Rạc chân tìm cỏ... cùng bò!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chị Ksor H'nhin, một người dân vùng "chảo lửa" Krông Pa (Gia Lai) than: "Đưa đàn bò 23 con đi sâu vào rừng mà cỏ như trốn đâu mất. Nước suối cũng khô. Cả đàn bò thịt đâu hết, chỉ nhìn thấy xương. Khổ theo ông trời hạn thôi!".

Cơn đại hạn kéo dài từ hơn hai tháng nay khiến người dân ở Gia Lai quay quắt tìm nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Với hơn 450 ngàn con, Gia Lai là tỉnh đứng thứ hai cả nước về tổng đàn gia súc. Đây là nguồn thu nhập lớn của nông dân, đồng thời là nguồn cung cấp phân bón chủ động cho hàng trăm ngàn ha cây trồng. Nhưng với tình trạng khô hạn do El Nino hoành hành, đàn đại gia súc của Gia Lai đang sống cầm chừng, chờ mưa đến. Còn người dân thì rạc chân đưa đàn bò vào rừng xa kiếm thức ăn trong vô vọng.

Vừa ăn thịt bò vừa khóc

 

Hàng trăm sông hồ ở Tây Nguyên khô cạn.
Hàng trăm sông hồ ở Tây Nguyên khô cạn.

Tây Nguyên đang cơn hạn nặng. Đất đai trơ khốc, nứt nẻ. Vùng đất Krông Pa từ lâu được mệnh danh là “chảo lửa” nay càng khốc liệt hơn dưới cái nắng kinh người. Khắp nơi hầm hập như rang. Con suối Ia Xăm ở xã Đất Bằng mọi khi vẫn ăm ắp nước, nay đã cạn trơ đáy. Nhiều chân ruộng phải bỏ hoang vì hạn nặng.

Đàn bò hơn 60 ngàn con của huyện Krông Pa gầy nhom vì thiếu thức ăn từ hai tháng qua. Thời điểm này chưa hẳn là đỉnh hạn nhưng tình trạng thiếu thức ăn, thiếu nước cho bò đã khiến người dân đứng ngồi chẳng yên. Hàng ngày, các gia đình có lượng bò nhiều cắt cử người xua đàn bò vào rừng xa kiếm cỏ. Người cũng chung sức tìm thức ăn và những vũng nước còn sót lại cho bò. Nhiều người phải lùa đàn bò đi gần 20 km mỗi ngày tìm thức ăn.

 

Người dân phải lùa đàn bò đi tìm ít cỏ khô còn lại trong mùa đại hạn.
Người dân phải lùa đàn bò đi tìm ít cỏ khô còn lại trong cơn đại hạn.

Anh Ksor Tim ở xã Krông Năng nói: “Mình dẫn đàn bò đi từ sáng sớm, đi xa nhiều con dao rồi cũng không có thức ăn. 12 con bò của mình đi mệt vì yếu sức, gầy quá. Mấy người trong làng có ít bò thì chung lại với nhau cử người đưa bò đi tìm thức ăn, đi trốn nắng. Nắng nóng, thiếu ăn, bò lớn không nổi, gầy quá. Mấy con bê mới đẻ đi không vững, phải để ở nhà mua cám về khuấy lên cho chúng uống. Chờ đến mùa mưa thôi. Mình gần 40 tuổi  rồi mà lần đầu tiên thấy hạn lớn như năm nay”.
 

Ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai khuyến cáo: “Trâu bò bị thiếu thức ăn, thiếu nước uống và thời tiết nắng nóng dẫn đến sức đề kháng giảm, cần chú ý phòng tránh các bệnh thường gặp như tụ huyết trùng, các bệnh truyền nhiễm và bệnh nghẽn dạ lá sách do thiếu nước uống dẫn đến bò bị chết. Chú ý bổ sung cho trâu bò lượng thức ăn xanh và thức ăn tinh phù hợp và bổ sung nước uống đầy đủ cũng như vệ sinh chuồng trại đề phòng bệnh. Đối với vỏ mì, bò, trâu ăn phải sẽ bị ngộ độc”.

... Suốt mấy hôm nay, anh Ksor Jú ở xã Ia M’lah chẳng buồn ra khỏi nhà. Cách đây mấy hôm, anh Jú đi gọt mỳ thuê cho người dân trong xã. Nghĩ đến đàn bò 15 con ở nhà thiếu thức ăn, anh gom đống vỏ mỳ vào mấy bao tải chở về đổ vào cho bò ăn. Chẳng ngờ mới cho bò ăn chưa được bao lâu thì đứa con chạy vào nhà giật giọng: “Ra mà xem, mấy con bò không thở rồi!”. Anh lật đật chạy ra chuồng bò rồi như chết đứng khi chứng kiến cảnh đàn bò, con thì chết, con thì thoi thóp. Jú hớt hải gọi người nhà ra đổ nước cám, đổ nước đường pha muối với tỏi giã vào mồm bò, lấy ống đu đủ nhúng vào bột giặt rồi đút vào hậu môn bò để thông hơi.

Trong số đàn bò, có 7 con cứ lịm dần rồi tắt thở. 7 con bò giá gần 120 triệu đồng chỉ bán vớt vát được hơn 32 triệu đồng. Hôm ấy, người trong buôn Prông đột ngột có bữa thịt bò chết vì say mì. Sáng hôm sau, nhiều người trong làng còn say rượu với thịt bò, chẳng ai nhìn thấy Jú ra góc chuồng bò đứng khóc một mình. Số bò chết là cả gia sản của gia đình anh để sinh kế, chỉ chưa đầy ba tiếng đã tiêu tán.

