Rcom Dam Mơ Ai lạc giữa "miền ẩm thực" Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ chỗ yêu thích rồi đam mê, chàng trai Rcom Dam Mơ Ai lần dò theo mãi cho đến khi lạc hẳn vào “miền ẩm thực” của dân tộc mình. Và rồi từ điểm tựa ấy, Mơ Ai đã cho cộng đồng và cả các YouTuber nổi tiếng thế giới thấy được vẻ hấp dẫn khôn cùng của mỹ vị Jrai.

Một vùng mỹ vị

Cũng rất mê ẩm thực bản địa nên chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của gia đình Mơ Ai ở phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa) bằng tất cả sự hăm hở. Dù bận rộn với những đơn hàng và bộn bề công việc cuối năm nhưng anh vẫn ngồi lại cùng chúng tôi và say sưa nói về thức món Jrai.

 Anh Rcom Dam Mơ Ai (bìa phải) hướng dẫn nhiếp ảnh gia-nhà làm phim Stephen Parcalidis cách chế biến, thưởng thức ẩm thực của người Jrai (ảnh nhân vật cung cấp).
Anh Rcom Dam Mơ Ai (bìa phải) hướng dẫn nhiếp ảnh gia-nhà làm phim Stephen Parcalidis cách chế biến, thưởng thức ẩm thực của người Jrai (ảnh nhân vật cung cấp).


Khá nhiều người từng thắc mắc: Phụ nữ mặc nhiên là người quản lý căn bếp nhưng không hiểu sao những đầu bếp nổi tiếng là nam giới lại chiếm số đông? Người quản trị Fanpage Cheo Reo Food-Mơ Ai cũng không ngoại lệ. Sau 5 năm ra mắt, đến nay, trang này đã giới thiệu khoảng gần 1.000 món ăn Jrai do chính tay anh Mơ Ai chế biến và hướng dẫn chi tiết cách thực hiện các công đoạn, thu hút gần 3.000 lượt người theo dõi. Nhiều người không khỏi xuýt xoa trước những món chỉ nhìn đã mê như: canh cà thịt gà, chuột đồng um lá chuối, lòng đắng nấu bông núc nác, côn trùng chiên, lòng gà lá é đùm lá chuối, rắn nước xào lá é, cá suối nướng…

Anh Mơ Ai nhớ lại: Ông ngoại và mẹ là 2 người truyền cảm hứng đầu đời về sự hấp dẫn trong chế biến món ăn. Có nhiều món được ông ngoại anh nấu rất ngon, đúng theo truyền thống nhưng nay khó nấu lại cho đúng vị do sự biến mất của một số nguyên liệu. Có thể kể đến món lòng đắng nấu từ lòng bò, móng bò, da bò thui qua lửa và đập kỹ cho mềm kèm với trong hor-một loại cà đắng có vị hăng mà giờ khó tìm thấy. Nguyên bản, món này không có cà tím, khổ qua như cách nhiều người biến tấu hiện nay. Một “món tủ” khác của ông ngoại anh là canh cà nấu với cá trích, bông đu đủ và ớt xanh. Chính ông là người đã khiến anh nhận ra ẩm thực của dân tộc mình quá đỗi độc đáo. Ông cũng là người đặt cho anh cái tên đáng nhớ đối với nhiều người. Trong tiếng Jrai, “Mơ Ai” có nghĩa là mãi mãi.

Trót mê ẩm thực bản địa nên anh Mơ Ai trăn trở khi thấy nhiều bạn trẻ không mấy để ý tới thức món Jrai mà chỉ mải chạy theo trào lưu trà sữa hay mì cay 7 cấp độ. Vì thế, Jrai Food (sau này đổi tên thành Cheo Reo Food-Mơ Ai) ra đời nhằm thu hút sự chú ý, khơi lên niềm tự hào về các món ăn ngon khó cưỡng. Trong số này, nhiều người theo dõi đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với các loại muối chấm mà anh giới thiệu. Anh giải thích: “Với người Jrai, muối chấm được xem là “linh hồn” của món ăn. Bữa ăn hàng ngày có thể thiếu thịt, cá, rau... nhưng không thể thiếu muối chấm. Món ngon đến mấy mà thiếu muối chấm thì cũng trở nên vô vị, nhạt nhẽo”. Thật đáng ngạc nhiên khi biết rằng đồng bào Jrai sáng tạo ra các loại muối chấm hết sức phong phú từ những nguyên liệu vườn nhà hoặc sẵn có trong tự nhiên như: cỏ thơm, lá é, sả, gừng rừng, củ nén, cam thảo đất, kiến vàng... Món nào cũng hấp dẫn, dùng để chấm thức ăn hay rắc lên ăn với cơm lúa mới đều “bá cháy”. Chính vì xem muối chấm là “linh hồn” của món ăn nên Mơ Ai có sự cực đoan riêng. Anh bảo: “Nhìn vào chén muối là biết được tính tình người giã muối, lười biếng hay có tâm”.

