Quan tâm giáo dục giới tính cho học sinh ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giáo dục giới tính trong nhà trường đang trở thành vấn đề cấp thiết, đặc biệt là trong trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú cấp THCS khi học sinh đang ở lứa tuổi có nhiều sự thay đổi lớn về tâm-sinh lý. Sự e ngại khi nhắc đến những vấn đề giới tính nhạy cảm đang được các trường phá bỏ với nhiều phương pháp hiệu quả.
Thời gian qua, ở nhiều nơi đã xảy ra các vụ xâm hại tình dục học sinh trong và ngoài nhà trường. Bên cạnh sự bức xúc, phẫn nộ với những kẻ băng hoại đạo đức, vấn đề khiến xã hội không khỏi lo ngại là phần đông học sinh đang thiếu hụt kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng dựa vào cộng đồng để tố giác những hành vi sai trái.
Tăng cường kỹ năng tự bảo vệ bản thân
Em Hà Pă H'Huyền (lớp 9B, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Prông) cho biết: “Ngoài thời gian ở trường, em không đi đâu một mình vào buổi tối, cũng không đi chơi khuya. Lỡ gặp người muốn đụng chạm đến cơ thể mình, em sẽ kêu cứu thật to, cố gắng chạy đến chỗ đông người để tìm sự giúp đỡ. Khi có người đe dọa, em sẽ tìm đến tổ tư vấn tâm lý của nhà trường để được thầy-cô hỗ trợ”. Đó là những điều H'Huyền đã được thầy-cô giáo ở trường chỉ bảo trong suốt 4 năm qua.
 Học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Chư Pah hứng thú tham gia ngoại khóa về tâm-sinh lý lứa tuổi. Ảnh: N.G
Học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Chư Pah hứng thú tham gia ngoại khóa về tâm-sinh lý lứa tuổi. Ảnh: N.G
Ý thức về sự thay đổi của cơ thể, hình thành kỹ năng tự bảo vệ bản thân là những điều mà Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Prông chú trọng trang bị cho hơn 250 học sinh ở đây. “Nhờ đó, trong nhiều năm qua, học sinh của trường được bảo vệ an toàn, không có học sinh tảo hôn trong dịp hè. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra nhanh về vệ sinh cơ thể, sức khỏe giới tính, tâm lý lứa tuổi, tình bạn khác giới, các kỹ năng tự bảo vệ bản thân, bảo vệ bạn bè... để kịp thời phát hiện những khoảng trống, từ đó có hướng bổ sung cho các em. Vài năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy các em đã có ý thức rất tốt về những vấn đề trên. Đây là kết quả của quá trình tuyên truyền, giáo dục ngay khi các em mới bước chân vào môi trường học tập, sinh hoạt nội trú”-cô A Siu Hương-Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Prông-cho biết.
Nhiệm vụ không của riêng ai          
 
Thạc sĩ Trần Thị Thu Vân-Tổ trưởng Tổ tâm lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai: “Hiệu quả khi giáo dục giới tính, tâm lý lứa tuổi trong nhà trường và cả trong gia đình phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp và thái độ của người lớn. Tùy vào từng độ tuổi, mức độ phát triển giới tính mà chúng ta chọn cách “vẽ đúng đường” khác nhau. Chúng ta không thể hướng dẫn cách sử dụng bao cao su hay thuốc ngừa thai cho học sinh cấp Tiểu học, THCS mà phải ở những cấp học cao hơn để hạn chế tối đa tình trạng nạo phá thai như hiện nay. Ở những cấp học nhỏ, chúng ta chỉ dừng lại ở mức độ giúp các em hiểu đúng đắn về cơ thể mình để biết cách phòng tránh những xâm hại về cơ thể”.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khi nói về công tác tuyên truyền, giáo dục giới tính cho học sinh trong nhà trường nói chung và hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú nói riêng. Ông Long cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo trường học các cấp thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường với thành phần gồm: Ban Giám hiệu, y tế trường học, Đội Thiếu niên tiền phong, Đoàn Thanh niên, giáo viên chủ nhiệm. Các trường thường xuyên tổ chức ngoại khóa về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tâm lý học đường để hỗ trợ cho học sinh trong từng giai đoạn phát triển. Hàng năm, Sở GD-ĐT phối hợp với Khoa Tâm lý của các trường đại học, cao đẳng tổ chức tập huấn về tâm lý học đường cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán trên toàn tỉnh nhằm hỗ trợ các trường làm tốt hơn công tác này”.
Trở về từ lớp tập huấn giáo dục kỹ năng mềm và tâm lý học đường cho học sinh lứa tuổi THCS do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây tại Đà Nẵng, thầy Quách Thanh Hùng-giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến (huyện Kông Chro) cho biết: “Chúng tôi được học về cách trang bị cho học sinh những kỹ năng mềm như: sự trung thực, chủ động, lòng tin cậy, giải quyết khủng hoảng... Về tâm lý học đường, chúng tôi được hướng dẫn chi tiết quá trình trợ giúp, tư vấn học sinh giải quyết những vấn đề các em thường gặp phải như: lo âu, tự cô lập, thất vọng về bản thân; giảm hứng thú trong học tập; ảnh hưởng từ phụ huynh... Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia một lớp tập huấn về tâm lý học đường và thấy rất bổ ích”. Cũng theo thầy Hùng, tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến, tất cả giáo viên đều phải tham gia vào việc hỗ trợ tâm lý học sinh để tạo sự gần gũi, giúp học sinh có thể chia sẻ với bất kỳ ai trong trường khi gặp vấn đề.
Bện cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc gần gũi, nắm bắt những thay đổi trong tâm-sinh lý học sinh. Các trường phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm bằng cách tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về tâm lý học đường cho thầy-cô giáo. Cô Nguyễn Thị Tuyết-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Pah-chia sẻ: “Giáo viên chủ nhiệm gặp gỡ các em hàng ngày nên có nhiều cơ hội để nhận thấy sự thay đổi tâm lý ở học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm cũng có thể thông qua Ban cán sự lớp để nắm bắt tình hình từng học sinh nhằm kịp thời hỗ trợ. Do vậy, tại trường chúng tôi, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm là nhân tố nòng cốt của Tổ tư vấn tâm lý học đường. Thầy-cô giáo cùng Tổ tư vấn bàn cách tư vấn phù hợp với từng vấn đề và từng đối tượng học sinh để có kết quả tốt nhất”.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn cương dương, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu, huyết áp cao, béo phì và căng thẳng. Để tránh rắc rối trong “chuyện ấy“, nam giới cần duy trì một lối sống lành mạnh bên cạnh chế độ ăn uống khoa học.