Cháy hàng ... rơm rạ

 

Người dân phải tìm những vũng nước còn sót lại cho bò.
Người dân phải tìm những vũng nước còn sót lại cho bò.

Đồng khô cỏ cháy, rơm rạ đội giá cao. Anh Nguyễn Đình Hùng, người chuyên gom rơm rạ bán cho người nuôi bò và trồng cây ở thị xã Ayun Pa  cho biết: “Nếu nhà có 5 con bò thì chỉ non chục ngày là ăn hết một cây rơm, trị giá khoảng 1,5 triệu đồng. Nhưng năm nay rơm rạ sốt giá, tăng lên đến 2,4 triệu đồng/cây rơm. Đắt đỏ thế nhưng không đủ rơm để bán. Người dân đành cho bò ăn rơm cầm chừng”.

Cả một vựa lúa nước gần 15.000 ha của khu vực Ayun Hạ cũng không đủ rơm rạ cho đàn bò ở các huyện lân cận như Chư Sê, Krông Pa, thị xã Ayun Pa. Nhiều người dân bấm bụng trả thêm tiền mới mong mua được rơm cho bò ăn. Anh Nguyễn Văn Lý, một người dân ở huyện Đak Đoa kể: “Tôi hỏi người quen mua rơm cho đàn bò 10 con đang thiếu ăn. Họ kêu giá hơn 4,5 triệu đồng/một xe tải loại 8 tấn, đắt hơn năm trước chừng 400-500 ngàn đồng. Đã vậy, phải cắt cử hai người chăn bò và cắt cỏ thêm chẳng ăn thua”.

Những người dân không mua được rơm buộc phải mua mỳ lát, bột ngô, cám khuấy nước cho bò uống những mong chúng khỏi quỵ vì đói. Tại các huyện như Ia Pa, Chư Prông, Chư Pưh, Kon Chro, tình cảnh cũng chẳng khá hơn. Nhiều hộ dân vì chủ quan không trữ, lại không mua được rơm nên chỉ cho bò ăn thức ăn tinh cầm chừng.

Một số gia đình đã trồng thêm ít cỏ thì tích cực tưới nước, bón phân cho cỏ nhanh lên cho bò ăn. Nhưng nhìn toàn cục, hàng trăm ngàn con trâu bò ở Gia Lai mùa đại hạn đang đối mặt với tình trạng thiếu ăn, ốm yếu. Và nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không có những biện pháp phòng trừ.

 

Đàn bò gầy nhom vì đồng khô cỏ cháy.
Đàn bò gầy nhom vì đồng khô cỏ cháy.

Cứ mỗi con bò người chăn nuôi có thể lãi 4-5 triệu đồng/con trong thời gian 4 - 5 tháng. Đây cũng là cách chăn nuôi tương đối hiệu quả bởi Tây Nguyên vốn là vùng chuyên canh nhiều loại cây trồng. Chỉ cần nuôi độ 10 con bò trở lại, nông dân có thể cung cấp đủ phân bón cho khoảng 4-5 ha cây trồng. Nhưng hơn nửa năm nay, mỗi con bò trưởng thành chỉ lãi khoảng 2-3 triệu đồng/con. Và đặc biệt năm nay, El Nino hoành hành khiến người nuôi bò điêu đứng. Người nuôi phải bỏ thêm chi phí để mua thêm cám cho bò ăn để giữ đàn bò bớt xuống ký.

Không chỉ đối mặt với cơn đói, đàn bò còn phải đối mặt với cơn khát. Tại Gia Lai cũng như khu vực Tây Nguyên, hàng trăm sông suối cạn khô từ hơn hai tháng nay. Nhiều người đưa bò vào rừng xa cũng phải tìm chỗ cho bò uống nước. Mỗi chiều, dọc bờ sông Ba chảy qua các huyện, thị vùng phía Đông và Đông nam của Gia Lai, hàng ngàn con bò chen nhau uống nước.

 

Bò phải ăn cả vỏ cây mì.
Bò phải ăn cả vỏ cây mì.

Anh Phan Đình Huy, người được người dân phong là “Vua bò” từ nhiều năm nay cũng không tránh khỏi thực trạng khó khăn về nguồn thức ăn cho bò. Đàn bò 3.200 của anh ở khu vực giáp ranh của hai huyện Phú Thiện và Chư Sê đang thiếu thức ăn. Anh Huy nói: “Thiếu cỏ cho bò nên tôi đã chủ động nguồn rơm rạ. Mỗi tháng phải bỏ ra 30-50 triệu đồng mua thêm thức ăn tinh để duy trì sức cho đàn bò. Phải chờ có mưa mới có cỏ cho bò”.

Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa cho hay: “Các nhà khoa học, nhà quản lý cần giúp dân có những giống cỏ chịu được thời tiết khô hạn hoặc cần ít nước tưới để nông dân yên tâm về nguồn thức ăn cho bò hoặc có cách trữ lại cỏ trong mùa mưa để cho bò ăn vào mùa khô”.

Tìm những vùng cỏ tốt cho đàn đại gia súc của Gia Lai thời điểm này chẳng khác nào “tìm thúng úp voi”. Nông dân Tây Nguyên chỉ biết ngửa cổ trông trời có những cơn mưa lớn để giải hạn.

Trần Hiếu

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.