Đổi thay ở làng căn cứ cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 4 năm triển khai Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng căn cứ cách mạng: Pông, Trớ, Hek và Kinh Pêng (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện), diện mạo các làng đã dần khởi sắc, đời sống người dân không ngừng được cải thiện.

 

Diện mạo làng nông thôn mới

Tối 19-6, UBND huyện Phú Thiện đã tổ chức hội nghị tổng kết giai đoạn 1 thực hiện Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng căn cứ cách mạng: Pông, Trớ, Hek và King Pêng. Về dự và chung vui với cấp ủy, chính quyền, người dân địa phương có các đồng chí: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Ayun H'Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Kpă Thuyên-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh, các đơn vị quân đội và huyện Phú Thiện. Đặc biệt, hội nghị vui mừng chào đón đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai) về dự.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.P
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.P



Trước khi hội nghị diễn ra, lãnh đạo huyện Phú Thiện đã dẫn các đại biểu tham quan một vòng cảnh quan 4 ngôi làng. Bắt đầu từ ngã ba tỉnh lộ 662B, ngay trước trụ sở UBND xã Chư A Thai, con đường bê tông xi măng rộng rãi mới được hoàn thành xuyên qua các làng thay thế cho con đường đất sình lầy trước đây. “Con đường này và Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng là quyết tâm lớn của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang. Năm 2015, sau chuyến về thăm và ngủ lại làng để thấu hiểu những khó khăn của bà con vùng căn cứ kháng chiến này, đồng chí Dương Văn Trang, lúc đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đã “đặt hàng” cho tôi phải nhanh chóng xây dựng Đề án với mục tiêu là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đây là trách nhiệm và sự bù đắp cho những mất mát, hy sinh không thể đong đếm được của người dân vùng căn cứ kháng chiến này”-Bí thư Huyện ủy Phú Thiện Đỗ Ngọc Thành bày tỏ.

Điều cảm nhận rõ ràng nhất là công tác quy hoạch, bố trí dân cư, sắp xếp lại nhà cửa cả 4 làng đã được huyện Phú Thiện triển khai bài bản, khoa học, hợp lý. Lấy nhà rông của làng làm trung tâm, các con đường xương cá được san ủi, bê tông hóa chia khu dân cư thành ô bàn cờ. Với sự giúp sức của các đơn vị quân đội và sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của cả hệ thống chính trị huyện Phú Thiện, xã Chư A Thai, người dân đã vượt qua nghi ngại ban đầu để đồng lòng di dời nhà cửa, sắp xếp lại dân cư. Nhà có nhiều đất thì sẻ chia cho nhà ít đất hoặc không có đất ở để đảm bảo mỗi hộ dân có tối thiểu 600 m2 (gồm 200 m2 làm sân, 200 m2 làm nhà và 200 m2 làm vườn kết hợp chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm). Tất cả nhà ở đã được di dời, quay hướng bám sát đường, có cổng ngõ, vườn tược được rào giậu phân định rõ ràng. Huyện hỗ trợ mỗi nhà trồng được gần chục cây ăn quả. Một số hộ đã có vườn rau xanh phục vụ bữa ăn hàng ngày. Nhiều hộ làm được nhà tắm, nhà vệ sinh và chuồng gia súc nằm cách xa nhà ở. Đêm đến, quanh khu vực nhà rông và các trục lộ dẫn vào làng, ánh điện đã bừng sáng.

Báo cáo tại hội nghị khẳng định, đến nay, 4 làng đã cơ bản hoàn thành việc di dời, sắp xếp nhà cửa, bước đầu bố trí sinh hoạt, trồng trọt và chăn nuôi khoa học, hợp lý hơn. Trong đó, hệ thống chính trị huyện Phú Thiện và xã Chư A Thai đã vào cuộc quyết liệt thực hiện quy hoạch lại 4 làng với diện tích từ 3,62 ha lên 47,15 ha (có 31,28 ha đất ở và 15,87 ha đất giao thông, công trình khác). Qua đó, bố trí 451 lô đất ở (371 lô đã được dân làm nhà và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 80 lô dự phòng), bình quân mỗi lô 600 m2; mở thêm và bê tông hóa các tuyến đường giao thông. Lực lượng bộ đội đã cùng với dân làng di dời 294 căn nhà của 260 hộ đến vị trí mới. Huyện đã huy động hơn 50 tỷ đồng và trên 27.000 ngày công lao động phục vụ đề án.

