Quảng Ninh: Khám phá vùng đất hoang sơ vùng biên Bình Liêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bình Liêu một vùng đất còn hoang sơ, với vùng núi non hùng vĩ, thiên nhiên đẹp đến ngỡ ngàng đang là điểm đến hút chân du khách.

Ruộng bậc thang ở xã Lục Hồn được công nhận là Di tích-Danh thắng cấp tỉnh (Nguồn ảnh: baoquangninh)
Ruộng bậc thang ở xã Lục Hồn được công nhận là Di tích-Danh thắng cấp tỉnh (Nguồn ảnh: baoquangninh)
Nhắc đến du lịch Quảng Ninh chắc hẳn du khách sẽ nghĩ ngay đến vịnh Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô, Yên Tử những địa điểm du lịch nổi tiếng đã in dấu chân của biết bao nhiêu du khách trong và ngoài nước.
Thế nhưng, thời gian qua nhiều du khách đã bắt đầu bị thu hút bởi Bình Liêu một vùng đất còn hoang sơ, với vùng núi non hùng vĩ, thiên nhiên đẹp đến ngỡ ngàng.
Bình Liêu là một huyện miền núi cao có vị trí nằm ở khu vực phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh. Phía Bắc của Bình Liêu giáp với huyện Ninh Minh, phía Tây giáp huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, phía Đông giáp huyện Hải Hà và phía Nam giáp huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà.
Được ví như Sa Pa thu nhỏ của Quảng Ninh, Bình Liêu được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu đặc trưng ôn hòa, mát mẻ; cộng đồng dân tộc luôn có ý thức giữ gìn tiếng nói, trang phục truyền thống, các phong tục, tập quán tốt đẹp và hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, dân ca, lễ hội, trò chơi dân gian. Đây chính là những lợi thế riêng có của Bình Liêu để thu hút khách du lịch.
Du khách có thể đến du lịch Bình Liêu vào bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng mùa hè là thời điểm lý tưởng vì thời tiết tại Bình Liêu mát mẻ, dễ chịu, ít có mưa, khung cảnh thiên nhiên thì vô cùng tươi đẹp. Ngoài ra bạn cũng có thể đến Bình Liêu vào thời điểm cuối thu đầu đông.
Do có địa hình giáp với huyện Phong Thành và Nam Ninh ở Trung Quốc, Bình Liêu có những cột mốc nằm trên cung đường biên giới độc đạo dài gần 50km quanh co, hiểm trở.
Bình Liêu có 64 cột mốc, nhưng có 4 cột mốc linh thiêng là 1300, 1302, 1305 và 1327 mà mỗi dân phượt không thể bỏ qua. Những cột mốc này nằm rải rác trên cung đường tuần tra biên giới cao hơn 700m so với mặt nước biển, uốn lượn trên những quả đồi thơm nức mùi nhựa thông.
Những đường dẫn đến đỉnh Cao Ly, đỉnh Quảng Nam Châu, Cao Xiêm cũng là điểm để săn mây rất thú vị. Khu vực núi Cao Xiêm, Cao Ly khá thích hợp để du khách có một buổi cắm trại đáng nhớ, nơi những đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi, khung cảnh vô cùng thanh bình.
Sống lưng khủng long ở Bình Liêu là cụm từ để chỉ sống núi đường lên mốc 1305. Muốn tới đó, du khách phải leo lên và đi qua cung đường quanh co đó. Những cung đường Bình Liêu được bao bọc bởi những đồng cỏ lau tuyệt mỹ. Khung cảnh ở đây rất đẹp.
Vẻ hoang sơ, phong cảnh núi non trùng điệp hữu tình, cỏ lau lay nhẹ trong gió giữa triền đồi xanh tạo nên khung cảnh đẹp hùng vĩ. Đứng từ sống lưng khủng long đó, bạn có thể ngắm toàn cảnh đất trời Bình Liêu thơ mộng dịu dàng.

