Theo báo cáo của Ban chỉ đạo công tác bảo hộ lao động (BHLĐ) tỉnh Gia Lai, năm 2010, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chi hơn 40 tỷ đồng huấn luyện công tác an toàn- vệ sinh lao động (AT-VSLĐ), trang bị phương tiện BHLĐ, phương tiện bảo vệ cá nhân và phòng cháy chữa cháy...
Ngoài ra, các sở, ban ngành, doanh nghiệp cũng đã tổ chức tập huấn cho người sử dụng lao động và người lao động, với hơn 14.000 lao động và 900 lượt người sử dụng lao động được huấn luyện về công tác AT-VSLĐ; 19.000 lao động được khám và theo dõi về sức khỏe, trong số đó không có trường hợp nào bị mắc bệnh nghề nghiệp. Các doanh nghiệp cũng thực hiện đăng ký các loại máy có yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLĐ với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong đó có 40 thiết bị áp lực, 20 thiết bị nâng và 3 thang máy. Công an Phòng cháy Chữa cháy tỉnh đã tổ chức 40 lớp huấn luyện nghiệp vụ về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho lực lượng phòng-chống cháy nổ của các đơn vị, cơ sở với gần 3.000 lượt người tham gia.
Ảnh: Đức Thụy |
Đặc biệt, trong thời gian diễn ra Tuần lễ quốc gia AT-VSLĐ-PCCN hàng năm, nhiều hoạt động, như: Thăm hỏi gia đình và người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các cuộc thi an toàn, vệ sinh viên giỏi cấp doanh nghiệp, cuộc thi PCCC, sơ cứu người bị nạn, diễn tập PCCC… đã được nhiều đơn vị, doanh nghiệp quan tâm tổ chức. Qua đó phần nào cũng nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật về công tác AT-VSLĐ-PCCN.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành tốt những quy định pháp luật về công tác AT-VSLĐ-PCCN. Qua báo cáo của Ban chỉ đạo công tác BHLĐ năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 64/3.000 doanh nghiệp báo cáo định kỳ về công tác an toàn lao động cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa chấp hành các quy định pháp luật về công tác AT-VSLĐ-PCCN; chưa thực hiện tuyên truyền, tập huấn đầy đủ cho người lao động… dẫn đến vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây chết người; công tác khám và theo dõi sức khỏe định kỳ cho người lao động vẫn chưa được các cơ quan, doanh nghiệp chú trọng; phương tiện bảo vệ cá nhân, BHLĐ cho người lao động nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa chú trọng quan tâm. Một số nghề, như khai thác đá, chế biến gỗ, nông sản… làm việc trong môi trường bụi, tiếng ồn nhưng rất ít doanh nghiệp quan tâm về môi trường làm việc cho người lao động.
Nhằm khắc phục những vấn đề tồn tại nêu trên, sáng 24-3, Gia Lai tổ chức phát động Tuần lễ quốc gia AT-VSLĐ-PCCN lần thứ 13-2011 tại huyện Chư Pah tạo động lực để các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp, người lao động và toàn thể xã hội cùng quan tâm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm hơn nữa về công tác AT-VSLĐ, nhằm thúc đẩy các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động.
Đinh Yến