ngàn cây thông với hàng chục ha rừng bị đốt gốc, cháy ngổn ngang. Thay vào đó, cây tiêu, cà phê, chanh dây “vô tư” chen chân, thế chỗ. Vườn, rẫy của người dân càng mở rộng, rừng thông cứ thế thu hẹp dần.
Một người dân trú thôn Tân Phú, xã Đak Djrăng (đề nghị giấu tên) cho biết, bà mua 6 sào (6.000 m2) đất tại tiểu khu 501 với giá trên 10 triệu đồng từ một hộ cùng thôn. Chỉ có giấy viết tay giữa người bán và mua, hoàn toàn không có xác nhận của chính quyền địa phương. Có rẫy, bà tiến hành đốt gốc cây thông, rồi đào hố, bỏ phân trồng trụ tiêu.
Tương tự, nhiều trường hợp đã mua bán đất rừng kiểu “sang tay” như thế. Người dân cho biết, bước đầu họ trồng chanh dây để chiếm đất, nếu cơ quan chức năng phát hiện thì nhổ bỏ, bởi chi phí ít. Khi chính quyền bị “qua mặt”, các hộ dân này mới tiến hành trồng tiêu trên diện tích đất rừng đã lấn chiếm.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Nhĩ-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thì người dân không khai thác ồ ạt mà vạt gốc thông từ từ, rồi lấn dần lấn dần để chiếm đất. Cũng theo ông Nguyễn Nhĩ, chủ rừng phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tình trạng trên.
Nguyễn Nhật