Hàng cau vườn cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 50 năm trước, phía sau vườn nhà từ đường bây giờ, cha tôi trồng một hàng cau. Bên dưới gốc, má tôi trồng mấy dây trầu. Gốc trầu được bảo vệ xung quanh bằng thân cây chuối đã hạ buồng, bên trong là rác, tro bếp và cả cỏ dại trong vườn đã nhổ đi cũng được cho vào đó để hoai mục làm phân bón. 
Chiều chiều, sau khi tưới cả vườn rau, mấy anh em chúng tôi không quên tạt vài gàu nước vô mấy gốc trầu. Bụi trầu xanh mướt, cứ vài ba ngày đến phiên chợ là má tôi lại mang thúng ra hái, sau đó, đem vào nhà tỉa tót, xếp lại từng chục một, cắt đều cuống lá.
Cây cau thì “nhàn” hơn. Đến mùa mới ra buồng. Bà nội và má tôi đều ăn trầu nên hàng cau rất hữu dụng. Đợt nào hái nhiều thì bà nội lại tách vỏ phơi khô để dành. Thỉnh thoảng, tàu cau khô rơi xuống đánh sạt, tôi chạy ra nhặt đem vào đưa cho bà nội. Bà lấy câu liêm (liềm) cắt phần bẹ ra, phần cuống thân được bà làm cây gãi lưng, phần tàu lá thì tuốt để lại cọng làm chổi, chổi tàu cau dùng suốt năm vẫn chưa mòn. Còn bẹ cau sẽ được cắt thành chiếc quạt, thành cái mo hốt rác.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Bấy giờ, tôi độ 10 tuổi, nghịch nhất xóm. Trưa nào cũng vậy, cứ đợi cha tôi ngủ là tôi lập tức “nhót” đi chơi ngay. Nếu không vô vườn chuối nhà ông Hùng “sẻ” đánh trận giả bằng ống thụt hạt cò ke, chia phe quăng đất cục với lũ con nít trong xóm, không lên mương Chợ Chiều cởi truồng tồng ngồng bơi đập nước ầm ầm thì lại trèo lên cây cau phá tổ chim. Tôi bắc thang tre để khỏi giập lá trầu rồi làm nài bằng bẹ chuối trèo lên bắt chim. Trên cây cau toàn tổ chim se sẻ. Trẻ con nào đã biết gì, giờ nghĩ lại thật tội cho mấy con chim se sẻ non bị tôi bắt xuống. Nhai gạo nhuyễn rồi vạch mỏ mớm cho chúng. Trời ạ, chim con mới nở đâu chừng mươi ngày, bụng còn chưa xẹp mà sao nuốt nổi! Vậy mà cứ nhét, rồi chu mỏ cho chúng liếm nước bọt vì nghe mấy đứa trong xóm bảo làm vậy chim lớn lên sẽ rất khôn, mến chủ. Thương cho chim mẹ cứ sà xuống tìm con.
Qua bao nhiêu năm, cha má tôi đã thành người thiên cổ, ngôi nhà xưa giờ là nhà từ đường và hàng cau vườn cũ cũng không còn. Bây giờ, đi đâu thấy vườn nhà ai trồng cau, tôi rất thích, cứ đứng ngắm mãi. Hàng cau vươn thẳng lên không trung như muốn khẳng định sức sống mãnh liệt của mình. Cây cau ta tuy trông có vẻ mảnh khảnh, yếu ớt là vậy nhưng thân cây rất dai, bão lớn chưa chắc đã đổ được nó. Trận gió ập đến, thân cây gập theo chiều gió oằn xuống rồi lại bật lên, thẳng đứng.
Cây cau đẹp, mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích cho con người. Chẳng thế mà cau đã đi vào đời sống và văn chương đấy ư?
THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.