Ngôi đình giữa đồng vắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đình Cửu Đạo (thôn 1, xã Xuân An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) tọa lạc giữa cánh đồng rộng mênh mông, là chứng tích còn lại của một ngôi làng ra đời từ trăm năm trước. Đây cũng là nơi tập trung tất cả thông tin, tài liệu về lịch sử và văn hóa của thôn Cửu Đạo xưa.

Từ tỉnh lộ 669, vượt qua 3 km đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, chúng ta sẽ bắt gặp một ngôi đình nằm yên lặng dưới những bóng cây xanh mát trong khuôn viên 5.000 m2. Dấu tích trăm năm chìm sâu trong đôi mắt lân chầu trên đầu 2 trụ biểu, trong điệu vũ của long mã cùng chim phụng giữa tấm bình phong và trên những nét chữ đã bạc màu thời gian nơi tấm hoành phi, cặp liễn đối còn sót lại.

Theo lịch sử truyền tại địa phương, thôn Cửu Đạo hình thành từ cuối thế kỷ XIX thời Vua Thành Thái, “1894” là năm được ghi trên chánh điện. Đặt trong bối cảnh lịch sử hình thành làng xã An Khê giai đoạn cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX và những hiện vật cũ xưa còn lại tại đình thì thông tin này là hợp lý, có cơ sở.

    Đình Cửu Đạo. Ảnh: Bá Tính
Đình Cửu Đạo. Ảnh: Bá Tính


Trước khi thành lập thôn, nơi này tồn tại 4 vạn (xóm) gồm: Cửu Trường, Cửu Thuận, Cửu Bình, Cửu Hòa. 4 vạn này giáp giới nhau, mỗi vạn đều có một miếu làm nơi thờ cúng chung, nhưng nay đã sụp đổ hoàn toàn. Việc xây đình thuở ban đầu là nhờ công sức của người dân nơi này. Dấu tích các vạn xưa kia hiện chỉ còn lại vài miếng gạch cũ và trong ký ức, câu chuyện kể của những bậc cao niên tại địa phương, gắn với tên tuổi những tiền nhân có công lao lập vạn dựng miếu xây đình như: Cả Điểu, Xã Mạo, Cả Dụng, Hương Trinh, Hương kiểm Nhân, Từ thừa Liễu…

Đình Cửu Đạo với tư cách là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của thôn Cửu Đạo, có lẽ nằm giữa hay giáp với 4 vạn kể trên, như nhiều trường hợp khác mà ngày nay chúng ta còn thấy: Thôn An Khê, thôn Cửu An, thôn Tân Lai. Dựa vào đặc điểm phân bố địa lý này và các vết tích còn lại, chúng ta có thể hình dung được một phần quy mô địa giới thôn Cửu Đạo trước đây. Có lẽ sự thay đổi về lịch sử cũng như tập quán canh tác, tụ cư đã khiến đình Cửu Đạo từ vị trí là trung tâm của khu dân cư trở thành ngôi đình trơ trọi ở nơi hẻo lánh như ngày nay, tương tự ở trường hợp miếu Tân Chánh (phường An Bình, thị xã An Khê). Việc dời đổi vị trí đình hoặc miếu ở An Khê như thấy ở đình Cửu Định (phường An Phước, thị xã An Khê) là một cách thích nghi với thực tế mới nhằm khắc phục tình trạng người dân di chuyển địa bàn cư trú từ địa điểm ban đầu đến địa điểm khác phù hợp hơn với điều kiện sống.

Chính việc tồn tại xa khu dân cư, cùng với những biến động lịch sử nên đình Cửu Đạo dần dần hoang phế, sụp đổ, rơi vào cảnh hương tàn khói lạnh. Mãi đến năm 2013, đình mới được dựng lại. Người dân Cửu Đạo đồng lòng tái thiết trung tâm tín ngưỡng cho cộng đồng làng, phần vì thấy nhiều việc không may mắn xảy ra, phần vì các đình lân cận như Cửu Định, Tú Thủy đã được tiến hành đại trùng tu sau khi đình cũ bị hư hại.

Với tư cách là người đứng đầu Ban Nghi lễ đình Cửu Đạo, ông Phan Đình Tư đã đứng ra vận động, tổ chức và tích cực tham gia vào việc xây lại đình làng. Ngoài việc góp ngân quỹ, người dân thôn Cửu Đạo còn tích cực tham gia phụ nhóm thợ xây để việc tái thiết mau chóng hoàn thành, giảm bớt chi phí. Sau 3 tháng thi công, việc trùng tu tái thiết đình Cửu Đạo đã hoàn tất.

Hiện nay, người dân thôn Cửu Đạo vẫn duy trì lệ cúng kính vào những ngày lễ quan trọng trong năm: Khai Sơn (10-1) cầu khởi đầu công việc trong năm mới được may mắn, Quý Xuân cầu quốc thái dân an và Thanh Minh (17-2) cầu cho các cô hồn siêu thoát, Quý Thu (20-8) tạ ơn thần linh và các tiền bối có công lao với làng. Trong đó, cúng Quý Xuân là ngày long trọng nhất, dân làng tập trung làm heo, gà, vịt, nấu chè, xôi, bày biện trái cây các loại. Kinh phí tổ chức các ngày lễ này chủ yếu do dân làng Cửu Đạo đóng góp và tự đứng ra nấu nướng, chưng dọn. Đây cũng là dịp mọi người gặp gỡ nhau ôn lại lịch sử của làng, tưởng nhớ các bậc tiền hiền lập làng, hậu hiền giữ làng và chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống, đặc biệt là cùng nhau bày tỏ lòng thành kính, ước mơ của mình với các vị thần linh được thờ tự tại đây: Thành hoàng, Thổ địa, Thiên y, Bạch mã, Sơn lâm chúa xứ… Những nét đẹp và giá trị văn hóa truyền thống ấy đã được người thôn Cửu Đạo gìn giữ và trao gửi cho nhau qua hàng thế kỷ nay.

 

LƯU HỒNG SƠN

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.