Trong việc quản lý động vật nuôi nhốt có nguồn gốc hoang dã, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đều có văn bản chỉ đạo rất gắt gao. Thế nhưng một số cán bộ thuộc ngành chức năng của tỉnh ta dường như thực hiện chưa đến nơi đến chốn.
Báo Gia Lai đã từng phản ánh tại xã Ia Băng (huyện Chư Prông) có một điểm chuyên kinh doanh mật gấu. Chủ nhân thậm chí còn công khai trưng biển quảng cáo ra đường (có số điện thoại
liên lạc).
Sau khi báo đăng nội dung sự việc, cán bộ của Chi cục Kiểm lâm đã xuống kiểm tra tại cơ sở này. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Khanh- Trưởng phòng Bảo tồn Thiên nhiên thuộc Chi cục Kiểm lâm và được biết: “Địa chỉ như báo nêu có treo biển bán mật gấu, chúng tôi đã cho dẹp đi rồi. Chủ nhà bảo có người quen ngoài phía Bắc biếu khoảng 2cc mật gấu, do nhà ông không dùng nên treo biển quảng cáo để bán lại cho người có nhu cầu”. Khi chúng tôi hỏi chủ nhân tên gì thì ông Khanh còn trả lời rằng không biết. Hỏi có lập biên bản vi phạm không thì ông cũng trả lời không có.
Kiểm tra việc nuôi nhốt gấu. Ảnh: Tiêu Cương |
Tìm hiểu tại một tiệm vẽ quảng cáo có tên tuổi ở địa bàn TP. Pleiku, chúng tôi đặt một biển quảng cáo hai mặt giống như biển quảng cáo đã nêu trước đó (bằng tôn, có chân và cùng kích thước). Chủ cơ sở trên cho chúng tôi một cái giá hết sức ưu đãi: 350.000 đồng. Trở lại vấn đề báo đã nêu (trong bài Ai quản lý gấu nuôi nhốt), người đàn ông tên Hùng nói tại nhà ông có bán mật gấu với giá 70.000 đồng/cc. Nếu vậy, phải chăng chủ nhân địa chỉ kinh doanh mật gấu trên đang làm chuyện lỗ vốn?
Chúng tôi đã có dịp đi cùng đoàn cán bộ Phòng Bảo tồn Thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) và Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) đến gia đình ông Cao Quốc Tuấn, tổ 15 phường Hội Phú, TP. Pleiku. Tại đây hiện đang nuôi nhốt 4 con gấu, trong đó 2 con là của gia đình ông Tuấn và 2 con khác là của ông Võ Quốc Hưng chuyển đến. Theo cán bộ Kiểm lâm tỉnh thì gia chủ không báo nên đơn vị không nắm bắt? (theo Văn bản số 571/KL-BTTN của Chi cục Kiểm lâm về việc triển khai các biện pháp quản lý động vật hoang dã có điều đặc biệt chú ý quản lý chặt chẽ các loài thú quý hiếm…). Sau khi rời nhà ông Tuấn, đoàn đến khu vực hồ Đức An để “thăm” 1 con gấu chó rồi tự giải tán và ra về.
Chúng tôi nhận thấy trong lần kiểm tra này, cán bộ hai đơn vị trên đều mặc sắc phục và đi ô tô của Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Thế nhưng đến nơi chỉ để xem qua rồi về, không ghi biên bản và chẳng có ý kiến, kết luận gì, (một chủ nuôi nhốt gấu trên địa bàn TP. Pleiku cho chúng tôi biết: Mỗi năm cán bộ Kiểm lâm đến kiểm tra chỗ chúng tôi đến 4 lần). Chúng tôi đã đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh để xác định thông tin thì nhận được câu trả lời, việc này phía Kiểm lâm không chủ động mà là Cảnh sát Môi trường mời đi nên không có kết luận.
Qua sự việc trên, đề nghị cấp có thẩm quyền kiểm tra, chấn chỉnh.
Tiêu Cương