Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tỉnh Gia Lai có hơn 90 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đa số người dân sống trên khu vực biên giới là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn hạn chế, nhiều tập tục lạc hậu tồn tại nên dễ bị các thế lực phản động lợi dụng lôi kéo. Chính vì thế, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân là nhiệm vụ được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chú trọng.
Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, để người dân dễ nghe, dễ hiểu và tiếp thu nhanh. Ngoài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, lồng ghép vào các cuộc họp, tuyên truyền đặc biệt thì nhiều nội dung được sân khấu hóa.
Mới đây, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp cùng Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức đêm giao lưu văn nghệ, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các xã: Ia O (huyện Ia Grai), Ia Púch (huyện Chư Prông). Tại các đêm giao lưu, hơn 20 ca sĩ, diễn viên, tuyên truyền viên thuộc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San và Đội tuyên truyền (Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) đã biểu diễn hàng chục tiết mục hát, múa, nhạc, kịch thu hút hàng trăm lượt người xem. Đặc biệt, nhiều nội dung đã được sân khấu hóa để lồng ghép tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình; hậu quả của tệ nạn cờ bạc, rượu chè, “tín dụng đen”…
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh(huyện Đức Cơ) và các thành viên trong tổ tự quản đường biên cột mốc xã Ia Dom chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền pháp luật. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) và các thành viên trong tổ tự quản đường biên, cột mốc xã Ia Dom chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền pháp luật. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Anh Đinh Phui (làng Ắt, xã Ia Púch) cho biết: “Các vở kịch đã giúp mình hiểu ra nhiều điều. Rượu chè, cờ bạc không chỉ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Hình thức tuyên truyền này rất hay, dễ tiếp thu, gần gũi với cuộc sống đời thường. Mình mong muốn sẽ có nhiều buổi diễn văn nghệ và lồng ghép tuyên truyền như thế này”.
Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân nơi biên giới, hải đảo, giai đoạn 2017-2021”, từ đầu năm đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tuyên truyền tập trung 660 buổi, thu hút 16 ngàn lượt người nghe; tuyên truyền nhỏ lẻ hơn 7 ngàn lần, thu hút hơn 35 ngàn lượt người; tuyên truyền đặc biệt 126 lần, thu hút 306 lượt người.
Đặc biệt, các đơn vị còn tổ chức tuyên truyền cá biệt 51 lần cho 61 đối tượng; tổ chức giáo dục, cảm hóa thanh-thiếu niên hư được 348 buổi với 479 người; vận động 178 em học sinh thường xuyên bỏ học trở lại trường. Ngoài ra, các đơn vị đã phát huy hiệu quả mô hình “Tiếng loa Biên phòng” trên biên giới, tuyên truyền qua hệ thống cụm loa truyền thanh xã 671 lần với hơn 10 ngàn phút; loa không dây 296 lần với hơn 9 ngàn phút.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các lao động tự do. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr (huyện Chư Prông) tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các lao động tự do. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Để công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trên vùng biên giới đạt hiệu quả cao, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã duy trì và phát huy đội ngũ cán bộ tăng cường các xã biên giới, bố trí đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, làng. Đồng thời, phân công 216 đảng viên phụ trách 951 hộ gia đình.
Bên cạnh đó, các đồn Biên phòng còn tham gia xây dựng 48 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng; 11 tổ tự quản đường biên cột mốc; 1 tổ tàu thuyền tự quản bảo vệ biên giới; 2 tổ tự quản an ninh trật tự trong đồng bào theo đạo và sử dụng 13 cốt cán phong trào trong các tôn giáo. Đây chính là những người gần cơ sở, thường xuyên tiếp xúc và nắm rõ tâm tư tình cảm của người dân nên việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao.
Trao đổi với P.V, Thượng tá Đinh Hữu Ninh-Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh-cho biết: Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh còn triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Qua đó, giúp nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, các quy định về biên giới góp phần cùng lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân dễ tiếp nhận các quy định của pháp luật”-Thượng tá Đinh Hữu Ninh cho biết thêm.
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.