Phạm Hồng Hoàng Vy: Cần loại bỏ hiện tượng "bắt nạt online"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nữ sinh Phạm Hồng Hoàng Vy (lớp 12C2A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) là bạn trẻ duy nhất của Gia Lai giành được “tấm vé” tham gia Chương trình Thủ lĩnh thanh niên Đông Nam Á (SEAYLP) 2022 diễn ra tại Hoa Kỳ vào tháng 5 vừa qua. 

*P.V:Em có thể chia sẻ về những trải nghiệm của mình tại SEAYLP 2022?

- Em PHẠM HỒNG HOÀNG VY: SEAYLP 2022 do Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự, quản trị nhà nước và sự gắn kết của cộng đồng ASEAN bằng cách kết nối các nhà lãnh đạo trẻ tiềm năng. Chương trình diễn ra từ ngày 3 đến 27-5-2022. Ngoài em, Việt Nam còn có 5 bạn khác được lựa chọn gồm: Nguyễn Vân Anh (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Nguyễn Hoàng Lân (Trường THPT chuyên Thái Bình, tỉnh Thái Bình), Nguyễn Thùy Hương (Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc) và Tô Hoàng Phú (Trường THPT chuyên Quang Trung, tỉnh Bình Phước). Tuy nhiên, khi chuẩn bị lên đường, bạn Hương bị nhiễm Covid-19 nên không thể tham gia.

Em Phạm Hồng Hoàng Vy thêm bản lĩnh và trưởng thành hơn sau khi tham gia SEAYLP 2022. Ảnh: Mộc Trà

Em Phạm Hồng Hoàng Vy thêm bản lĩnh và trưởng thành hơn sau khi tham gia SEAYLP 2022. Ảnh: Mộc Trà

Trong 3,5 tuần trải nghiệm cùng SEAYLP, chúng em cùng các bạn học sinh THPT đến từ 7 nước thành viên ASEAN đã tham gia nhiều hoạt động bổ ích, chủ yếu tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và phát triển bản thân. Theo đó, chúng em có 2 tuần học tập tại Trường Đại học Northern Illinois. Các khóa học với những giảng viên giàu kinh nghiệm đã cung cấp nhiều kiến thức liên quan đến vấn đề quản lý thời gian, an ninh-an toàn cá nhân, truyền thông khủng hoảng và giải quyết xung đột, thiền và sự tự phản chiếu bản thân, khởi nghiệp xã hội, kỹ năng lãnh đạo, quản lý chi tiêu, nghệ thuật thúc đẩy tinh thần cộng đồng, diễn thuyết trước công chúng và cách xây dựng một dự án cộng đồng.

Bên cạnh đó, chúng em còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như: cắm trại tại Stronghold; làm việc tình nguyện tại DeKalb County Community Garden (xới đất, nhổ cỏ, trồng cây, tưới cây, ủ phân) và Feed My Starving Children (gói đồ ăn để gửi cho trẻ em suy dinh dưỡng); lưu trú, trải nghiệm cuộc sống thường ngày với người dân bản địa; du lịch khám phá tại Chicago, New York, Philadelphia, Washington DC… Đặc biệt, em và các bạn còn tham gia ASEAN Simulation-một hoạt động mô phỏng buổi họp giữa các nước ASEAN về vấn đề an ninh hàng hải.

* P.V: Khi tham gia các hoạt động tại SEAYLP 2022, em ấn tượng nhất ở điều gì?

- Em PHẠM HỒNG HOÀNG VY: Mỗi hoạt động đều đem đến cho em những trải nghiệm thú vị và bổ ích. Em khá ấn tượng về các lớp học giàu tính tương tác. Các bạn không ngần ngại đưa ra câu hỏi và duy trì nó một cách liên tục. Thông qua tương tác, chúng em có thể tích lũy thêm nhiều kiến thức nằm ngoài giáo trình sẵn có.

Phạm Hồng Hoàng Vy chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình mà em trải nghiệm lưu trú tại Hoa Kỳ. Ảnh nhân vật cung cấp

Phạm Hồng Hoàng Vy chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình mà em trải nghiệm lưu trú tại Hoa Kỳ. Ảnh nhân vật cung cấp

Ngoài ra, sự thân thiện, hòa đồng và tài năng của các bạn học sinh đến từ các nước cũng đã tạo nên dấu ấn cho SEAYLP 2022. Chương trình là nơi trao đổi văn hóa đúng nghĩa. Tại đây, em có thêm nhiều người bạn mới, biết thêm nhiều nền văn hóa khác nhau và quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Em cũng khá ấn tượng với màn leo cột và đi trên dây trong hoạt động ngoại khóa. Mục đích của trò chơi là rèn luyện sự dũng cảm, kiên trì, bản lĩnh và cuối cùng em đã vượt qua chính mình.

SEAYLP đã giúp em thêm bản lĩnh và trưởng thành. Sau chuyến đi này, em nghiệm ra rằng không gì là không thể, phải biết tận dụng cơ hội trong tay. Đồng thời, giáo dục là nền tảng của tất cả mọi thứ và giáo dục nên được ưu tiên hàng đầu trong độ tuổi vị thành niên; kỹ năng lãnh đạo là vô cùng quan trọng dẫu khó để tinh thông, tuy vậy, ai cũng phải tự trau dồi kỹ năng này cho bản thân dù sớm hay muộn.

