Cán bộ trạm kiểm soát liên hợp Km15 Móng Cái kiểm tra hàng hóa nhập lậu bị thu giữ. |
Theo đó, Quy chế xác định trách nhiệm theo lĩnh vực, địa bàn và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các bộ, ngành, các cơ quan chức năng, Ủy ban Nhân dân các cấp (gọi tắt là cơ quan quản lý nhà nước) trong việc thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái phép khác (gọi tắt là công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và cơ quan chức năng có trách nhiệm chủ động tổ chức phối hợp hoạt động để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành công tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có phân định cơ quan chịu trách nhiệm chính và cơ quan phối hợp. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước phải tuân thủ pháp luật; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bên liên quan.
Các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chủ động xác lập quan hệ phối hợp hoạt động trong việc: phân định phạm vi trách nhiệm quản lý và hoạt động; xây dựng kế hoạch, phương án công tác, các biện pháp quản lý theo ngành, lĩnh vực, địa bàn; những vấn đề có liên quan đến ngành hoặc địa phương khác cần có sự trao đổi, bàn bạc thống nhất với các cơ quan liên quan.
Bên cạnh thực hiện đồng bộ các biện pháp hành chính, kinh tế, giáo dục, tuyên truyền để đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng kế hoạch kiểm tra, cung cấp thông tin về đối tượng; tổ chức lực lượng kiểm tra, phương tiện để bắt giữ; tư vấn, trao đổi nghiệp vụ chuyên môn nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ việc vi phạm về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-12-2010 và thay thế Quyết định số 96/TTg ngày 18-2-1995 của Thủ tướng Chính phủ.