(GLO)- Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút (làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) là người đánh cồng chiêng lão luyện và chỉnh chiêng rất giỏi. Ông còn chế tác được nhiều loại nhạc cụ dân tộc Jrai độc đáo và luôn đau đáu với mong ước truyền dạy hết những giá trị văn hóa cồng chiêng cho các thế hệ cháu con…
Nghệ nhân Rơ Châm H'Mút bên bộ chiêng quý
Nghệ nhân Rơ Châm H'Mút sinh ra và lớn lên tại làng MRông Yố 2 (xã Ia Ka, huyện Chư Pah). Quá trình trưởng thành của ông luôn gắn với tiếng cồng chiêng. Chia sẻ với chúng tôi, ông cho biết, cha ông là một nghệ nhân cồng chiêng có tiếng trong làng. Từ khi lên 5 tuổi, ông đã theo cha đi biểu diễn vào dịp lễ mừng lúa mới, đám cưới, đám ma, bỏ mả... Tối về, khi cha đem chiêng ra lau chùi, ông ngồi bên nghe cha kể ý nghĩa của từng loại chiêng. Lớn hơn ông được cha hướng dẫn cách chơi các chiêng, trống, đàn t'rưng rồi đam mê và yêu thích lúc nào không biết.
Các nhạc cụ như Đàn Kơ Ni, đàn Tơ Rưng; đàn Krông Pút; đàn Goong và đàn Prô Tung do Ông tự chế tác
Cũng chính vì đam mê mà ông đã sưu tầm được nhiều bộ chiêng quý cho làng. Ông cũng tự mình chỉnh chiêng để đảm bảo cho từng thanh âm của chiêng vang lên đúng điệu.
Nghệ nhân Rơ Châm H'Mút hướng dẫn mọi người trong làng chỉnh chiêng
Nghệ nhân Rơ Châm H'Mút múa xoang cùng cùng các thành viên trong đôi
Ông cũng phối hợp với chính quyền xã động viên dân làng duy trì đội cồng chiêng và múa xoang với 41 thành viên (người già nhất sinh năm 1957, người nhỏ nhất sinh năm 2006). Đội chiêng của xã đã từng được mời tham gia trình diễn ở nhiều sự kiện văn hóa lớn trong và ngoài nước.
Đội chiêng làng Mrông Yố 2 được thành lập lâu lắm rồi và vẫn thường xuyên duy trì luyện tập hàng ngày
Nghệ nhân Rơ Châm H'Mút dạy công chiêng cho thế hệ trẻ
Nghệ nhân Rơ Châm H'Mút hướng dẫn sử dụng đàn Tơ Rưng
Ông còn tham gia giảng dạy cồng chiêng cho các học sinh trường THCS Ia Ka, THCS Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) và các trường nội trú của các huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Năm 2013, ông tham gia giảng dạy cho sinh viên của Học viện Âm nhạc Hà Nội trong vòng 10 ngày. Ông chia sẻ: Nhìn các cháu nhỏ đeo trên mình bộ chiêng và say mê hòa vào điệu xoang ông rất xúc động, đó là nguồn động viên rất lớn để ông tiếp tục thực hiện ước mơ truyền dạy các giá trị văn hóa cồng chiêng lại cho thế hệ cháu con.
Nghệ nhân đã tham gia nhiều sự kiện lớn để biểu diễn cồng chiêng như: TP HCM, Hà Nội…
Các loại nhạc cụ dân tộc của người Jrai
Trong không gian phòng khách nhà ông hiện có rất nhiều giấy khen, bằng khen và các loại nhạc cụ dân tộc của người Jrai được trưng bày trang trọng. Trong đó có 05 loại đàn do ông tự chế tác như: Kơ Ní, T’Rưng; Krông Pút; Goong và Prô Tung vừa được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiểu biểu năm 2018.
Đức Thụy