Chú chim non lạc mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cơn mưa đầu mùa hạ khiến cho chú chim non đang tập chuyền cành bị lạc mẹ giữa vườn. Đó là chú chim chào mào mũ, bố mẹ nó vẫn sinh sống trong vườn nhà tôi đã nhiều năm.



Em tôi nhào ra bắt chú chim mang vào nhà giao cho lũ trẻ con đang nhao nhao thích thú. Con chim nhỏ hoảng sợ, thụt đầu vào đôi cánh còn ngắn ngủn. Cháu tôi lót rơm vào chiếc rổ, úp nó trong đó sau khi đã ngắm nghía chán chê.

Sau giấc ngủ trưa, con chim nhỏ đã biến mất khỏi chiếc rổ. Nó không thể bay xa nên đậu trên bàn bếp, cố gắng thu mình trong đống chai lọ như không muốn để người phát hiện. Chắc là nó đã đói, làm gì có đủ sức để bay. Mẹ tôi bảo: “Có buồng chuối sau nhà, chín quả nào là đôi vợ chồng chim chén sạch. Cứ cào cào châu chấu, hoặc bóp chuối ra mà cho nó ăn”. Chú chim bé nhỏ há mồm ra mỗi khi tôi đưa mồi đến. Nó khiến tôi nghĩ đến đứa con gái mới vài tháng tuổi của mình. Trong những cơn thèm sữa, con cũng chúm chím rúc vào bầu ngực mẹ.

Mưa tạnh, giờ này có lẽ chim mẹ đang hốt hoảng tìm con. Bất cứ người mẹ nào cũng lo sợ, bất an khi không còn thấy con trong tầm mắt của mình. Ý nghĩ ấy hình như đang xuất hiện trong đầu mọi thành viên trong nhà. Nhà tôi đang nuôi một đàn chim bồ câu, hai con cu gáy và có vài chiếc lồng được chồng tôi làm sẵn để đó. Anh có thể ngồi cả giờ để chơi cùng chim, mê mẩn nấp sau cánh cửa rình nghe chim cu gáy.

Chú chim nhỏ hồi sức, bắt đầu kêu toáng lên gọi mẹ. Bố tôi bảo các cháu: “Tí thả con chim ra vườn để bố mẹ nó đến đón đi. Các cháu mà lạc mẹ thì cũng kêu khóc thế”. Tôi mang chú chim nhỏ đặt lên cành cây vải đầu nhà. Một lúc sau, chim bố mẹ nghe tiếng con kêu mà tìm đến. Cuộc hội ngộ tíu tít và bịn rịn khiến tôi xúc động. Rồi chim bố mẹ bay đi. Tôi ngồi chờ một lúc không thấy đôi chim trống mái ấy quay lại thì sốt ruột. Chỉ sợ chim con bay chuyền, rơi xuống đất sẽ bị lũ gà trống mái đang ăn dưới gốc cây xông vào mổ.

Bố tôi bảo: “Không lo. Chắc bố mẹ nó đi kiếm mồi. Chẳng bao giờ chúng bỏ lại con mình cả”. Hệt như lời bố từng nói khi chúng tôi còn nhỏ. Hồi ấy bố đi làm xa nhà, cả tháng không về. Người trong làng thỉnh thoảng hay trêu: “Bố mày có vợ bé bên kia sông rồi. Không về đây nữa đâu”. Những lần bố về, thằng út thường hay ôm chân bố thút thít: “Có phải bố định bỏ mấy chị em con?”. Bố cười hiền khô, dang rộng tay ôm mấy đứa con nheo nhóc vào lòng: “Chẳng bao giờ bố bỏ các con”.

Đúng thế, khoảng 20 phút sau, chim bố mẹ quay lại. Chúng bón cho con ăn, ríu rít rủ rỉ điều gì đó. Tôi đoán đó là những lời khích lệ. Và cứ thế, chim bố bay trước, chim con bay theo, chim mẹ bay theo sau từng chút một. Từ cành thấp lên cành cao, từ cây vải sang cây mận, cây khế, cây nhãn trong vườn. Tôi không theo rình nữa vì tin chắc rằng chim non sẽ trở về được chiếc tổ yên ấm của mình. Ở nơi ấy có tình yêu thương của bố mẹ nó.

Theo VŨ THỊ HUYỀN TRANG (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...