Trở lại Plei Ring

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã 67 năm trôi qua nhưng âm hưởng hào hùng của chiến thắng Plei Ring năm 1954 tại xã Hbông (huyện Chư Sê) vẫn còn vang vọng. Tấm bia về chiến thắng được dựng lên cạnh lòng hồ Ayun Hạ mát lành để mỗi khi trở lại nơi này, ai ai cũng rưng rưng niềm xúc động, tự hào.


Ký ức hào hùng

Chiến trường xưa đã đổi khác rất nhiều. Thế nhưng, với những người từng biết đến trận chiến Plei Ring như ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy thì ký ức hào hùng về trận đánh này là điều không thể mờ phai.

Nhắc đến chiến thắng Plei Ring, giọng ông đầy hào sảng: “Việc UBND tỉnh xếp hạng “Địa điểm chiến thắng Plei Ring” là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào tháng 3-2020 đã đánh giá đúng ý nghĩa, giá trị và vai trò to lớn của chiến thắng Plei Ring năm 1954. Bởi lẽ, chiến thắng này đã tạo ra một thế trận mới có lợi cho ta ở chiến trường Tây Nguyên; làm suy yếu tinh thần chiến đấu của quân Pháp; tạo tiền đề để Trung đoàn 96 của ta chính thức xóa sổ Binh đoàn cơ động 100 trong trận phục kích tại Đak Pơ ngày 24-6-1954 làm nên chiến thắng Đak Pơ lẫy lừng”.

Các nhân chứng và người dân thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: Hoàng Ngọc
Các nhân chứng và người dân thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: Hoàng Ngọc

Sau khi thất thủ ở Kon Tum, thực dân Pháp tập trung lực lượng tăng cường phòng thủ Tây Nguyên, nhất là thị xã Pleiku với 9 tiểu đoàn, trong đó có Binh đoàn cơ động 100. Từ cuối năm 1949, kết hợp với củng cố công sự đồn Đak Bơt địch lập thêm một số đồn, trong đó có đồn Plei Ring để làm điểm tựa.

“Thời điểm đó, đơn vị của tôi hoạt động ở Tây Nam thị xã Pleiku, nhưng chúng tôi thường xuyên có những cuộc hành quân qua làng Ring (nay đã chìm dưới lòng hồ Ayun Hạ). Làng nằm ở phía Nam của xã Hbông (huyện Chư Sê). Nơi này chủ yếu là khu rừng khộp già, lá thưa. Đồn Plei Ring nằm giữa thung lũng khá bằng phẳng. Đồn có hình tam giác, hàng rào thưa bằng thép gai bao bọc, mái lợp bằng tranh, cao tầm 15 m và chúng tăng cường tuần tra canh giữ. Nhiều đồng đội của tôi trên đường hành quân không may đã hy sinh ở đây”-ông Ngô Thành nhớ lại.

Tháng 2-1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định đưa Trung đoàn 803 tiến vào khu tam giác Pleiku-Cheo Reo-An Khê, đánh mạnh sau lưng địch theo đường 19. Sau khi vượt đường 19, Trung đoàn đưa một bộ phận lực lượng tiêu diệt cứ điểm Plei Ring. Vào ngày 21-3-1954, với chiến thuật đánh nhanh, phát triển nhanh, không cho địch kịp trở tay, sau 2 giờ chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt hơn 936 tên địch, phá hủy và làm hư hỏng nặng hơn 200 xe cơ giới và pháo. Trong trận đánh này, phía ta có 36 đồng chí đã anh dũng hy sinh.

“Chiến thắng Plei Ring có ý nghĩa đặc biệt to lớn trên nhiều phương diện. Địch bị thiệt hại nhiều về quân số, vũ khí, phương tiện chiến đấu. Quan trọng hơn, chiến thắng này còn đánh sập tinh thần kiêu căng của địch, đồng thời cổ vũ tinh thần cho các chiến trường khác tiếp tục chiến đấu đẩy thực dân Pháp vào thế khó, không kịp chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ”-ông Ngô Thành nhận định.

Sau ngày đất nước giải phóng, ông Ngô Thành và nhiều người trực tiếp tham gia trận đánh đồn Plei Ring đã quay trở lại thăm chiến trường xưa.

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ: “Vào năm 2008, hiện trạng di tích này chỉ còn một số điểm từng được đặt súng cối của quân ta năm xưa. Đặc biệt, nơi diễn ra trận đánh đã trở thành một phần của lòng hồ thuộc công trình thủy lợi Ayun Hạ. Thời điểm đó, địa điểm này chưa được khảo sát lập hồ sơ và đặt bia di tích. Làm thế nào để gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử tại nơi diễn ra trận đánh Plei Ring luôn là niềm trăn trở của chúng tôi”.

Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của di tích

Những trăn trở của ông Ngô Thành và những nhân chứng lịch sử đã được chính quyền các cấp quan tâm với việc lập hồ sơ xếp hạng “Địa điểm chiến thắng Plei Ring” là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Sau nhiều lần tổ chức các hội thảo khoa học với sự tham gia góp ý của nhiều nhà khoa học, nhân chứng lịch sử, ngày 20-3-2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 327/QĐ-UBND xếp hạng Di tích “Địa điểm chiến thắng Plei Ring” là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Để đầu tư tôn tạo di tích xứng tầm với giá trị lịch sử và tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến này, huyện Chư Sê đã chọn vị trí đất để đầu tư xây dựng Nhà tưởng niệm và Bia di tích chiến thắng Plei Ring, đồng thời có kế hoạch đầu tư tuyến đường giao thông vào chiến trường xưa.

Tự hào là mảnh đất ghi dấu chiến thắng Plei Ring, ông Phạm Hữu Viên-Chủ tịch UBND xã Hbông-cho biết: Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc xã nhà luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Về kinh tế, xã xác định ngành sản xuất chính là nông nghiệp và tập trung lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ người dân đầu tư phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… để ổn định đời sống, nâng cao thu nhập. Tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã là 34,9 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,9%.

“Đặc biệt, để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Plei Ring, UBND xã đã tích cực hỗ trợ các đoàn công tác xuống tham quan, khảo sát; tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ di tích. Đồng thời, xã hỗ trợ các trường học tổ chức các chương trình ngoại khóa tại di tích nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh”-ông Viên cho hay.

Con đường đá còn nguyên sơ (tên thường gọi là đèo Pháp) dẫn xuống lòng hồ Ayun Hạ-nơi diễn ra trận đánh năm 1954. Ảnh: Trần Dung
Con đèo đá còn nguyên sơ (tên thường gọi là đèo Pháp) dẫn xuống lòng hồ Ayun Hạ-nơi diễn ra trận đánh năm 1954. Ảnh: Trần Dung

Việc huyện Chư Sê lần đầu tiên có di tích lịch sử cấp tỉnh là tiền đề để địa phương chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử của di tích vừa gắn với phát triển du lịch trong thời gian tới. Ngay tại điểm đầu di tích là tuyến đường đi xuống con đèo đá còn nguyên sơ (tên thường gọi là đèo Pháp) dẫn tới lòng hồ Ayun Hạ-nơi diễn ra trận đánh năm 1954. Mặt nước hồ quanh năm trong xanh, được bao quanh bởi các dãy núi hùng vĩ.

Ông Phạm Viết Nghị-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Sê-cho biết: Để bảo tồn và phát huy các giá trị của Di tích lịch sử “Địa điểm chiến thắng Plei Ring” gắn với phát triển du lịch, huyện đã có những giải pháp cụ thể như: đầu tư các hạng mục công trình phụ trợ còn thiếu trong di tích như nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, cây xanh, giếng nước, khu vệ sinh... phục vụ Nhân dân, khách du lịch; nâng cấp tuyến đường đất đi vào di tích với chiều dài hơn 4 km. Đoạn đường này hiện nay rất khó đi lại, nhất là vào mùa mưa.

Đồng thời, giữ nguyên hiện trạng con đường đá (đèo Pháp) để kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Khôi phục các vị trí là nơi đặt súng cối của Trung đoàn 803 năm 1954; tiếp tục đẩy mạnh chương trình xúc tiến, kết nối du lịch theo tuyến giữa 2 huyện Chư Sê-Phú Thiện dựa trên các điều kiện về địa lý, sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử đã được công nhận, kết hợp với sản vật đặc trưng của sông Ayun cùng với các món ăn dân dã truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương; đẩy mạnh công tác quảng bá các tiềm năng, thế mạnh về du lịch của huyện Chư Sê cũng như Di tích “Địa điểm chiến thắng Plei Ring” trên nhiều phương tiện truyền thông để người dân trong và ngoài tỉnh biết.

Khuôn viên di tích “Địa điểm chiến thắng Plei Ring” đang được xây dựng. Ảnh: Trần Dung
Khuôn viên di tích “Địa điểm chiến thắng Plei Ring” đang được xây dựng. Ảnh: Trần Dung

“Địa điểm chiến thắng Plei Ring” được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh thêm một lần nữa khẳng định những chiến công to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngoài ra, việc đầu tư, tôn tạo di tích xứng tầm với giá trị lịch sử đã tạo thêm một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; đồng thời, tạo thêm điểm đến hết sức ý nghĩa để huyện Chư Sê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung phát triển du lịch văn hóa-lịch sử trong thời gian tới.

TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.
Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hơn 500 cây sao đen được trồng trên khu rừng cộng đồng rộng 4ha ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là bước đệm đầu tiên của hành trình “cõng” cây gỗ lớn về rừng, trả lại mảng xanh cho núi rừng Hòa Bắc cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con Cơ Tu ở đây.