(GLO)- Đã hơn 1 tháng kể từ khi Ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam (15-3) được công bố, thế nhưng ở tỉnh ta, quyền lợi NTD vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân dẫn đến thực tế này này là do Hiệp hội Bảo vệ NTD tỉnh vẫn chưa thành lập trong khi bản thân NTD chưa mạnh dạn đấu tranh vì quyền lợi của mình.
Người tiêu dùng chưa mạnh dạn đấu tranh quyền lợi cho mình. Ảnh: Lê Lan |
Mua 2 bộ quần áo tại một shop thời trang ở phường Ia Kring (TP. Pleiku) với giá 200.000 đồng/bộ, chị Nguyễn Ngọc Ngân (tổ 4, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) khá bức xúc vì mới mặc một lần chiếc áo đã sứt chỉ, thậm chí có chỗ vải bị lỗi, rạn. “Dù biết mua phải hàng kém chất lượng nhưng vì shop quen nên mình cũng ngại không đến đổi, trả lại”-chị Ngân kể.
Rất nhiều người như chị Ngân, thường ngại phiền phức, mất công kiện cáo nên lỡ mua phải hàng kém chất lượng hoặc không đúng yêu cầu cũng tặc lưỡi bỏ qua, nhất là đối với những “khổ chủ” trót mua hàng trên mạng. “Hôm trước mua trên mạng chiếc máy sấy tóc, nhìn hình thì khá ổn nhưng thực tế khi hàng vận chuyển về thì hỡi ôi, chiếc máy trông giống đồ chơi trẻ em hơn là máy sấy tóc bình thường. Giờ có kiện cũng khó vì công ty ở xa mà gửi đi gửi lại mất công”-anh Nguyễn Đức Thành (hẻm 47 đường Lê Đình Chinh, TP. Pleiku) than vãn.
Không những vậy, đa số NTD đều không nắm rõ quyền của mình, vì thế không biết phải làm thế nào để tự bảo vệ và muốn kiện cũng không biết đi đâu. “Cách đây vài hôm, chị của mình mua một thùng sữa tươi tại một cửa hàng sữa trên đường Quang Trung (TP. Pleiku). Lúc về mới biết thùng sữa có quà tặng khuyến mãi nhưng nhân viên ở đây cố tình “quên”. Về nhà rồi mới biết thì làm thế nào?”-anh Nguyễn Đức Thành thắc mắc. Đây chính là điểm mấu chốt khiến quyền lợi NTD vẫn bị vi phạm và tái diễn nhiều lần. Theo Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, NTD có 8 quyền cơ bản, đó là: quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp; quyền được cung cấp thông tin chính xác về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ và quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn cam kết; quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật. Ngoài ra, NTD còn có quyền tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; quyền góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về chính sách bán hàng; quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Thành-Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Kể từ thời điểm công bố Ngày Quyền của NTD Việt Nam đến nay, Sở chưa nhận được bất cứ thông tin phản ánh nào từ phía NTD. Còn việc thành lập Hiệp hội Bảo vệ NTD vẫn đang chờ chủ trương của tỉnh. “Tuy nhiên, khó khăn nhất là kinh phí để duy trì Hội. Bởi đây không phải là hội đặc thù để Nhà nước hỗ trợ kinh phí, mà là hội nghề nghiệp nên kinh phí phải tự thân vận động, tức là hội viên tự nguyện đóng góp, trong khi doanh nghiệp không mặn mà, còn NTD thì rất khó để huy động. Hiện một số tỉnh, địa phương đã thành lập Hiệp hội Bảo vệ NTD, Sở sẽ chủ động tìm hiểu những Hiệp hội đã thành lập và có hoạt động để học tập, nghiên cứu. Sau đó sẽ xây dựng phương án đề xuất với tỉnh triển khai, tìm nguồn kinh phí để duy trì Hội”-ông Nguyễn Tấn Thành cho biết.
Lê Lan