* P.V: Được biết, mỗi đội sẽ phải tự thiết kế dự án cộng đồng và thực hiện nó sau khi chương trình kết thúc. Vậy dự án mà team Việt Nam thực hiện là gì?

- Em PHẠM HỒNG HOÀNG VY: Chúng em được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ 1.000 USD để thực hiện một dự án cộng đồng tại quốc gia của mình. Ban đầu, các thành viên dự định sẽ triển khai dự án liên quan đến bạo lực học đường. Tuy nhiên, sau đó, chúng em thống nhất chuyển hướng sang vấn đề giáo dục an toàn mạng và phòng-chống nạn “bắt nạt online” với tên gọi The Upstanders. Đối tượng dự án hướng đến là học sinh bậc THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và toàn quốc nói chung.

Em Phạm Hồng Hoàng Vy và các học sinh THPT đến từ 8 nước ASEAN đã có 3,5 tuần trải nghiệm miễn phí tại Hoa Kỳ với nhiều hoạt động thú vị, bổ ích. Ảnh nhân vật cung cấp

Em Phạm Hồng Hoàng Vy và các học sinh THPT đến từ 8 nước ASEAN đã có 3,5 tuần trải nghiệm miễn phí tại Hoa Kỳ với nhiều hoạt động thú vị, bổ ích. Ảnh nhân vật cung cấp

Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ. Ai cũng sở hữu một tài khoản mạng xã hội trên các nền tảng Facebook, Instagram, Reddit, Twitter... Thế nhưng liệu rằng các bạn đã biết cách sử dụng nó an toàn, hiệu quả khi mà tình trạng “bắt nạt online” ngày càng phổ biến và đang có nguy cơ “bình thường hóa” trên không gian mạng? Chỉ cần 1 bài báo “lá cải” giật tít câu view, một lời tung tin thiếu kiểm chứng hoặc mang tính tư thù cá nhân cũng tạo nên những topic gây tranh cãi. Hàng trăm, hàng ngàn bình luận mang tính tiêu cực về một cá nhân hoặc tổ chức nào đó cứ thế lan rộng theo hiệu ứng domino. Không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý mà hiện tượng “bắt nạt online” còn có nguy cơ cướp đi sự sống của người bị “truy kích”. Đáng lo ngại hơn, trong số những bình luận ấy, lứa tuổi học sinh THCS và THPT chiếm tỷ lệ không nhỏ. Chính vì thế, chúng em muốn góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của các bạn trẻ, giúp họ có tâm thế vững vàng và thể hiện bản thân một cách đúng đắn, văn minh trên không gian mạng.

Ngoài ra, chúng em cũng nhận thấy rằng, vấn đề bảo mật trên mạng xã hội đang có nhiều bất cập. Đa số người dùng, trong đó có giới trẻ hầu như không quan tâm đến việc thông tin cá nhân của họ có bị đánh cắp hay không. Điều này rất nguy hiểm nên giáo dục an toàn mạng là một phần mà dự án chúng em muốn hướng đến.

Dự kiến, từ tháng 12-2022 đến tháng 1-2023, chúng em mở một khóa huấn luyện tầm 6 buổi cho khoảng 20 học sinh THPT cốt cán trên địa bàn TP. Pleiku nhằm giúp các bạn nhận thức được tính chất nghiêm trọng của bạo lực qua mạng; cách phòng-chống và kỹ năng tự bảo vệ bản thân cũng như gia đình trước nạn “bắt nạt online”; phương pháp sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh... Kết thúc khóa huấn luyện, team sẽ yêu cầu các bạn làm một video ngắn về những gì mình đã lĩnh hội được. Từ những học sinh cốt cán này, chúng em sẽ tiếp tục truyền thông và lan tỏa dự án rộng rãi hơn trong đối tượng học sinh THCS và THPT trên địa bàn tỉnh cũng như toàn quốc. Mục đích cuối cùng của dự án giúp càng nhiều bạn trẻ càng tốt nhận thức đúng đắn về việc sử dụng mạng xã hội an toàn và ngăn chặn tình trạng “bắt nạt online”.

* P.V: Dự định của em trong năm mới là gì?

- Em PHẠM HỒNG HOÀNG VY: Đây là năm học cuối cấp, vì vậy, em cố gắng chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và đỗ vào trường đại học mà mình yêu thích. Em cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân thông qua các học bổng ngắn hạn và tham gia chương trình tình nguyện viên quốc tế để đóng góp sức trẻ vì cộng đồng.

* P.V:Cảm ơn em về cuộc trò chuyện thú vị này!

MỘC TRÀ (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

(GLO)- Nhằm bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tình yêu với Đội TNTP Hồ Chí Minh cho thiếu niên, nhi đồng, từ ngày 19 đến 21-4, tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Thành Đoàn phối hợp với Phòng GD và ĐT TP. Pleiku tổ chức hội thi tuyên truyền ca khúc măng non với chủ đề “Giai điệu tự hào”.