(GLO)- Từng bị nhiều người xa lánh vì có cha mắc bệnh phong, nhưng bằng ý chí, nghị lực, chị Rơ Lan Điệp (SN 1980, làng Bỉh) đã vượt qua sự éo le của số phận để trở thành triệu phú vùng biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông, Gia Lai).
Sống trong cộng đồng toàn những gia đình có người mắc bệnh phong nên ngay từ nhỏ, chị Rơ Lan Điệp luôn khép kín, ngại giao tiếp với những người xung quanh. Hơn 20 tuổi, khi bạn bè cùng trang lứa đã lấy chồng, sinh con, chị Điệp mới “bắt” chồng, một chàng trai cùng làng, mồ côi cả cha lẫn mẹ...
Chị Điệp bên vườn cà phê. Ảnh: P.D |
Cả gia đình gần 10 miệng ăn gồm 2 vợ chồng chị, 3 đứa con, mẹ già và 2 đứa cháu mà chỉ trông vào 5 sào lúa rẫy nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Vì vậy, chị bàn với chồng tranh thủ khai hoang mở rộng diện tích để trồng điều. Nhờ cần cù, chịu khó nên vài năm sau, anh chị đã sở hữu hơn 7 ha điều. Sau nhiều lần đến xã Ia O (huyện Chư Prông) thăm chị gái, thấy vườn cây cà phê của gia đình chị gái cho thu nhập cao nên chị đã đưa ra quyết định táo bạo: Đưa cây cà phê về trồng trên đất Ia Púch! Chị Điệp phân tích: “Cây cà phê trồng ở những nơi khác thì mỗi năm chỉ phải tưới 3-4 lần, nhưng trồng ở đất Ia Púch phải tưới 5-6 lần vì đất pha sỏi nhiều. Nhưng bù lại, 1 ha cà phê cho thu nhập gần bằng 4 ha điều”. Với suy nghĩ ấy, năm 2009, chị bắt tay vào chuyển đổi 1 ha điều sang trồng cà phê.
Theo bà Rơ Mah Nguyệt-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Púch, chị Rơ Lan Điệp là người dân tộc thiểu số đầu tiên trong làng mạnh dạn đưa cây cà phê về trồng trên đất này. Sở dĩ người dân trong làng chưa mạnh dạn trồng cà phê một phần do đất pha sỏi không thuận lợi cho loại cây này, phần khác do đã quen trồng cây điều vốn không tốn nhiều công chăm bón, bón phân. 3 năm sau, 1 ha cà phê của chị Điệp cho thu bói được 15 triệu đồng, số tiền không nhiều song đã giúp chị thêm vững tin về quyết định của bản thân. Năm 2015, vợ chồng chị lại mạnh dạn thử nghiệm trồng 80 trụ tiêu. Với 6 ha điều, 1 ha cà phê, 80 trụ tiêu, 5 con bò, 5 sào lúa rẫy... bình quân mỗi năm gia đình chị thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Nhận xét thêm về chị Điệp, bà Rơ Mah Nguyệt cho hay: “Làng Bỉh có 46 hội viên thì có tới 38 hội viên nghèo. Những hộ có thu nhập khá như chị Điệp rất ít”. Cũng theo bà Nguyệt, chị Điệp không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế mà là một hội viên gương mẫu luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua và cuộc vận động do các cấp Hội triển khai, nhất là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”. Chị Điệp thường xuyên tuyên truyền để hội viên trong làng sắp xếp nhà cửa gọn gàng, giữ gìn vệ sinh nơi ăn ở sạch sẽ, không nên sinh nhiều con, chi tiêu hợp lý để không bị đói giáp hạt, không thả rông heo, bò ngoài đường... Đặc biệt, chị Điệp luôn nhắc nhở, động viên chị em trong làng không nên cho thuê đất sản xuất, vì muốn thoát nghèo bền vững thì phải có đất sản xuất.
Với những nỗ lực của bản thân, mới đây, chị Rơ Lan Điệp đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2013-2017.
Phương Dung