'Thời tới' cho người sẵn tiền mặt săn bất động sản giá rẻ  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thị trường bất động sản đang chứng kiến cảnh nhiều nhà đầu tư "ngộp" sẵn sàng giảm từ 30%- 50% giá mua để thu hồi vốn, có dòng tiền chi trả các khoản lãi vay. Đây là cơ hội cho những người sẵn tiền mặt có thể mua được những sản phẩm vị trí tốt, giá hợp lý hơn rất nhiều so với trước đây.

Bán rẻ cũng khó tìm khách

Cuối tháng 10 vừa qua, chị Tố Thanh (quận Bình Thạnh), mua được một miếng đất rộng 500m2 ở P.An Phú (TP.Thủ Đức) với giá 21 tỉ đồng. Miếng đất này hồi đầu năm 2022 giá thị trường khoảng 70 tỉ đồng, đến giữa năm khi tín dụng bắt đầu siết lại, chủ đất giảm còn khoảng 50 tỉ nhưng vẫn không bán được. Đến thời điểm này, gắng nặng lãi vay đè nặng, không còn cách nào khác, chủ đất đành phải bán với giá chỉ còn khoảng 30% so với đầu năm và chị Tố Thanh đã nhanh chóng chồng tiền.

Những chủ đầu tư kẹt tiền, phải rao bán gấp bất động sản như trường hợp nói trên ngày càng nhiều. Anh Hoàng chủ căn nhà 1 trệt, 3 lầu xây trên miếng đất rộng 120m2 trên đường Lò Lu (TP.Thủ Đức) do kẹt tiền nên phải “cắn răng” bán 10 tỉ đồng, trong khi giá thị trường đang dao động từ 16 - 17 tỉ đồng. “Thời điểm này, ai có tiền mặt là khỏe. Cứ canh các bất động sản 'ngộp' để mua là chắc ăn. Sau khi thị trường hồi phục bán ra lợi nhuận cũng cao chót vót. Ngồi không tiền đẻ ra tiền.”, anh Hoàng than thở.

 

Nhiều nhà đầu tư rao bán đất rẻ hơn thị trường nhưng vẫn chưa bán được. Ảnh:  ĐÌNH SƠN
Nhiều nhà đầu tư rao bán đất rẻ hơn thị trường nhưng vẫn chưa bán được. Ảnh: ĐÌNH SƠN



Anh Kiên Trung hiện đang rao bán lô đất 5.100m2 ở huyện Bình Chánh, TP.HCM giá thị trường khoảng 50 tỉ đồng với giá chỉ 35 tỉ đồng không ai mua nên tiếp tục giảm còn còn 28 tỉ đồng. Khu đất nằm ở mặt tiền đường, đang là đất trồng cây lâu năm và quy hoạch đất ở đô thị. Dù gần ngay trung tâm hành chính huyện Bình Chánh, gần Bệnh viện Nhi TP.HCM, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương thế nhưng rao bán mãi không ai mua.

"Do số tiền khá lớn nên nhiều khách đi xem đất dù khen đẹp, giá rẻ bằng gần 1 nửa so với giá thị trường nhưng vẫn chưa “chốt”- anh Kiên cho biết.

Biết giá tốt mà đành... ngậm ngùi

Đó là kết luận của nhiều nhà đầu tư bất động sản trên thị trường hiện nay. Đầu tư bất động sản giúp họ "phình to" tài sản, nhưng quá ham, quá tham, sử dụng vốn vay nhiều để lao theo các cơn sóng khiến giờ đây họ phải bán tống, bán tháo để trở nợ vẫn không kịp. Nhiều người còn vừa bán, vừa tiếc... nhưng đành ngậm ngùi.

Ông Linh, nhà đầu tư trong lĩnh vực gia công giày cũng cho biết, đang rao bán rẻ hàng loạt khu đất để có dòng tiền “nuôi” lại mảng kinh doanh cốt lõi của mình. Nhưng dù bán rẻ gần 50% giá thị trường vẫn chưa tìm được người mua.

“Trước đây gia công cho các thương hiệu nổi tiếng 'kiếm ăn' được nên tôi đầu tư vào bất động sản. Mọi việc đang thuận lợi thì dịch ập đến. Tưởng khi dịch bệnh qua đi mọi việc sẽ tốt hơn nhưng qua năm 2022 và đặc biệt là những tháng cuối năm, mọi việc trở nên quá khó khăn. Mọi thứ chuyển biến quá nhanh khiến tôi không kịp trở tay. Các đơn hàng gia công cho đối tác bị cắt gần hết. Để có tiền chi trả cho công nhân, giữ chân người lao động tôi đã phải rao bán hàng loạt các bất động sản rẻ hơn nhiều so với giá thị trường nhưng cũng không dễ tìm người mua", ông Linh đăm chiêu.

Ông Văn Quang, một nhà đầu tư có tiếng mát tay ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), cũng cay đắng kể, từ trước đến nay tiền làm được bao nhiêu ông đều đầu tư bất động sản coi như của để dành. Thực tế mấy năm qua, ông "đánh đâu thắng đó", mọi việc đang suôn sẻ thế rồi khi thị trường bị siết tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp đứng hình, chứng khoán lao dốc... khiến thị trường đóng băng, khiến ông lao đao. Gánh nợ lãi vay nên ông đã chủ động rao bán rẻ một số bất động sản ở các tỉnh để thu hồi vốn và có dòng tiền nhưng đã không kịp.

“Chưa bao giờ tôi thấy khan hiếm tiền mặt như hiện nay. Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư, nhất là những người thời gian qua dùng đòn bẫy tài chính quá nhiều khốn đốn, phải chấp nhận giảm giá sâu, bán lỗ để có tiền giải quyết. Thị trường đang tạo ra nhiều cơ hội cho những ai có tiền mặt hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ thấp có thể mua được các bất động sản giá tốt. Thời gian tới nguồn cung mới bất động sản vẫn khan hiếm. Về dài hạn, giá bất động sản vẫn tăng. Thế nên rủi ro của người này cũng là cơ hội của người khác. "Những người làm bất động sản như chúng tôi, thấy được cơ hội nhưng bây giờ lực bất tòng tâm vì tiền đóng lãi vay ngân hàng giờ còn không có lấy đâu tiền mua đất”, ông Quang than vãn.

Theo Đình Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm