(GLO)- Làng đào Nhật Tân thuộc quận Tây Hồ nằm nép mình bên sông Hồng, một nét văn hóa truyền thống của Hà Nội. Mặc dù bị nhiều dự án "xẻo thịt" làm cho diện tích trồng chỉ còn hơn 10 ha, nhưng sức sống với niềm đam mê gìn giữ hương sắc hoa đào ngày Tết của người dân nơi đây vẫn còn nguyên vẹn.
Nông dân tuốt lá cho cây đào kịp ra hoa. Ảnh: Vũ Duy |
Phải ba lần đến vườn đào Nhật Tân tôi mới cảm nhận hết sự chuyển mình của vườn đào sắp vào ngày Tết. Trong tiết trời se lạnh, những nụ đào khe khẽ cựa mình, dường như hơi thở mùa xuân và không khí tết trong từng sắc màu mà thiên nhiên ban tặng: Sắc xanh mượt của lá, sắc hồng xác pháo của những cánh đào bích, đào bông tự, sắc hồng phớt của những nụ đào phai, đào rừng... và len lỏi trong lòng mỗi người.
Chuyển đào vào chậu. Ảnh: Vũ Duy |
Việc chọn đào của người Hà Nội cũng rất cầu kỳ, kỹ thuật chăm sóc rất cẩn thận, tỉ mỉ sao cho cành đào ra hoa đúng dịp Tết, trên cành có đào nụ và hoa rực đỏ tươi thắm mang đến sự may mắn, vui tươi và hạnh phúc trong năm mới theo phong tục cổ truyền dân tộc ngày xuân. Ra tận khu trồng đào của các hộ gia đình mới thấy được sự trau chuốt, tỉ mỉ trong quá trình chăm sóc đào cũng như tâm huyết của họ đối với nghề truyền thống này.
Một số cây đào đã sớm nở bởi thời tiết thay đổi thất thường. Ảnh: Vũ Duy |
Minh chứng cho điều này, anh chỉ dẫn chúng tôi xem gần nghìn cây đào trong vườn của anh với đủ loại. Anh còn giải thích thêm, theo các cụ gọi các loại đào là đào bông tự, đào ta, đào thế, đào bích. Nay để dễ hiểu hơn chúng tôi gọi với những cái tên gần gũi hơn và đều toát lên ý nghĩa của loại cây đó.
Đào có thể phân biệt: Đào bích có màu đỏ thẫm nhiều cánh xếp khít nhau, lá có màu lục đậm, nhiều cành, nhiều hoa. Đào phai, hoa có màu hồng nhạt, lá có màu xanh nhạt hơn so với đào bích, cây có nhiều hoa. Đào bạch, hoa màu trắng, ít hoa. Đào rừng là những loại cây gỗ lâu năm nguồn mua từ các tỉnh xa đem về ghép cành đào tạo ra những cây đào đồ sộ. Đào thông được trồng từ cây giống qua quá trình chăm sóc tạo ra những tán cây kiểu như cây thông. Đào bon sai thì cần có sự tỉ mỉ trong quá trình uốn và chăm sóc công phu ngay từ nhỏ. Và thật khó để chọn một cây đào cho riêng mình vì sự đa dạng, đẹp mắt của từng loại đào đó.
Du khách tham quan vườn đào. Ảnh: Vũ Duy |
Hoa đào là một “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với người dân miền Bắc trong những ngày tết đến. Đó không chỉ là đặc trưng của mùa xuân mà còn là quan niệm về sự sung túc, hạnh phúc của mỗi gia đình người Việt. Đặc biệt, khi hoa bắt đầu khoe sắc, các bạn trẻ, các đôi uyên ương vào chụp ảnh kỉ niệm rất nhiều, thể hiện một sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người trong khoảnh khắc vào xuân, ước mong một năm mới yên vui, lộc phước đầy nhà, lứa đôi hạnh phúc: “Ngày xuân chợt đến chốn này/ Hoa đào rực rỡ phủ đầy lối đi/ Má hồng e ấp xuân thì/ Thoáng nhìn tôi đã tình si ngỡ ngàng”.
Khách chơi hoa quý đào Nhật Tân không chỉ vì vẻ đẹp, sắc bền mà còn ở sự tồn tại lâu đời của một làng hoa. Tưởng rằng việc chuyển diện tích trồng đào ra ngoài bãi sẽ làm nhiều hộ dân tại phường Nhật Tân bỏ nghề nhưng hôm nay khi tận mắt chứng kiến cánh đồng đào bạt ngàn với hàng vạn gốc, ai cũng hiểu rằng nghề trồng đào đã ăn sâu vào huyết quản của người dân làng Nhật Tân và sẽ mãi trường tồn cùng với những thăng trầm lịch sử dân tộc.
Vũ Duy- Lê Trang