Vốn chờ... người thụ hưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Trung ương đã giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng 50 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh Gia Lai cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Nguồn vốn đã sẵn sàng nhưng danh sách đối tượng thụ hưởng chương trình vẫn chưa được các địa phương phê duyệt.

Ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh-cho biết: “Năm 2022, Ngân hàng CSXH tỉnh tập trung triển khai cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Kết quả, Ngân hàng đã giải ngân 47,19 tỷ đồng cho 965 hộ vay, đạt 100% kế hoạch giao. Năm nay, chúng tôi đã tham mưu Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh kịp thời phân giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho các huyện, thị xã, thành phố với tổng số vốn được giao là 465,08 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP là 50 tỷ đồng. Ngân hàng CSXH tỉnh cũng đã chỉ đạo các phòng giao dịch tổ chức triển khai đảm bảo theo kế hoạch, đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”.

Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn cho vay các chương trình theo Nghị định số 28 của Chính phủ. Ảnh: Sơn Ca

Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn cho vay các chương trình theo Nghị định số 28 của Chính phủ. Ảnh: Sơn Ca

Nguồn vốn cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đã sẵn sàng nhưng cho đến hết quý I-2023, danh sách các đối tượng thụ hưởng vẫn chưa được phê duyệt nên hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh không có cơ sở để cho vay. Bà Đinh Thị Thu Hiền-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kbang-cho hay: “Cuối năm 2022, sau khi huyện thống nhất mẫu nhà ở, Phòng Giao dịch đã tập trung giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở với số tiền 775 triệu đồng. Liên quan đến các đối tượng thụ hưởng của chương trình đã được phê duyệt trong năm 2022 nhưng chưa có nhu cầu vay vốn, một số hộ đã thoát nghèo. Do vậy, chính quyền địa phương và phòng chức năng đang tổng hợp, rà soát nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chương trình”. Còn ông Hà Thái Dương-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Thiện thì thông tin: “Năm 2023, Phòng Giao dịch tập trung cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề. Nguồn vốn cho vay đã được giao nhưng hiện chưa có danh sách đối tượng thụ hưởng được phê duyệt nên đơn vị chưa có cơ sở để cho vay theo kế hoạch giao”.

Một vướng mắc khác liên quan đến việc triển khai Nghị định số 28/2022/NĐ-CP là việc áp dụng chính sách hỗ trợ từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương cho các đối tượng thụ hưởng. Theo đó, ngày 23-2-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg về mức hỗ trợ và cơ chế sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1 (Dự án 4) của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Xung quanh nội dung này, ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh-cho biết: “Theo Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ để làm nhà ở. Nhưng đến nay, các bộ, ngành liên quan vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để địa phương triển khai thực hiện. Ban Dân tộc tỉnh chỉ đạo Phòng Dân tộc các huyện, thị xã, thành phố tham mưu giúp UBND cùng cấp tập trung rà soát các vấn đề vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ và triển khai thực hiện các dự án trong thời gian sớm nhất”.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân cho vay các chương trình theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ quý II-2023 của Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế-Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh-chỉ đạo: “Ngân hàng CSXH tỉnh tập trung giải ngân các nguồn vốn được giao. Đồng thời, tiếp tục tranh thủ nguồn vốn phân bổ từ trung ương để tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch giao. Đề nghị Ban Dân tộc tỉnh báo cáo cụ thể kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, trọng tâm là Dự án 1; tập trung rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19-4-2022 của Chính phủ về quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh báo cáo các bộ, ngành, Chính phủ để có chỉ đạo, hướng dẫn cách tháo gỡ, giúp cho việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP được kịp thời, thuận lợi và hiệu quả”.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.