(GLO)- Già làng, trưởng thôn, những người lớn tuổi thường “đứng mũi chịu sào”, đi đầu trong xử lý việc làng việc nước. Họ chính là người có thể thuyết phục và động viên người dân, họ nói dân nghe, làm dân tin, dân phục và dân theo. Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg về thực hiện chế độ chính sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là sự quan tâm, động viên kịp thời đối với những đối tượng này.
Cười thật tươi khi nhận được số tiền 400 ngàn đồng theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg dành cho đối tượng là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, già làng Rcơm Thơp (Pleiku Roh, phường Yên Đổ), già làng Ksor Hyuih (làng Bruk Ngol, phường Yên Thế), Trưởng thôn Rah Lan Juk (làng Chuêt 2, phường Thắng Lợi) cùng nhiều già làng, trưởng thôn khác không nén được xúc động. Bởi với các ông, đây còn hơn cả một sự “trả công” mà chính là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với công sức, với nỗ lực của các ông trong “hành trình” xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương suốt bao năm qua. “Số tiền không lớn, nhưng ý nghĩa của nó thì lớn lắm. Mình rất vui khi được Đảng, Nhà nước quan tâm”, Ayoch-già làng làng Đal (xã Biển Hồ) bày tỏ.
Các già làng tiêu biểu của Gia Lai. Ảnh: Minh Thi |
Ông Trần Đức Thuận-Trưởng phòng Dân tộc TP. Pleiku khẳng định: Người có uy tín gồm các già làng, trưởng thôn hoặc cán bộ công chức trong làng là những người vô cùng quan trọng khi cùng với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; sử dụng uy tín, ảnh hưởng của mình để giải quyết nhiều vụ việc phức tạp ngay tại thôn, làng. Điều đó càng có ý nghĩa khi đâu đó vẫn tiềm ẩn âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước ta một cách thâm hiểm mà đối tượng kẻ thù nhắm tới thường là người dân tộc thiểu số, trong khi TP. Pleiku có tới 12,08% là người dân tộc thiểu số (đang sống ở 42 làng tại 14/23 xã, phường)-một con số không nhỏ đối với một trung tâm kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tuy vậy, thời gian qua, gần như chưa có một chế độ, chính sách rõ ràng nào dành riêng cho đối tượng này. Họ tự nguyện “vác tù và hàng tổng” mà không đòi hỏi bất cứ sự “trả công” nào. Họ hoạt động chỉ với mục đích tạo môi trường ổn định, lành mạnh phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; là người tiên phong, đi đầu và hết mình nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Sự ra đời của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách đối với những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thật sự là một tín hiệu vui. Theo đó, trên 2 vạn người có uy tín trong cả nước nói chung và 42 người có uy tín tại các xã, phường trên địa bàn TP. Pleiku nói riêng sẽ được hưởng các chính sách cụ thể cả về vật chất lẫn tinh thần. Cụ thể như được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tham quan học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh; được cấp phát miễn phí báo Dân tộc và Phát triển, Báo của Đảng bộ tỉnh. Riêng về vật chất, họ được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các dân tộc thiểu số, hỗ trợ vật chất khi ốm đau theo mức 400.000 đồng/người/năm; được thăm hỏi khi gia đình gặp khó khăn, bố, mẹ, vợ, chồng, con chết do hậu quả thiên tai.
Trưởng phòng Dân tộc TP. Pleiku cho biết thêm, ngoài những chính sách trên, người có uy tín tham gia đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội tại địa phương mà bị thương hoặc hy sinh được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định công nhận là thương binh hoặc liệt sĩ và được hưởng các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật hiện hành. Không những thế, người có uy tín có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ an ninh, trật tự sẽ được xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua-Khen thưởng và các quy định hiện hành về thi đua, khen thưởng.
Hà Duy