Biển-rừng mở lối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, kết nối Gia Lai với khu vực miền Trung-Tây Nguyên là cơ hội để khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Việc đầu tư mang tính chiến lược, đột phá sẽ tạo đòn bẩy quan trọng cho mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Gia Lai trở thành vùng động lực của Tây Nguyên, có vị trí quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Những dự án chiến lược

Xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, tỉnh Gia Lai đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng chiến lược về giao thông để tạo ra động lực mới, không gian phát triển mới nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15-11-2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku và nâng cấp Cảng Hàng không Pleiku thuộc danh mục dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối hoàn thành trước năm 2030.

Cảng Hàng không Pleiku được xây dựng từ năm 1960, dùng làm sân bay căn cứ quân sự; từ năm 1992 bắt đầu khai thác hàng không dân dụng và được đầu tư, cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh qua các năm. Đến nay, sân bay này đạt cấp 4C, quy mô nhà ga đáp ứng 600 ngàn hành khách/năm, có thời điểm khai thác vượt công suất thiết kế với hơn 726 ngàn hành khách/năm.

Ông Võ Toàn Thắng-Giám đốc Cảng Hàng không Pleiku-cho rằng: Cảng Hàng không Pleiku hiện chưa đáp ứng yêu cầu dự báo trong thời gian tới nên cần điều chỉnh quy hoạch ngay từ bây giờ. Vì vậy, đơn vị tư vấn đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp và mở rộng khu hàng không dân dụng thời kỳ 2021-2030 đáp ứng khai thác 2 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng mới khu hàng không dân dụng và các công trình đồng bộ, đáp ứng khai thác 5 triệu hành khách/năm.

Quốc lộ 19-đoạn qua huyện Mang Yang. Ảnh: Huyền Tỷ

Quốc lộ 19-đoạn qua huyện Mang Yang. Ảnh: Huyền Tỷ

Tham gia góp ý dự thảo báo cáo điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không Pleiku thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan cho rằng: Công tác quy hoạch, tính toán phải đúng với dự báo, bối cảnh để đưa ra phương án sát với thực tế; đồng thời phải có hướng mở phù hợp với những đột phá trong tương lai gần để không làm hạn chế, bỏ lỡ cơ hội phát triển. Ngoài ra, đơn vị tư vấn thiết kế cần nghiên cứu đưa vào khai thác vận tải hàng hóa, tính toán đến việc khai thác các chuyến bay quốc tế.

Từng trải nghiệm thất bại với dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không (logistics hàng không), ông Võ Chí Dũng-nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại AVALO (TP. Pleiku) chia sẻ: Hiện tần suất các chuyến bay ở Pleiku còn khá ít và chỉ mới khai thác được một số tuyến Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng nên với các dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, hầu như doanh nghiệp đều lựa chọn Sân bay Buôn Ma Thuột.

Cơ sở hạ tầng của Cảng Hàng không Pleiku chưa đáp ứng yêu cầu, hành khách và hàng hóa đều soi chiếu chung dẫn đến các thủ tục thông kiểm chậm, hàng hóa không kịp chuyến bay. Hơn nữa, có nhiều mặt hàng có giá trị cao hay hàng tươi sống cần vận chuyển nhanh thì lại không có chuyến.

“Một khi dự án nâng cấp sân bay được thực hiện thì kéo theo đó là tần suất các chuyến bay tăng lên, kho bãi, hệ thống hậu cần cũng được đầu tư. Khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ logistics liên quan đến chuỗi vận chuyển hàng không sẽ quay trở lại. Bởi, giá dịch vụ giữa các sân bay không chênh lệch nhiều, doanh nghiệp sẽ không mất chi phí trung chuyển và thời gian; điều cơ bản nhất là đẩy được giá trị lưu thông hàng hóa, doanh thu của địa phương. Đây là nút thắt mà chỉ có đột phá về cơ sở hạ tầng thì mới tháo gỡ được”-ông Dũng nhận định.