Sự có tâm theo lý giải vì sao muối của Mơ Ai sản xuất luôn cháy hàng dù giá khoảng 35-70 ngàn đồng/hũ 100 gram. Cho chúng tôi xem thành phẩm muối cỏ thơm rồi xòe đôi bàn tay chai sần, anh kể: “Nhìn qua mọi người sẽ nghĩ là mình dùng cối để xay cỏ. Thực ra, mình chỉ cắt ngắn rồi cho vào cối giã với các gia vị khác. Phải như vậy thì cỏ mới dậy lên mùi thơm, món muối mới ngon. Mình và mẹ thay nhau giã đến phồng cả tay”.

Ngồi trò chuyện cùng anh, chúng tôi lại thêm hiểu vì sao bà con Jrai quá đỗi tài tình khi chọn lọc từ tự nhiên những loài cây cỏ có mùi vị đặc trưng để chế biến thức chấm, ví dụ ngoài cỏ thơm còn có lá é. Và phải là cỏ thơm, lá é mọc ở vùng cháy khát nơi “chảo lửa” phía Đông Nam tỉnh thì mới bật lên được mùi thơm cực kỳ đặc trưng ấy. Phải chăng cây cỏ đã chắt chiu tinh túy từ sự cằn cỗi để làm nên mỹ vị?

Hiện nay, ngoài các đơn hàng ngày thường, mỗi mùa Tết, gia đình anh Mơ Ai bán ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước đến hơn 2 tạ muối các loại và hơn 100 ghè rượu lớn nhỏ. Biết tiếng, nhiều người còn đặt anh nấu thức ăn ship tận nhà khi có tiệc tùng. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, anh tận dụng khu vườn gần 2 sào sau nhà trồng lá é, tang liang, cà đắng, lá mì…

Chinh phục các “chuyên gia ẩm thực” thế giới

Khi chúng tôi hỏi về cơ duyên với “nghề bán muối”, anh Mơ Ai vui vẻ cho biết: Tốt nghiệp Khoa Xã hội học (Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh) năm 2012, anh từng là cộng tác viên dự án giảm nghèo triển khai tại huyện Ia Pa. Thời gian này, khi đi xuống các làng, anh thường lân la tìm hiểu cách bà con nấu các món truyền thống để học hỏi. Năm 2015, trong một lần giao lưu với bạn bè ở Đak Lak, anh trổ tài làm vài món muối. Một anh người Đức tham gia bữa tiệc cứ tấm tắc khen ngon, sau đó nhờ Mơ Ai làm giúp để tặng bạn bè. Lúc này, anh dần hiểu ra thế mạnh của mình và bắt đầu xắn tay áo thử nghiệm sản xuất muối bán ra thị trường. Năm 2019, khi dự án giảm nghèo kết thúc, anh chuyên tâm với con đường quảng bá ẩm thực Jrai.

Chị Trần Thị Vân-người kinh doanh online trên các trang Lazada, Shopee, Facebook, hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh-cho hay: Cách đây khoảng 5 năm, sau lần thưởng thức món muối kiến do anh Mơ Ai chế biến, chị rất thích hương vị nên quyết định nhập hàng về bán, sau đó nhập thêm các món muối cỏ thơm, cá trích lá é, bò một nắng… “Các loại muối này chấm thịt gà, bò hay hải sản đều ngon nên khách rất chuộng”-chị Vân nhận xét. Còn chị Rmah Him (quê huyện Ia Pa, hiện đang sống tại tỉnh Đồng Nai) cũng tấm tắc: “Hiếm thấy người nào tâm huyết với ẩm thực bản địa như anh Mơ Ai. Các loại muối của anh rất ngon nhờ cách gia giảm nguyên liệu hợp lý. Tôi thường đặt muối kiến, muối cỏ thơm về bán online, có đợt tôi gửi sang nước ngoài cả chục ký”.