Sống lưng khủng long Bình Liêu vào mùa cỏ lau. (Nguồn: halongtourism.com.vn)
Sống lưng khủng long Bình Liêu vào mùa cỏ lau. (Nguồn: halongtourism.com.vn)

Ngoài cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp thì du khách khi đến với Bình Liêu còn được trải nghiệm những ngon thác hùng vĩ như thác Khe Vằn, nơi mà bạn sẽ được ngắm ba tầng thác tuyệt đẹp hay tham quan thác Khe Tiền nằm giữa khu rừng nguyên sinh, có độ cao trên 1500m còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, thi vị.

Bình Liêu không chỉ sở hữu những đồng lau hữu tình mà còn cả những cánh đồng ruộng bậc thang tựa như ở Sapa hay Mù Cang Chải. Bình Liêu hiện lên mộc mạc và yên bình với cánh đồng lúa chín vàng óng ả, vang vang tiếng chuông đeo cổ của những chú trâu đang cày bừa vọng lại tựa như tiếng chuông gió, reo vui.
Cũng bởi vậy mà vào mỗi độ tháng 9, khi lúa trổ bông mênh mang sắc vàng, Bình Liêu lại chuyển mình đẹp rực rỡ. Những thửa ruộng bậc thang ở Bình Liêu là nét đẹp thiên nhiên hòa quyện cùng nét văn hóa lao động, uốn mình tinh tế như những nấc thang trời.
Tới Bình Liêu, du khách đừng bỏ lỡ chợ phiên vùng cao Đồng Văn, thường họp vào các ngày lẻ (thứ 3, 5, 7), nơi đồng bào Dao, Sán Chỉ tấp nập trao đổi sản vật. Du khách cũng có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của người dân tộc Tày, Dao, Sán chỉ, Kinh, Hoa với những nét văn hóa vùng miền đặc sắc và đa dạng.
Đến với Bình Liêu, du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực độc đáo nơi đây, không thể bỏ qua món phở xào, xôi bảy màu hay gà bản nướng, miến dong Bình Liêu, cá suối nướng, canh rau rừng.
Nhằm phát huy và quảng bá du lịch Bình Liêu, mới đây, Ủy ban Nhân dân huyện Bình Liêu đã tổ chức Tuần Văn hóa Du lịch - Hội Mùa vàng huyện Bình Liêu năm 2020 từ ngày 7-14/11/2020.
Đây là hoạt động hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch những tháng cuối năm của tỉnh, đồng thời khai thác, phát huy các giá trị khác biệt, lợi thế của huyện trong dịp thu đông để phát triển du lịch địa phương.

Màu xanh bạt ngàn, đồi núi trập trùng của thiên nhiên Bình Liêu khiến bất kỳ ai cũng phải lay động. (Nguồn: baoquangninh)
Màu xanh bạt ngàn, đồi núi trập trùng của thiên nhiên Bình Liêu khiến bất kỳ ai cũng phải lay động. (Nguồn: baoquangninh)

Tại lễ khai mạc Tuần Văn hóa Du lịch - Hội Mùa vàng huyện Bình Liêu năm 2020, Ban tổ chức đã công bố Quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh về công nhận ruộng bậc thang Lục Hồn là Di tích - danh thắng cấp tỉnh.

Đây là cơ sở để huyện Bình Liêu giới thiệu những vốn văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào tới đông đảo bạn bè, du khách bốn phương trong tỉnh và khu vực. Đồng thời, mở ra cơ hội trong việc khai thác tiềm năng du lịch phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nhằm triển khai tốt Nghị quyết số 01-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện về phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Bình Liêu là điểm đến mang giá trị khác biệt tại Quảng Ninh và trở thành địa điểm du lịch có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, huyện Bình Liêu đề ra nhiều nhóm giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu này.
Cụ thể như nhóm giải pháp về tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về phát triển du lịch; thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch; xây dựng và phát triển các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực và thị trường du lịch.
Cùng với đó, huyện Bình Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia dịch vụ du lịch, xây dựng các website chính thức về du lịch và quảng bá trên các phương tiện thông tin, tạo cơ chế ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư phát triển du lịch.
Với những giải pháp căn cơ, đồng bộ, du lịch Bình Liêu sẽ đóng góp khoảng từ 25-30% vào tăng trưởng kinh tế của huyện trong giai đoạn 2015-2020; từ sau năm 2020 sẽ đóng góp khoảng trên 40% vào tăng trưởng kinh tế.
(Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.