(GLO)- Tình trạng phá rừng làm rẫy kéo dài trong nhiều năm qua đã khiến nhiều diện tích rừng đầu nguồn thuộc lâm phần của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mang Yang đang bị xóa sổ.
Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mang Yang ( Gia Lai) được giao quản lý hơn 6.000 ha rừng gồm hơn 4.000 ha đất có rừng, còn lại là đất trống tại huyện Mang Yang. Những năm qua, đơn vị này đã nỗ lực ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản trái phép. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng làm rẫy trong lâm phần của Ban Quản lý vẫn xảy ra, đặc biệt là tại khu vực xã Đak Jơ Ta.
Cây rừng bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Ảnh: L.G |
Những ngày cuối tháng 4-2018, giữa cái nắng đổ lửa của mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi men theo con đường mòn trước cổng làng Đê Bơ Tứk (xã Đak Jơ Ta) rồi vượt qua 2 con suối để vào khu vực rừng thông thuộc lâm phần của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mang Yang. Dọc theo con đường giữa rừng thông để lên đỉnh núi là hàng trăm cây thông bị ngã đổ, cũ có, mới có. Các cây thông có đường kính 20-30 cm, cao 5-6 m nằm ngổn ngang, đa phần đều có dấu vết của việc ken cây. Ở khoảng cách 1 m từ gốc lên, những cây thông này bị khoét sâu vào đến hơn nửa phần thân và bị cạo sạch phần vỏ, nhựa thông ứa ra ở hai đầu trên dưới. Ngoài ra, tại đây, chúng tôi cũng phát hiện nhiều cây thông cao to bị ken ngang thân đang đứng chờ chết.
Đi bộ khoảng 2 km, những cánh rừng trơ trọi nằm men sườn núi bắt đầu hiện ra. Khoảng rừng tự nhiên nằm sát rừng thông đã bị đốt cháy ngả màu đen kịt của than. Cây rừng lớn nhỏ đều bị thiêu rụi nằm la liệt trên nền đất nóng hầm hập, lửa bén cả vào rừng thông bên cạnh. Nhiều cây có đường kính 30-50 cm đã bị cưa xẻ lấy đi phần lõi. Càng lên trên đỉnh núi, những mảng rừng bị đốt theo kiểu “da báo” càng hiện ra nhiều hơn. Từ trên cao, đánh mắt về phía xa, chúng tôi cũng phát hiện rừng hình ảnh tương tự. Có khu vực rừng người dân vừa mới đốt, khói vẫn bốc lên nghi ngút.
Trên những khoảng rừng bị phá từ lâu, người dân trồng mì, gừng, bời lời, bạch đàn. Anh H.-người dẫn đường cho chúng tôi, chia sẻ: “Trước kia, rừng còn đến sát bờ suối, nay thì bị đốt nham nhở lên tận đỉnh rồi. Người dân phá rừng để trồng mì, gừng nhưng rồi thu hoạch không được bao nhiêu nên chuyển sang trồng bời lời, bạch đàn. Rừng bị cạo trọc nên suối càng ngày càng ít nước. Nếu cứ để đốt rừng như vậy thì không biết sau này nước có về được nữa không”.
Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Lê Trọng-Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, cho biết, vừa qua, trong cuộc họp về các vấn đề nội chính, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện, Hạt Kiểm lâm huyện vào hiện trường kiểm tra. Hiện các đơn vị này vẫn đang tiếp tục đo đạc diện tích rừng bị lấn chiếm. “Cái đó diễn ra từ lâu rồi, để anh em kiểm tra xong mới xác định được trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị. Nguyên nhân do buông lỏng quản lý hay lý do nào thì phải làm xong hết mới xác định được trách nhiệm của các bên”-ông Trọng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Mang Yang, cho hay, đơn vị đã phát hiện, lập biên bản vài trường hợp lấn chiếm đất rừng nhưng không xử lý được. Đơn vị cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân không được đốt rừng làm rẫy. “Thời gian tới, đơn vị sẽ tiến hành rà soát thực trạng rừng để có hướng lấy lại đất bị lấn chiếm rồi giao cho người dân trồng rừng để hưởng lợi một cách bền vững từ rừng”-ông Hùng cho hay.
Lê Gia