Cứ vậy, “đầu bếp” Mơ Ai dần nổi tiếng với tài chế biến thức món Jrai truyền thống. Nhưng anh vẫn hết sức bất ngờ khi năm 2020, YouTuber Sonny Side nổi tiếng với kênh Best Ever Food Review Show (sô đánh giá ẩm thực hay nhất từ trước tới nay) liên hệ với anh để thực hiện một chương trình quảng bá ẩm thực Jrai. Đây là kênh có số người đăng ký theo dõi thuộc hàng “khủng” với 9,47 triệu người. Đúng như kỳ vọng, chuyên gia ẩm thực người Mỹ này đã phải kinh ngạc, gật gù khi được cùng Mơ Ai đi săn kiến vàng để làm thức chấm, thưởng thức món bọ vừng chiên giòn và dông đất nướng. Theo dõi clip trên, tài khoản có tên Kenni Siu đã để lại comment bày tỏ niềm xúc động: “Xin chào, tôi là người dân tộc Jrai. Cảm ơn bạn đã ghé thăm quê hương nhỏ bé của tôi”. Một tài khoản khác là Phiology cũng hào hứng: “Rất biết ơn vì Sonny và kênh của anh ấy đã đưa nó (ẩm thực Jrai-P.V) ra ánh sáng. Không nhiều người biết về chúng tôi!”.

 Từ phải sang: YouTuber Sonny Side, Mơ Ai và những người trong ê kíp thực hiện clip quảng bá ẩm thực Jrai (ảnh nhân vật cung cấp).
Từ phải sang: YouTuber Sonny Side, Mơ Ai và những người trong ê kíp thực hiện clip quảng bá ẩm thực Jrai (ảnh nhân vật cung cấp).



Sau Sonny Side, năm 2021, nhiếp ảnh gia-nhà làm phim người Canada Stephen Parcalidis cũng đã thích thú theo chân Mơ Ai khám phá ẩm thực của người Jrai vùng Đông Nam tỉnh khi thực hiện chương trình “Fine Cuisine” (phát sóng trên kênh VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam). Điều họ tìm thấy ở anh là nét hoang sơ, truyền thống trong chế biến các thức món đặc trưng. Và có lẽ hơn cả là một tâm hồn Jrai quá thuần chất và sâu sắc.

Nói về đứa con kế út mê nấu nướng trong số 6 người con, bà Rcom HTher (tên thường gọi Amí Siu) nở nụ cười hiền: “Từ bé đến giờ, Mơ Ai chủ yếu tự quan sát, tự làm, khi nào khó mới hỏi mẹ. Tôi rất hãnh diện về con trai, nhờ nó mà mấy món ăn rất đơn sơ của đồng bào mình lại được yêu quý, đón nhận, kể cả người nước ngoài”.

Anh Mơ Ai cũng chân tình chia sẻ: “Tôi tự hào là người Jrai. Nhắc tới văn hóa thì phải nói tới ẩm thực. Ẩm thực Jrai độc đáo, sao mình không giới thiệu? Mình không làm thì ai làm?”. Mong ước trở thành một YouTuber chuyên về ẩm thực, hoặc mở một nhà hàng là điều anh đang nghiền ngẫm lựa chọn.

Lý giải thêm về vị đắng, cay, chua, mặn được đẩy lên tận cùng ẩm thực Jrai (trừ vị ngọt đường), anh Mơ Ai trầm ngầm: “Rất đắng, rất cay nhưng lại cực ngon. Phải chăng, đó cũng là một triết lý của ông bà xưa: có khó khổ sẽ có ngọt ngào”. Nhìn vào những gì anh Mơ Ai đã tạo dựng được, chúng tôi bỗng thấy câu nói ấy rất hợp lý, hợp tình.

 

PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.
Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hơn 500 cây sao đen được trồng trên khu rừng cộng đồng rộng 4ha ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là bước đệm đầu tiên của hành trình “cõng” cây gỗ lớn về rừng, trả lại mảng xanh cho núi rừng Hòa Bắc cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con Cơ Tu ở đây.