(GLO)- Có mặt tại Bệnh viện huyện Ia Pa những ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi ghi nhận không khí khẩn trương, tập trung cao độ phòng-chống bệnh sốt xuất huyết bởi số lượng bệnh nhân nhập viện liên tục tăng. Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thiên-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Pa cho hay, tình hình dịch bệnh tăng bất thường kể từ tháng 7-2016 đến nay. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận bình quân 2 đến 5 ca bệnh; tổng số ca bệnh ghi nhận đến nay là 162 người, chưa có trường hợp tử vong.
Theo Ban Y tế Dự phòng huyện Ia Pa, tình hình bệnh sốt xuất huyết tăng bất thường trong năm nay. Bác sĩ Nay Nuar-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế, phụ trách Ban Y tế Dự phòng thống kê từ năm 2015 trở về trước, địa bàn huyện gần như miễn nhiễm với bệnh sốt xuất huyết. Trong suốt 10 năm qua (từ năm 2006 đến năm 2015) chỉ ghi nhận 28 bệnh nhân sốt xuất huyết. Tuy nhiên, bước sang năm 2016, bệnh sốt xuất huyết bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Ngay từ những ngày đầu năm đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết ở thôn 3, xã Kim Tân. Đến hết tháng 5, có tổng cộng 5 ca bệnh sốt xuất huyết ở 2 thôn liền kề là thôn 3 và thôn Đồng Sơn, xã Kim Tân. “Nhận thấy dấu hiệu cảnh báo trên, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo Ban Y tế Dự phòng phối hợp với Trạm Y tế xã Kim Tân tổ chức khoanh vùng, phun thuốc diệt muỗi và tuyên truyền cho người dân 2 thôn các biện pháp phòng-chống bệnh lây lan trong cộng đồng”-bác sĩ Nay Nuar nói.
Đội cơ động phòng-chống dịch sốt xuất huyết phun thuốc diệt muỗi tại các ổ dịch. Ảnh: Đ.P |
Tuy nhiên, bước sang tháng 6, sau đợt nắng hạn lịch sử kéo dài, trên địa bàn xuất hiện các cơn mưa xen kẽ với những ngày nắng nóng. Điều kiện thời tiết khí hậu nóng ẩm thuận lợi cho muỗi sinh sôi, kết hợp việc nhiều hộ dân trữ nước sinh hoạt trong các bể chứa đã tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản thành các ổ lăng quăng (bọ gậy). Vì thế, trong tháng 6, bệnh sốt xuất huyết đã xuất hiện thêm ở địa bàn các thôn Ma Rin 1, Ma Rin 2 (xã Ia Ma Rơn) với 6 bệnh nhân phải nhập viện điều trị.
Dịch bệnh sốt xuất huyết bắt đầu tăng nóng từ đầu tháng 7 đến nay, số bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng đột biến. Các ổ dịch bệnh bùng phát liên tiếp tại các thôn Ma Rin 1, Ma Rin 2, Ma Rin 3, thôn Đoàn Kết (xã Ia Ma Rơn) và thôn Đồng Sơn, thôn 3 (xã Kim Tân). Trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8, có đến 152 bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị.
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, UBND huyện Ia Pa đã chi 40 triệu đồng để hỗ trợ cho công tác phòng-chống dịch. Trung tâm Y tế huyện đã điều động thêm các giường bệnh ở Trạm Y tế xã và tổ chức tu sửa các giường bệnh để nâng số giường bệnh tại Bệnh viện huyện lên 90 giường (tăng 40 giường so với biên chế); đồng thời sẵn sàng các điều kiện về thuốc, dịch truyền và trang-thiết bị vật tư tiêu hao đảm bảo điều trị cho bệnh nhân. Nhờ đó, chưa xảy ra trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng, tử vong do sốt xuất huyết.
Trung tâm Y tế huyện thành lập 2 đội cơ động phòng-chống dịch sốt xuất huyết với nòng cốt là cán bộ của Ban Y tế Dự phòng và Trạm Y tế xã. Các đội cơ động xuống địa bàn xảy ra ổ dịch phối hợp với y tế xã, thôn và các trưởng thôn tổ chức điều tra, giám sát dịch bệnh, bắt muỗi, lăng quăng. Tại 6 thôn xảy ra sốt xuất huyết đều có các chỉ số mật độ muỗi trong nhà dân, số dụng cụ chứa nước có lăng quăng ở mức nguy cơ cao.
Huyện ủy, UBND huyện Ia Pa đã chỉ đạo phát động toàn dân triển khai phòng-chống sốt xuất huyết. Ban Y tế Dự phòng phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện đưa tin cảnh báo, tuyên truyền phòng-chống sốt xuất huyết. Tổ chức truyền thông phòng-chống muỗi đốt, hướng dẫn cho người dân cách diệt lăng quăng (bọ gậy) là nguồn lây bệnh sốt xuất huyết; phát quang bụi rậm xung quanh nhà dân, thu gom rác thải, lấp những hố nước đọng, khơi thông cống rãnh, đổ dụng cụ chứa nước có lăng quăng ở các thôn… Phối hợp với y tế xã, thôn và chính quyền 2 xã Ia Ma Rơn, Kim Tân ký cam kết và phát động toàn dân tham gia dọn vệ sinh phòng-chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Cùng với đó, Ban Y tế Dự phòng huyện tổ chức phun thuốc diệt muỗi 3 đợt (mỗi đợt cách nhau 7 đến 10 ngày) tại 6 thôn xảy ra ổ dịch ở xã Ia Ma Rơn và Kim Tân; mở rộng địa bàn phun thuốc diệt muỗi tại 4 thôn liền kề với ổ dịch là thôn Sô Ma Len, Ma San (xã Ia Ma Rơn) và thôn 1, thôn 2 (xã Kim Tân).
Mặc dù công tác phòng-chống đang được triển khai quyết liệt, tuy nhiên số bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng trong những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày có 2 -5 bệnh nhân nhập viện điều trị. Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thiên cho rằng, nguyên nhân dịch bệnh khó kiểm soát vì môi trường và điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh. Trong buổi sáng đi cùng cán bộ y tế dự phòng huyện xuống các ổ dịch ở xã Kim Tân và Ia Ma Rơn, chúng tôi ghi nhận thấy dọc 2 bên tỉnh lộ 662 (nay là đường Trường Sơn Đông) chạy qua 2 xã có nhiều đoạn rãnh thoát nước bên đường bị tắc tạo thành vũng nước đọng do trận mưa từ mấy hôm trước. Bác sĩ Nay Nuar cho rằng đấy cũng là môi trường thuận lợi cho muỗi và lăng quăng sinh sôi, truyền bệnh.
Bên cạnh đó, người dân, nhất là đồng bào dân tộc Jrai vẫn chưa thực sự quyết liệt cùng lực lượng y tế thực hiện biện pháp phòng-chống như: tự kiểm tra các dụng cụ chứa nước trong nhà, trong vườn để diệt lăng quăng. Sự phối hợp của một số ban ngành, chính quyền xã chưa quyết liệt trong phòng-chống dịch…
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thiên cho rằng dịch sốt xuất huyết khó kiểm soát vì lệ thuộc môi trường, thời tiết. Sự di biến động của bệnh nhân cũng làm phát tán mầm bệnh. Để dập tắt dịch bệnh thì ngoài nỗ lực của ngành Y tế địa phương, cần có sự vào cuộc đồng loạt tổ chức chiến dịch phòng-chống sốt xuất huyết ở nhiều xã, nhiều huyện lân cận với mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trên diện rộng và tổ chức điều trị kịp thời không để xảy ra trường hợp bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết.
Đức Phương