Sáp nhập ở khu vực Tây Nguyên: Tách khó, nhập càng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
So với các tỉnh đồng bằng, Tây Nguyên lâu nay được biết đến là vùng “đất rộng người thưa”, việc tách xã hay sáp nhập đều được các tỉnh xem xét rất nhiều yếu tố địa lý, văn hóa, con người…
Nói về chủ trương sáp nhập xã phường, ông Lê Viết Nam – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Kon Tum cho biết: Hiện Kon Tum chưa có xã nào thuộc diện phải sáp nhập trong tổng số 102 xã phường, thị trấn. Chủ trương sáp nhập, tinh gọn các xã là hợp lý. Thế nhưng vấn đề này cũng phải tùy từng vùng, từng đặc thù của địa phương nhất là các xã vùng biên giới, các xã có an ninh chính trị “nhạy cảm” thì cần phải xem xét kỹ.
Nhiều xã khu vực Tây Nguyên muốn tách đã khó, sáp nhập lại càng khó hơn. Ảnh: P.V
Nhiều xã khu vực Tây Nguyên muốn tách đã khó, sáp nhập lại càng khó hơn. Ảnh: P.V

"Chúng tôi xác định làm phải thật chu đáo, đúng chủ trương nghị quyết, không làm xáo trộn tâm lý nhân dân cũng như cán bộ xã. Việc sáp nhập sẽ gây ra “dôi dư cán bộ” nên phải tính đến việc bố trí việc làm phù hợp. Nếu không kín kẽ, rõ ràng thì cán bộ sẽ bị tâm lý, ảnh hưởng đến công việc”.

Ông Trần Đại Thắng -Phó Giám đốc Sở Nội vụ Gia Lai


Nói về vùng đặc thù, ông Nguyễn Văn Lộc – Bí thư Huyện ủy huyện Ia H’Drai (Kon Tum) chia sẻ: Huyện Ia Hdrai mới thành lập không lâu, hiện chỉ có 3 xã nên không có xã nào phải nằm trong diện sáp nhập. Theo đề án của địa phương, huyện phải tách ra thêm 3 xã nữa, bởi địa bàn các xã hiện nay rất rộng, từ đầu xã đến cuối xã cách nhau hàng mấy chục km, diện tích thôn bằng cả xã ở đồng bằng. Việc thường thấy nhất là học sinh phải đi 30-40km đến trường, rất khó khăn. Các vùng biên giới đất rộng, nhập lại càng thêm khó.
“Việc sáp nhập là cần thiết nhưng đối với các xã vùng biên giới, đặc thù cần phải xem xét kỹ lưỡng. Huyện đang thực hiện thí điểm mô hình tổ chức mới đồng nhất, sáp nhập một số phòng ban, chức danh… nhằm tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả, tránh cồng kềnh”- ông Lộc cho biết.
Tại Gia Lai, việc thực hiện theo đề án của Bộ Nội vụ cũng được tỉnh này triển khai nghiêm túc. Ông Trần Đại Thắng – Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Công tác sáp nhập đang trong “giai đoạn trứng nước”, địa phương đã có báo cáo, T.Ư cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp và xác định làm phải thật chu đáo, đúng chủ trương nghị quyết, không làm xáo trộn tâm lý nhân dân cũng như cán bộ xã. “Việc sáp nhập sẽ tạo ra “dôi dư cán bộ” nên phải tính đến việc bố trí việc làm phù hợp. Nếu không kín kẽ, rõ ràng thì cán bộ sẽ bị tâm lý, ảnh hưởng đến công việc”- ông Thắng chia sẻ.
Theo ông Thắng, Gia Lai là 1 trong 63 tỉnh thành thực hiện công tác này, lãnh đạo đã có chỉ đạo và quán triệt xuống tận cơ sở. Đồng thời, các cơ sở cấp ủy từ xã đến huyện đều quan tâm, nghiên cứu xây dựng làm sao cho việc sáp nhập đúng tinh thần, chủ trương nghị quyết. Khó khăn hiện tại là các địa phương đặc thù có diện tích rộng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn… nhất là địa bàn các xã hiện nay rất rộng, cách trở đi lại, trong khi người dân tộc thiểu số phần lớn sống phân tán, do đó việc nhập cần cân nhắc đầy đủ các yếu tố.
“Khi sáp nhập phải tính đến bài toán đặc thù từng nơi, nhưng vẫn đảm bảo khâu quản lý sao cho hiệu quả. Nếu sáp nhập mà khó quản lý sẽ ảnh hưởng đến an ninh chính trị. Sáp nhập thế nào, ai nhập, nhập ở đâu thì cần phải nghiên cứu thật kỹ. Chứ nhập xong mà hiệu quả không tốt hơn là không được”- ông Thắng nói.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Gia Lai nói thêm: Bước đầu, Bộ Nội vụ yêu cầu các địa phương báo cáo vướng mắc là gì để Bộ xem xét, nghiên cứu rồi quyết định việc sáp nhập. Nguyên tắc là nhập xong phải tốt hơn so với chưa nhập thì mới làm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải chặt chẽ, thận trọng.
Cùng một nỗi băn khoăn, ông Lê Viết Phẩm – Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa (Gia Lai) nói: Việc sáp nhập các xã ở địa phương, huyện đã có báo cáo lên cấp trên chứ chưa triển khai. Việc cân nhắc sáp nhập các xã cần phải xét đến nhiều yếu tố của chính quyền địa phương đó như năng lực điều hành, vị trí địa lý, phong tập tập quán…
“Đặc biệt có trường hợp một xã nằm giữa, trong khi 2 xã khác ở hai bên đều ở cách xa nên không biết sẽ nhập vào đâu. Nếu thật sự triển khai thì có thuận lợi và cũng có nhiều khó khăn”- ông Phẩm đánh giá khó khăn.
Ông Phan Văn Trung - Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết: Huyện mới sáp nhập các thôn làng không phù hợp, còn các xã chưa có triển khai sáp nhập. Do chưa triển khai nên chưa xác định rõ khi sáp nhập sẽ phát sinh những vướng mắc hay khó khăn như thế nào.
Lê Kiến (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm