Người đưa chanh Việt ra thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thực hiện ước mơ đưa sản phẩm nông nghiệp trong nước nói chung, quả chanh không hạt nói riêng, vươn ra thế giới, người đàn ông xứ Quảng Nguyễn Văn Hiển đã không ngại khó khăn thách thức biến hàng trăm hécta đất phèn, mặn vùng Đồng Tháp Mười thành “rừng” chanh. Hàng trăm ngàn tấn chanh cũng như sản phẩm từ chanh đã theo chân ông có mặt không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Bán đất vì chanh

Bán đất để trồng chanh mới, nghe tưởng đùa, nhưng lại là câu chuyện có thật mà ông Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch HĐQT Công ty Chanh Việt (Chavi) tâm sự khi đưa chúng tôi thăm trang trại chanh của ông tại huyện Bến Lức (tỉnh Long An). Ông Hiển quê ở Quảng Nam, vào TPHCM học và công tác trong ngành xây dựng được một thời gian. Tuy nhiên, xuất thân từ một gia đình làm nông, nên ông Hiển đau đáu ước mơ làm gì đó cho nông nghiệp Việt Nam. Sau thời gian nghiên cứu tìm hiểu, ông quyết định chọn cây chanh.

Nhớ lại cái thời tìm đất làm nông trại, ông Hiển tâm sự: “Cách đây hơn 10 năm, vùng Đồng Tháp Mười chỉ toàn rừng tràm ngập nước, đất thì nhiễm mặn, phèn, tôi cùng những người bạn đi xem đất cũng ngần ngại, tay mỗi người phải cầm một cây gậy vì sợ rắn. Qua nghiên cứu, nhận thấy cây chanh có thể trồng trên vùng đất này nên tôi quyết định mua vài trăm hécta đất để cải tạo trồng chanh.

Những ngày đầu sơ khai biết bao khó khăn, tôi đã tìm đến gõ cửa các nhà khoa học để được đồng hành chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức biến vùng đất phèn mặn này màu mỡ hơn cho cây chanh phát triển đạt năng suất cao. Đến nay, hơn 150ha đất được đầu tư cải tạo thành một trong những nông trại trồng chanh không hạt lớn nhất Việt Nam và tạo cú hích lan tỏa vùng nguyên liệu hàng ngàn hécta của huyện Bến Lức, đưa cây chanh trở thành một trong những cây trồng quan trọng của tỉnh Long An”.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt theo phương pháp hữu cơ và tuân thủ các quy chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất của châu Âu như GlobalGAP, HACCP…, những quả chanh thương hiệu Việt đã vượt biển tỏa đi các thị trường khó tính nhất như châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ…


 

Ông Nguyễn Văn Hiển thường xuyên tự tay chăm sóc cây chanh khi có thời gian
Ông Nguyễn Văn Hiển thường xuyên tự tay chăm sóc cây chanh khi có thời gian.



Ông Hiển cho biết, mặc dù được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ngành chức năng, bạn bè trong và ngoài nước để trái chanh xuất khẩu đi được rất nhiều nước như Trung Quốc, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc, Hà Lan, Mỹ, Na Uy…, nhưng do đây là những thị trường khó tính đòi hỏi quả chanh phải đạt chuẩn, nên tỷ lệ đạt chuẩn xuất đi chỉ khoảng 30%. Chưa kể, quá trình vận chuyển cũng khiến tỷ lệ hư hao khá cao do nhân công lựa chanh không kỹ, chanh bị ướt dẫn đến trái dập, hoặc nhiệt độ container không đảm bảo… Bên cạnh đó, để đủ một container 40 tấn chanh phải có 100 tấn mới lựa ra được. Số chanh còn lại, thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết.

“Tôi đã đi sang Campuchia để tìm thị trường bán chanh nhưng công nợ lớn và giá cả khó cạnh tranh, cộng với số tiền lớn bỏ ra để cải tạo đất thuê nhân công, cây giống và nhiều chi phí khác… Tôi đã phải bán mấy lô đất dành dụm lâu nay ở thành phố để bù lỗ. Cùng làm chanh với tôi, nhiều bạn bè đã bán hết đất, hết luôn cả vườn chanh. Thời điểm này, người dân làm chanh thua lỗ, một số bán vườn, một số chuyển đổi sang trồng cây khác”, ông Hiển chia sẻ.

Không để “giải cứu” chanh

Đó là câu nói chắc nịch của ông Nguyễn Văn Hiển khi nói về thị trường chanh hiện nay. Cũng vì thua lỗ từ việc bán chanh, ông đã quyết định lang thang thị trường nhiều nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan… để tìm hiểu công nghệ cũng như quy trình làm ra các sản phẩm từ chanh. Tuy nhiên trên thị trường không có máy móc nào sản xuất ra dành riêng cho quả chanh, vì vậy, ông đã nghiên cứu góp nhặt các quy trình, sau đó chế lại để phù hợp chế biến sản phẩm từ chanh. Đến nay, ông đã có nhà xưởng chế biến và kho đông lạnh có thể chứa 400-500 tấn nước cốt chanh, tương đương với 4.000-5.000 tấn chanh.

Ông Hiển nói: “Bán trái chanh tươi rất khó, vì vậy tôi quyết tâm tìm hiểu đầu tư máy móc thiết bị cũng như thị trường tiêu thụ để chế biến ra những sản phẩm từ chanh và đã thành công với nhiều sản phẩm như: bột chanh, bột nước cốt chanh, trà chanh, sốt chanh, lát chanh sấy, vỏ chanh sấy, tinh dầu chanh… Hiện các sản phẩm này không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Ngoài chanh tự sản xuất, công ty tôi còn mua chanh của bà con, các hợp tác xã trong và ngoài tỉnh Long An để chế biến. Bà con nào trồng chanh bán không được, mang đến công ty tôi sẽ thu mua toàn bộ".

Chia sẻ về quá trình mang quả chanh cũng như sản phẩm chanh ra nước ngoài, ông Hiển nói đó là một quá trình gian nan đẫm mồ hôi. Sau khi giới thiệu quy trình sản xuất, thành phần…, phải cho họ dùng thử sản phẩm 2-3 năm, được thị trường nước bạn chấp nhận mới bán được.

“Quả chanh dù đã được trồng theo tiêu chuẩn GAP, nhưng khi đưa sang Nhật Bản, tôi cẩn thận hoàn thiện quy trình, xây dựng nhà xưởng khang trang, cùng với đăng ký chỉ dẫn địa lý…, rồi mời họ sang tham quan. Sau khi được nước bạn công nhận, hiện nay sản phẩm đang phát triển khá tốt. Cũng từ sự tin dùng đó, công ty dần hoàn thiện nhiều sản phẩm và phát triển sang nhiều nước khác”, ông Hiển cho hay.

Đến nay, ông Hiển đã liên kết được nhiều nhà vườn, hợp tác xã… để hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng chanh sạch, bao tiêu sản phẩm. Cũng từ việc thu mua toàn bộ chanh của người dân và quy mô trồng, sản xuất, xuất khẩu chanh, ông Hiển được nhiều nông dân yêu mến gọi là “vua chanh”.

Hiện ông “vua chanh” đang tìm hiểu để phát triển sản phẩm chanh sang các nước khối Ả Rập, Đông Âu...; nghiên cứu quy trình trồng chanh organic để đủ tiêu chuẩn bán trái chanh sang Mỹ. “Biết là rất khó, nhưng với quyết tâm cùng sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương, các nhà nghiên cứu nông nghiệp trong nước, tôi tin rằng thời gian tới quả chanh organic Việt Nam sẽ có mặt tại nước Mỹ. Tôi hy vọng, chanh và các sản phẩm từ chanh của chúng ta sẽ vươn xa hơn để những bà con nông dân gắn bó với cây chanh có cuộc sống ngày càng ấm no, đầy đủ hơn”, ông Hiển bày tỏ.

 

Theo bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, với chiến lược phát triển thị trường, phát triển thương hiệu tốt,có sự phối hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu, các trường đại học, nên khi sản phẩm từ chanh ra đời đạt chất lượng và đi theo hướng cao cấp. Sở Công thương sẵn sàng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước.

Ông Nguyễn Văn Hiển là một doanh nhân có tầm, có tâm, đã mạnh dạn cải tạo vùng đất phèn hoang hóa thành khu du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, thu mua chanh của bà con trong tỉnh, giúp người dân vượt qua khó khăn, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19.


Theo NGỌC PHÚC (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.