Giữa thủ phủ rau huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, một làng hoa cúc chậu đang tất bật chuẩn bị cho niên vụ hoa Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới. Bất chấp khó khăn của dịch COVID-19, hàng chục nghìn chậu hoa của người dân đã được bán hết dù phải còn hơn 1 tuần nữa mới đến cao điểm thị trường hoa Tết.
|
Làng hoa Nghĩa Bình trồng xen kẽ hoa trong vườn susu, khi vụ hoa Tết kết thúc sẽ tiếp tục chăm sóc và thu hoạch susu. |
Lọt thỏm giữa những cánh đồng rau của xứ Đơn Dương, vườn hoa cúc chậu ở làng hoa Nghĩa Bình (thôn Krăngọ, xã P’Ró) càng thêm nổi bật và khác biệt. Giờ này hoa đang chớm nụ, một vài chậu cúc được gieo trồng sớm đã bắt đầu hé nở, khoe sắc vàng ươm đậm đà sắc xuân.
Ông Nguyễn Bá Dũng, xóm hoa Nghĩa Bình, thôn Krăngọ cho hay, đây là mấy chậu hoa trồng sớm để người trong làng chuẩn bị cho lễ tất niên sắp tới. Năm nay tưởng thị trường tiêu thụ hoa gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng đến hiện tại, nhà vườn đã bán hết sạch chậu hoa cho thương lái nên bà con rất phấn khởi.
Trên vườn hoa hơn 3.000 chậu cúc của nhà ông Dũng, hơn 40 nhân công đang miệt mài lặt nụ hoa trong tiếng nhạc rộn ràng, tươi vui. Đây là việc làm cần thiết để mỗi cành hoa chỉ nuôi một nụ chính, khi hoa nở sẽ xòe to hơn lòng bàn tay, rất đẹp mắt.
Ông Dũng nói: “Hoa cúc chậu của xóm Nghĩa Bình luôn được chăm chút tỉ mỉ nên khách hàng rất ưa chuộng. Có lẽ vì vậy mà mặc cho dịch bệnh phức tạp, việc tiêu thụ hoa của nhà vườn chúng tôi vẫn rất thuận lợi”.
Nghề trồng hoa Tết ở thôn Krăngọ được hình thành từ hơn 10 năm nay. Bắt đầu tháng 8 âm lịch hàng năm, người dân xóm hoa Nghĩa Bình lại tất bật dọn vườn lagim (trồng rau củ ngắn ngày) để làm chậu, xuống giống trồng hoa cho vụ Tết. Cúc chậu trồng ngoài trời nên thời gian canh tác lâu hơn cúc trồng trong nhà kính của Đà Lạt. Tuy nhiên, lợi thế là hoa luôn to đẹp, thắm sắc hơn hẳn cúc trong nhà kính.
|
Nghề trồng hoa cúc chậu được bà con đem từ quê nhà Quảng Ngãi vào đây gây dựng và lấy tên là xóm hoa Nghĩa Bình (theo tên tỉnh Nghĩa Bình trước đây). |
Theo ông Võ Đình Thụy (73 tuổi), nghề trồng hoa cúc chậu được bà con đem từ quê nhà Quảng Ngãi vào đây gây dựng và lấy tên là xóm hoa Nghĩa Bình (theo tên tỉnh Nghĩa Bình trước đây). Gia đình ông Nguyễn Bá Dũng là hộ đầu tiên trồng hoa Tết, sau này thấy việc trồng hoa thu lợi cao hơn nên bà con học tập và tham gia theo.
“Đến nay cả thôn có trên 20 hộ chuyên trồng hoa cúc chậu cho vụ Tết mỗi năm. Riêng năm nay cả xóm hoa chúng tôi đã trồng gần 25.000 chậu cúc phục vụ thị trường Tết” – ông Thụy cho hay.
Theo các nhà vườn, thời điểm xuống giống hoa Tết năm nay rơi vào cao điểm dịch COVID-19 bùng phát trong cả nước nên cả xóm đều lo lắng. Tuy nhiên, đến hiện tại tất cả số chậu hoa đã được thương lái đặt cọc mua hết nên bà con rất phấn khởi. Hiện tại, nhà vườn tiếp tục chăm sóc hoa, chờ đến ngày 17 tháng Chạp Âm lịch sẽ bắt đầu chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành phía Nam.
Ông Nguyễn Văn Tuyến, thôn Krăngọ cho biết, với vườn hoa hơn 3.000 chậu, gia đình ông có thể thu về từ 500 – 600 triệu đồng chưa trừ chi phí trong vụ hoa Tết này. Cao hơn nhiều so với trồng rau, trồng lagim thông thường.
Tết năm nay, dù cúc hút hàng, nhưng bà con vẫn giữ giá cúc như năm trước. Loại chậu nhỏ giá từ 100.000-200.000 đồng/chậu được sản xuất nhiều nhất, tiếp đó loại 400.000-500.000 đồng/chậu; riêng loại 1 triệu đồng/chậu số lượng không nhiều. Dù đã bán hết nhưng hiện nay các mối tiêu thụ hoa ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận… liên tục gọi điện đặt thêm hàng.
Theo người dân thôn Krăngọ, khoảng 10 ngày nữa, xóm hoa Nghĩa Bình lại bắt đầu nhộn nhịp xe cộ, người bốc vác hoa lên xe tải chở đi các tỉnh. Đây cũng là khoảng thời gian vui nhất đối với người dân trong thôn, đặc biệt trong bối cảnh năm nay thị trường hoa nói chung gặp khó khăn do dịch COVID-19 nhưng sức tiêu thụ hoa ở làng hoa cúc chậu này vẫn không hề suy giảm.
Tin, ảnh: Nguyễn Dũng (TTXVN)