Đón Tết ở nơi đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Không được quây quần bên gia đình trong những ngày Tết nhưng các phạm nhân thụ án tại Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) đứng chân trên địa bàn huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) cũng được Ban Giám thị Trại quan tâm tổ chức đón Tết Nguyên đán ấm áp, vui tươi.

Chúng tôi có mặt tại Trại giam Gia Trung một ngày cuối năm. Không khí chuẩn bị đón Tết của các cán bộ quản giáo cũng như phạm nhân ở đây không kém phần nhộn nhịp so với bên ngoài. Với Ban Giám thị cũng như các cán bộ quản giáo, đây là thời gian bận rộn nhất trong năm. Bởi ngoài công việc quản lý phạm nhân, họ còn chung tay chuẩn bị mọi thứ để cùng mọi người đón Tết. Còn với các phạm nhân đang thụ án, đây là mốc đếm ngược thời gian để được trở về với gia đình, người thân, với cuộc sống tự do trước khi lầm lỗi.

Khuôn viên các phân trại đều được các phạm nhân dọn dẹp sạch sẽ, chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Hà Phương
Khuôn viên các phân trại đều được các phạm nhân dọn dẹp sạch sẽ, chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Hà Phương

Trại giam Gia Trung hiện đang quản lý, giam giữ 3.156 phạm nhân (trong đó có 2.844 phạm nhân nam, 312 phạm nhân nữ). Trại quản lý phần lớn phạm nhân có mức án cao, nhiều tiền án, tiền sự, hoàn cảnh gia đình khó khăn, một số phạm nhân mắc các bệnh truyền nhiễm từ trước, luôn có diễn biến về tư tưởng phức tạp. Vì vậy, việc tổ chức giáo dục phạm nhân được Ban Giám thị, Hội đồng cán bộ trại không ngừng quan tâm, động viên, khích lệ, đưa ra các nội dung giáo dục phù hợp, đa dạng với nhiều hình thức, đậm tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với từng đối tượng.

Thượng tá Đặng Ngọc Hùng-Phó Giám thị, phụ trách Phân trại số 1-chia sẻ: Hàng năm, mỗi dịp Tết đến, xuân về, không khí ở Trại rộn rã hẳn lên. Không chỉ phạm nhân mà Ban Giám thị và cán bộ quản giáo cũng ăn Tết luôn trong trại. Mặc dù biết là buồn, nhớ gia đình nhưng nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện. Do đặc thù công việc nên để đón Tết và bảo vệ Trại, hầu hết các cán bộ đều phải xa gia đình. Trong số quản giáo có nhiều người còn trẻ, có cả cán bộ nữ. Tuy nhiên, tất cả đều vui vẻ ở lại đón Tết và cùng Trại hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cán bộ quản giáo cùng các phạm nhân gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Hà Phương
Cán bộ quản giáo cùng các phạm nhân gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Hà Phương

Tết này cũng là năm thứ 10 thụ án của phạm nhân Lê Thành Chung (SN 1987, trú quận Lê Chân, TP. Hải Phòng). Phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy", phạm nhân Chung phải chịu mức án 17 năm tù. Nhờ cải tạo tốt, phạm nhân Chung được Ban Giám thị Trại giam Gia Trung cho làm tự giác nấu ăn trong Phân trại số 1. Phạm nhân Chung bộc bạch: Từ ngày vào đây, gia đình tôi chỉ đến thăm có 4 lần. Tôi chỉ có 2 anh em, bố thì bị bệnh mất sớm, mẹ thì già yếu, em gái đã lấy chồng ở xa nên không có điều kiện để đến thăm. Thấy các anh chị trong trại có người thân đến thăm lòng em rất buồn nhưng biết làm sao. Giờ tôi chỉ muốn thời gian nghỉ Tết trôi qua thật nhanh, sớm đi lao động trở lại và tôi tiếp tục phấn đấu cải tạo thật tốt để sớm được trở về cùng với gia đình-phạm nhân Chung bùi ngùi.

