Quy hoạch cảnh quan nông thôn: Kiến tạo không gian đáng sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều chuyên gia cho rằng kiến tạo nên những không gian nông thôn đáng sống là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới.

 
Hệ thống trường học, đường làng chuẩn bêtông hóa, quy hoạch hệ thống kênh mương sạch đẹp, đạt tiêu chuẩn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại xã Bồng Lai (Quế Võ, Bắc Ninh). (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)
Hệ thống trường học, đường làng chuẩn bêtông hóa, quy hoạch hệ thống kênh mương sạch đẹp, đạt tiêu chuẩn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại xã Bồng Lai (Quế Võ, Bắc Ninh). (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)



Cảnh quan nông thôn từ xưa đã in đậm trong tâm trí người Việt bởi hình ảnh làng, bản, núi đồi, lễ hội truyền thống, người nông dân cần cù chịu khó lao động trên cánh đồng, nương rẫy...

Ngày nay, sự phát triển kinh tế-xã hội, phong trào xây dựng nông thôn mới với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đã làm thay đổi sắc thái cảnh quan nông thôn.

Cùng đó là sự xuất hiện nhiều hơn các khu dân cư, sản xuất-dịch vụ tập trung, thị tứ, thị trấn, thành phố.

Nhiều chuyên gia cho rằng kiến tạo nên những không gian nông thôn đáng sống là một trong những giải pháp quan trọng đối với mục tiêu nâng cao đời sống người dân, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Do đó, quy hoạch cảnh quan nông thôn mới cần đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội, quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông thôn, phong trào xây dựng nông thôn; đồng thời, xem xét tác động đến các yếu tố kiến trúc cảnh quan gốc, từ đó đề xuất các định hướng, giải pháp phù hợp.

Trong những năm gần đây, dưới tác động của công nghiệp hóa và cơ chế thị trường, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng công nghiệp-thương mại-dịch vụ, tập quán lối sống của người dân thay đổi cùng với sự gia tăng hoạt động xây dựng dẫn đến thay đổi cơ cấu tổ chức không gian làng xã truyền thống và biến đổi kiến trúc cảnh quan.

Nam Định là một trong những địa phương tích cực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về cảnh quan môi trường.

Toàn tỉnh Nam Định có 13 đơn vị xã, thôn, xóm đăng ký xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về cảnh quan môi trường giai đoạn 2019-2020.

Để nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về cảnh quan môi trường, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các địa phương lựa chọn, xây dựng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu về cảnh quan môi trường, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Đồng thời, yêu cầu các cán bộ, đảng viên và trước hết là cán bộ cấp ủy và trưởng thôn, xóm phải gương mẫu, tiên phong, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao và các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu.

Cụ thể, đối với từng hộ gia đình phải bảo đảm nhà cửa, khuôn viên gia đình, công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi được chỉnh trang tu sửa, làm đẹp; vườn tược được cải tạo thành vườn cây ăn quả hoặc vườn rau, vườn hoa-cây cảnh; giữ gìn cảnh quan môi trường trước, trong và xung quanh khuôn viên hộ gia đình thường xuyên sạch đẹp...


 

Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề làm mõ của Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề làm mõ của Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)



Đối với thôn, xóm phải xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu “sáng-xanh-sạch-đẹp;” thường xuyên phát động và tổ chức làm tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, kênh mương và khuôn viên các công trình phúc lợi công cộng; có bản vẽ hoặc sơ đồ quy hoạch phát triển thôn, xóm, các điểm tham quan, bổ sung quy định bảo vệ cảnh quan môi trường trong hương ước của thôn, xóm...

Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Minh, Viện Kiến trúc Quốc gia cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở nước ta chủ yếu mới tập trung vào 3 vấn đề chính là quy hoạch xây dựng, sản xuất và sử dụng đất.

Trong khi đó, những nghiên cứu về quy hoạch cảnh quan nông thôn ít được đề cập. Việc quản lý xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch trên địa bàn cả nước còn rất ít kinh nghiệm so với quản lý xây dựng theo quy hoạch ở khu vực đô thị.

