"Quả đẹp mà không ăn được": Khi đại biểu hình tượng hóa vấn đề chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra với chương trình làm việc có nhiều nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri cả nước và dư luận nói chung.
Cũng như nhiều kỳ họp, truyền thông, báo chí, dư luận thường quan tâm đến những nội dung quan trọng, việc chất vấn và trả lời chất vấn, phát ngôn ấn tượng của các đại biểu... Tại kỳ họp lần này, cử tri đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ trước những phát ngôn tâm huyết, trách nhiệm của một số đại biểu, trong đó có ý kiến của đại biểu Đinh Thị Bình (tỉnh Phú Thọ) về việc xây dựng chính sách và đảm bảo thực hiện chính sách trong thực tiễn, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), đừng để chính sách “như quả đẹp mà không ăn được”.
Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ). (ảnh nguồn: Toquoc)
Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ). (ảnh nguồn: Toquoc)
Theo báo cáo của Chính phủ, nước ta có 53 DTTS với hơn 14 triệu người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, hơn 5.200 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó có 382 xã biên giới, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng-an ninh, đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên, hệ sinh thái động-thực vật phong phú…
Cũng theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp, dù có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào DTTS vẫn còn là nơi khó khăn, kinh tế-xã hội phát triển chậm, tình trạng di cư tự do chưa được giải quyết triệt để; một số hủ tục, tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, buôn bán người qua biên giới... diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thống kê cho thấy tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn cao, chiếm tới 55,27% tổng số hộ nghèo của cả nước; còn 221.754 hộ thiếu đất sản xuất, 80.960 hộ thiếu đất ở, 370.150 hộ chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Một trong những nguyên nhân, tồn tại dẫn đến thực trạng trên là tình trạng “bội thực chính sách” nhưng thiếu nguồn vốn. Chính sách ban hành thì nhiều nhưng nguồn lực thực hiện không đáp ứng. Điển hình như chương trình mục tiêu quốc gia 3 năm chỉ đạt 52,1% tổng nhu cầu vốn. Bên cạnh đó, nhiều chính sách cũng không bố trí được nguồn vốn như: chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội theo Quyết định số 2085, 2086, chính sách bảo vệ rừng theo Nghị định 75, Quyết định 38.
Bàn về giải pháp hữu hiệu, bà Bình đề nghị khi ban hành chính sách phải nghiên cứu cụ thể về nhu cầu, đặc điểm từng vùng, từng cộng đồng và nên giao quyền tự chủ cho các địa phương. Trước khi ban hành chính sách cần nghiên cứu rà soát, cân đối nguồn lực để bố trí đủ vốn cho đề án theo quy định, không để xảy ra trường hợp ban hành nhưng không bố trí được nguồn lực thực hiện dẫn đến chính sách “như quả đẹp mà không ăn được”.
Cùng với kiến nghị trên, ý kiến của đại biểu Quốc hội tỉnh ta, ông Đinh Duy Vượt-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội-cũng gây sự chú ý không ít. “Nhiều chính sách dẫn đến chồng chéo, phân tán, thậm chí chính sách này suy giảm, triệt tiêu hiệu quả chính sách khác”-ông Vượt nêu nhận định.
Từ những phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp, tôi chợt liên tưởng đến những chuyến công tác vùng sâu, vùng xa, tận thấy việc chuyển tải chính sách vào đời sống bà con DTTS địa phương vất vả như thế nào. Như lần cùng Bưu điện tỉnh và Bảo hiểm Xã hội tỉnh đi tặng bà con 2 xã Đak Rong và Kon Pne (huyện Kbang) mỗi xã 1 chiếc máy cày. Khi đó tỉnh, huyện Kbang đều có nghị quyết nêu rõ quyết tâm dời làng, đưa bà con đến sống ở vùng thuận lợi, gần đường giao thông. Khoản đầu tư cho mỗi hộ gồm nhà cửa, đất ở, đất sản xuất mà trị giá thời điểm đó lên đến gần cả trăm triệu đồng. Nhưng bà con không nghe, quyết tâm bám đất bám làng. Bây giờ thì chủ trương làm đường vào Kon Pne, xóa bỏ “ốc đảo” trên cao nguyên là quyết định sáng suốt nhưng khi đó còn khá xa vời. Tôi còn nhớ giữa đêm mưa, anh Nguyễn Ngọc Trầm-nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh-chiêm nghiệm rằng: Đối với bà con, vật chất, của cải, tiền bạc có khi không là thứ quá quan trọng. Phải xuất phát từ đời sống vật chất lẫn tinh thần của họ thì mới có chiến lược và chính sách phù hợp, cả với chính sách cán bộ.
Điều này không khác gì phát biểu của nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Quốc hội Cư Hòa Vần trước đây: Học hành, nâng cao dân trí có thể phức tạp, chứ cầm tay chỉ việc mùa này, lần này không thành công thì lần sau sẽ thành. Điều quan trọng là phương pháp và tâm huyết của người thực thi trách nhiệm.
Tin rằng, với những quyết nghị quan trọng tại kỳ họp Quốc hội lần này, với đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, với phát biểu đầy tâm huyết và mạnh mẽ của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Đỗ Văn Chiến: “Không có kinh tế thì chúng ta dần làm sẽ có kinh tế, nhưng nếu để con em chúng ta không học hành đến nơi đến chốn thì ảnh hưởng cả một thế hệ”, chính sách dành cho bà con DTTS sẽ nhanh chóng đơm hoa kết trái trong thực tiễn sinh động.
 THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy vẫn còn tranh cãi xung quanh quyết định này nhưng rõ ràng, xu thế chung của thế giới đều lo ngại các rủi ro khi trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Ô nhiễm không khí - hệ lụy nặng nề

Ô nhiễm không khí - hệ lụy nặng nề

Thời điểm cuối năm, ô nhiễm bụi đang ở mức cao, đặc biệt là ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM. Số ngày có chỉ số chất lượng không khí (IQAir) ở mức kém, xấu và rất xấu chiếm tỷ lệ khá lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Cần chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý, vận hành đường sắt tốc độ cao

(GLO)- Theo chương trình, tuần này, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về việc đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Bên cạnh nguồn vốn, công việc cần được tiến hành song song là chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý, vận hành công trình với số lượng dự kiến có thể hơn 14 ngàn người.

Cách để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Cần bảo vệ các thầy cô để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo, nhưng làm thế nào để đảm bảo cơ chế giám sát của xã hội, cơ chế bảo vệ tự thân của chính nhà giáo cả về năng lực chuyên môn cũng như đạo đức của nghề đặc biệt này ?

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (ĐSTĐC) với đề xuất “19 chính sách đặc thù, đặc biệt và giải pháp áp dụng cho dự án”.

Tinh gọn bộ máy

Tinh gọn bộ máy

Lý do chia tách địa giới hành chính trước đây thường xuất phát từ yêu cầu quản lý và phục vụ hành chính, chủ yếu vì diện tích rộng, khoảng cách từ nhà dân đến nơi cung cấp dịch vụ công như công sở, bệnh viện, trường học quá xa.