Còn với phạm nhân Ngô Phạm Thảo Nguyên (SN 1990, trú quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) bị kết án chung thân về tội "Giết người". 13 năm cải tạo là 13 cái Tết không có gia đình bên cạnh, Nguyên mới thấm thía về tội lỗi mà mình gây ra. Được tạo điều kiện gặp mặt gia đình, ăn bữa cơm đoàn viên trước thềm năm mới, phạm nhân Nguyên xúc động nói: Vào tù rồi, tôi mới cảm thấy hụt hẫng vì thiếu vắng tình cảm gia đình. Năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết là tôi lại nhớ gia đình vô cùng. Tôi rất cảm ơn Ban Giám thị Trại giam Gia Trung đã tạo điều kiện cho những phạm nhân từ nhiều tỉnh, thành khác nhau được chung vui trong không khí đoàn viên cùng với người thân. Đây là dịp để tôi cảm nhận rõ hơn về giá trị cuộc sống, tình thương của gia đình. Thời gian đầu tôi nghĩ mang án chung thân nên không còn cơ hội ra ngoài, nhưng giờ tôi biết mình vẫn còn cơ hội nên sẽ cố gắng cải tạo hơn nữa-phạm nhân Thảo Nguyên ánh lên một tia hy vọng về tương lai.

Được ngồi bên người thân giúp cho các phạm nhân có thêm động lực, yên tâm cải tạo, xóa đi mặc cảm tội lỗi của mình. Ảnh: Hà Phương
Được ngồi bên người thân giúp cho các phạm nhân có thêm động lực, yên tâm cải tạo, xóa đi mặc cảm tội lỗi của mình. Ảnh: Hà Phương

Là một trong những gia đình những phạm nhân được thăm con trong dịp này, bà Phạm Thị Hồng Vàng (mẹ của phạm nhân Ngô Phạm Thảo Nguyên) nghẹn ngào: Đây là lần đầu tiên tôi được Ban Giám thị Trại giam Gia Trung cho thăm con trong dịp Tết, tôi rất hạnh phúc, cả mấy đêm không ngủ chờ từng giây từng phút. Tôi rất cảm ơn Trại đã quan tâm đến những gia đình như chúng tôi. Tôi mong con cố gắng cải tạo tốt để được sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước để quay về bên gia đình. Tôi mong muốn hàng năm Trại quan tâm cho những gia đình phạm nhân như tôi được ngồi bên con như thế này. Tôi luôn khuyên nhủ con phải biết ăn năn hối cải, cải tạo tốt để được sự khoan hồng của Nhà nước, sớm trở về với gia đình-bà Vàng mong mỏi.

Không khí Tết thêm phần náo nhiệt khi Ban Giám thị Trại giam Gia Trung tổ chức các chương trình ăn uống, văn nghệ, thể thao. Trong khuôn viên trại, ở khắp nơi, hoa mai, hoa đào nở rộ. Tường nhà, tường trại đã được quét vôi mới. Đường sá được quét dọn sạch sẽ, khang trang. Băng rôn, khẩu hiệu chúc mừng năm mới cũng đã được giăng lên. Trong trại, không khí cũng ấm cúng, vui vẻ như ở gia đình. Có được điều đó là sự nỗ lực không ngừng của các cán bộ làm công tác quản lý trại giam để giúp các phạm nhân hiểu rằng trại giam không chỉ là nơi cải tạo mà còn là nơi để họ sẻ chia, vươn lên trước những khó khăn.

Chia sẻ với P.V, Đại tá Đào Ngọc Sỹ-Giám thị Trại giam Gia Trung-cho hay: Tất cả các phạm nhân đều được ăn Tết đầy đủ theo quy định của Nhà nước. Việc tổ chức cho phạm nhân đón Tết ấm áp, vui vẻ cũng là cách giúp họ sớm hoàn lương. Tết càng ấm áp càng có ý nghĩa trong việc đánh thức nỗi khát khao đoàn tụ gia đình trong những con người lầm lỡ. Ngoài ra, Ban Giám thị cũng chia nhau đến các phòng chúc Tết, rà soát các phòng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân để tìm cách khuyên giải, động viên họ yên tâm cải tạo, xóa đi mặc cảm tội lỗi của mình.

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.