Theo ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải: Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20-1-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh đến năm 2030 nêu mục tiêu tổng quát: Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong đó, ưu tiên làm thủ tục để đầu tư đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku-Lệ Thanh tạo tuyến giao thông hành lang kinh tế Đông-Tây; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đầu tư và hoàn thành các tuyến quốc lộ mang tính kết nối cao như quốc lộ 19 nối cửa khẩu với cảng biển; nâng cấp Cảng Hàng không Pleiku; tuyến kết nối giữa đường tỉnh với các tuyến quy hoạch cao tốc, quốc lộ, đường vành đai.

Mở hướng kết nối rừng-biển

Sự đầu tư mang tính chiến lược, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, liên kết vùng chặt chẽ với các địa phương trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước đã thổi “làn gió mới” trong việc tạo đòn bẩy quan trọng giúp địa phương phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải thông tin: Triển khai Thông báo kết luận số 173/TB-VPCP ngày 15-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, Sở Giao thông-Vận tải đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương liên quan nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), tuyến nghiên cứu có chiều dài 151,1 km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 44.200 tỷ đồng.

Cũng theo Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, cao tốc Quy Nhơn-Pleiku hứa hẹn tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Tuyến đường hình thành sẽ tạo trục cao tốc thông qua hệ thống các cảng biển của khu vực duyên hải miền Trung kết nối Biển Đông với khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, vươn xa hơn kết nối với các nước Thái Lan, Myanmar.

“Đây cũng là tuyến đường cao tốc ngang kết nối các tuyến cao tốc dọc (đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông và cao tốc Bắc-Nam phía Tây), góp phần hoàn chỉnh mạng đường bộ cao tốc Việt Nam; đồng thời đóng vai trò kết nối chặt chẽ giữa rừng và biển, tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng và phát triển kinh tế-xã hội cả khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên. Do vậy, Sở sẽ tập trung ưu tiên triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư năm 2022-2023, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2026”-ông Đoàn Hữu Dũng khẳng định.

Trong khi đó, kỳ vọng về dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, ông Lê Hồng Quân-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) nhấn mạnh: Cao tốc Quy Nhơn-Pleiku được kỳ vọng có năng lực vận tải lớn, tốc độ cao, an toàn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa giữa khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên so với tuyến quốc lộ 19 hiện đã xuống cấp. Mặt khác, giao thông thuận lợi sẽ góp phần chuyển dịch luồng hàng từ khu vực Tây Nguyên đến tuyến hàng hải quốc tế gần nhất thông qua cảng biển Quy Nhơn.

Theo ông Quân, thời gian lưu thông ngắn sẽ giúp tiết giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện gia tăng nguồn hàng thông thương theo trục hành lang kinh tế Đông-Tây; đồng thời thu hút các hãng tàu mở tuyến dịch vụ trực tiếp tại cảng biển Quy Nhơn để tiếp nhận hàng hóa xuất-nhập khẩu. “Nút thắt lưu thông hàng hóa được tháo gỡ, năng lực vận chuyển được bổ sung, hạ tầng logistics được đầu tư sẽ thu hút khối lượng hàng hóa luân chuyển giữa các vùng tăng lên. Đây còn là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư vào các vùng kinh tế, hình thành trung tâm logistics quy mô lớn. Tỷ trọng hàng hóa đối lưu giữa nhập-xuất sẽ tiệm cận mức cân bằng, giúp giảm chi phí logistics hiệu quả cho các doanh nghiệp”-ông Quân khẳng định.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cũng cho rằng: Cao tốc Quy Nhơn-Pleiku còn được kỳ vọng mở rộng quy mô liên kết vùng, phát huy lợi thế của vùng sản xuất và chế biến các sản phẩm nông-lâm nghiệp với khu vực kinh tế biển cung cấp các dịch vụ logistics và vận tải biển. Các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak và 2 tỉnh Ratanakiri (Campuchia), Attapeu (Lào) lúc này sẽ là vùng hậu phương rộng lớn và tiềm năng về nông-lâm nghiệp và công nghiệp chế biến của khu vực cảng biển Quy Nhơn.

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.