Đến nay, tất cả nhà ở của người dân đã được sắp xếp đúng quy hoạch. Hệ thống hạ tầng như: đường giao thông, điện chiếu sáng, phục vụ sản xuất, sinh hoạt cộng đồng, nước sinh hoạt đã được đầu tư mới hoàn thiện. Đặc biệt, 12 hộ dân với 60 khẩu cư trú trên núi Cheng Leng (thuộc địa phận xã Hbông, huyện Chư Sê) cũng được di dời về định cư ở làng Hek để 11 học sinh tiếp tục đi học, người dân được chăm sóc y tế… Cùng với đó, huyện triển khai 4 mô hình sản xuất với tổng kinh phí hơn 6,3 tỷ đồng cho 110 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Bahnar ở 4 làng tham gia gồm: mô hình cánh đồng mía lớn rộng 87,1 ha; mô hình trồng điều ghép diện tích 8,6 ha, mô hình trồng mì 2 ha, mô hình trồng lúa cạn 20 ha nhằm từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập… Kết quả, sau 4 năm, đời sống của bà con đã có thay đổi đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 52% (năm 2017) xuống còn 29,7%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ mức 5 triệu đồng (năm 2017) lên 13,5 triệu đồng/năm.

  Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn tặng quà cho chi bộ 4 làng. Ảnh: Đ.P
Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn tặng quà cho chi bộ 4 làng. Ảnh: Đ.P



Nhớ lại xuất phát điểm cách đây 4 năm, Bí thư Huyện ủy Phú Thiện Đỗ Ngọc Thành cho hay, Chư A Thai là xã đặc biệt khó khăn của huyện. Trong đó, 4 làng căn cứ cách mạng trước đây với 85% dân số là người Bahnar có cuộc sống khó khăn nhất. 4 làng có tổng cộng 332 hộ thì có đến 218 hộ nghèo và cận nghèo. Vì thế, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Thiện xác định nhiệm vụ trọng tâm từ năm 2016 đến năm 2020 là phải cải thiện chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế-xã hội xã Chư A Thai, nhất là với nhân dân 4 làng này. “Đây không phải là đề án định canh định cư nên kinh phí rất ít, chủ yếu dựa vào sức dân là chính. Điểm mấu chốt là thay đổi tập quán sản xuất, quy hoạch lại làng, sắp xếp dân cư nhưng phải giữ được ổn định trong dân, giữ bản sắc, không được làm xáo trộn đời sống văn hóa tinh thần của người dân”-Bí thư Huyện ủy Phú Thiện khẳng định.

Tập trung phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập

Tại hội nghị, đại diện cho nhân dân 4 làng, ông Đinh Byei-Bí thư chi bộ làng Trớ đã bày tỏ lòng biết ơn đối với sự giúp đỡ cả về vật chất, tinh thần của lãnh đạo tỉnh, huyện, các ban, ngành, đơn vị quân đội, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra sâu sát và thăm hỏi ân cần của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang để 4 làng có diện mạo khởi sắc như ngày hôm nay. “Dân làng chúng tôi sẽ sinh sống hòa thuận, đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cố gắng phát triển sản xuất để có cuộc sống tốt đẹp hơn”-Bí thư chi bộ làng Trớ bày tỏ.

 Làng Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) nhìn từ trên cao.   Ảnh: Đ.P
Làng Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) nhìn từ trên cao. Ảnh: Đ.P


Đến nay, làng Pông và làng Hek đã đạt 16/19 tiêu chí, làng Kinh Pêng đạt 17/19 tiêu chí, làng Trớ đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới.



Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chúc mừng những kết quả bước đầu của nhân dân 4 làng; đồng thời ghi nhận những nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh, huyện, xã, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong 4 năm qua đã chung sức cùng với bà con thực hiện thành công giai đoạn 1 của đề án. Kết quả đó thể hiện sự tri ân và trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những cống hiến của nhân dân 4 làng vùng căn cứ cách mạng xã Chư A Thai. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Những kết quả đó mới là bước đầu. Sắp tới, chúng ta phải tập trung giúp người dân 4 làng thay đổi phương thức sản xuất. Chính quyền huyện, xã, các ngành phải vào cuộc giúp người dân đưa các cây-con giống mới và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến sản xuất hàng hóa, liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập. Cùng với đó, phải giúp 4 làng cải thiện 3 vấn đề tồn tại là tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập đầu người thấp và vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm chưa đảm bảo. Có giải quyết được những vấn đề này mới nâng cao được chất lượng cuộc sống cho bà con”.
 

 ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.