Theo ông Minh, hiện nay trong khu vực nông thôn, việc quản lý xây dựng theo quy hoạch chỉ diễn ra đối với khu vực xây dựng có dự án (chủ yếu đối với xây dựng công trình công cộng); không có hướng dẫn, định hướng cho kiến trúc trong xây dựng nhà ở và công trình công cộng; việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên có giá trị chưa được quan tâm... dẫn đến tình trạng xây dựng lộn xộn.

Phần lớn các làng xã, đặc biệt là những làng xã ven đô đang mất dần những giá trị truyền thống; kiến trúc tại các làng, bản vùng núi đang mất dần bản sắc riêng...

Ông Minh cho rằng để khắc phục tình trạng trên, đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi phải có các giải pháp quy hoạch cảnh quan trên cơ sở định hướng về xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc cảnh quan truyền thống.

Quy hoạch đó phải gắn với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội địa phương, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu...

Cụ thể, quy hoạch xây dựng cần có sự điều chỉnh và chú ý đến nội dung kiến trúc cảnh quan. Quá trình lập quy hoạch cảnh quan nông thôn cần chú trọng đến bảo tồn, chỉnh trang các không gian làng xã vốn có trước đây, hạn chế can thiệp làm biến đổi tự nhiên.

Căn cứ điều kiện địa lý của từng vùng, mỗi địa phương để lập quy hoạch, xây dựng cảnh quan bảo đảm phù hợp, nhưng vẫn tạo nên sự hài hòa và thân thiện với môi trường...

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Minh, đối với các ngôi làng truyền thống có giá trị kiến trúc cảnh quan cần được bảo tồn tổng thể. Bảo tồn cấu trúc tổng thể ngôi làng với các không gian đặc trưng, bảo tồn tôn tạo các ngôi nhà cổ, các công trình tín ngưỡng tôn giáo như đình làng, chùa làng, đền...

Đồng thời, gắn tất cả những vật thể được bảo tồn vào cuộc sống bằng cách đưa vào các tour du lịch, các ngày lễ hội...

Đối với những công trình văn hóa truyền thống như: đền, chùa, miếu... và những công trình kinh doanh, dịch vụ: chợ làng, buôn bán nhỏ có thể tập trung ở một khu vực (thường ở vị trí trung tâm làng, trên đường trục chính làng), hình thành khu trung tâm văn hóa của làng hoặc phân bố rải rác ở các vị trí khác nhau trong làng.

Bên cạnh đó, các công trình nhà ở mới được xây dựng xen kẽ trong làng, xóm cần đảm bảo mật độ xây dựng cũng như hình thức kiến trúc, quy mô xây dựng của công trình nhằm đạt được sự hài hòa trong tổng thể cảnh quan.

Đồng thời, xây dựng, cải tạo hệ thống hồ, ao lớn, sân bãi, không gian thoáng được kết hợp làm hồ điều hòa, cảnh quan; khu vui chơi, giải trí...

Trong làng, xã phải đặc biệt chú trọng tới việc tổ chức không gian cây xanh và môi trường...

Ông Đặng Văn Hà - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan (trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam), cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm rà soát các văn bản quy định cũng như hướng dẫn về quy hoạch, xây dựng, quản lý cảnh quan nông thôn và nông thôn mới trên cơ sở đặc thù của từng địa phương.

Đồng thời, nghiên cứu, điều chỉnh, quy hoạch lại không gian của thôn, làng bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực quy hoạch phát triển cũng nhấn mạnh sự cần thiết của xã hội hóa trong đầu tư xây dựng cảnh quan nông thôn. Xây dựng cảnh quan nông thôn phải được coi là nhiệm vụ của mọi người dân chứ không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước.

Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ về vốn, quy hoạch, thiết kế các công trình, và người dân tham gia góp vốn, công sức để xây dựng. Có như vậy, công cuộc kiến tạo cảnh quan nông thôn mới thực sự bền vững.

Thành Trung (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.