Băn khoăn tài năng cồng chiêng "nhí"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những nghệ nhân “nhí” đầu tiên được phát hiện từ sinh hoạt cồng chiêng ở buôn làng và các liên hoan, hội diễn từ nhiều năm trước đến nay ra sao, có phát huy được tố chất sẵn có? Đi tìm câu trả lời, chúng tôi không khỏi có chút băn khoăn. 
Có thể nói, Siu Khăi và Ksor Sia (làng Plei Djriếk, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) là những nghệ nhân cồng chiêng “nhí” được phát hiện đầu tiên. Khăi được biết đến lúc 8 tuổi, còn Sia 5 tuổi, khi cả 2 có mặt trong dàn cồng chiêng làng Djriếk đi biểu diễn tại đêm Trung thu dành cho thiếu nhi nghèo tổ chức ở trung tâm huyện năm 2007. Khăi và Sia bé tẹo nhưng giữ nhịp theo dàn chiêng rất chuẩn trong khi đầu lắc lư, chân nhảy nhót hết sức tự tin. 
Anh Rơmah Nam-cha của Sia-khi đó cho hay: Năm Sia 3 tuổi đã muốn cầm lấy cái chiêng mà đánh và nhảy múa. Khăi cũng bắt chước Sia đòi khiêng cái chiêng nhỏ nhất. Thấy con ham đánh chiêng, 2 ông bố và những người trong đội cồng chiêng của làng cũng dạy cho chúng chút ít và cho đi theo trong những buổi tập, nhưng “không ngờ là tụi nó lại chơi được”. Hễ đi đánh chiêng mà không cho đi theo là cả 2 khóc rất dữ. 
Chỉ sau 2 năm theo người lớn học đánh chiêng, Khăi và Sia đã được chấp nhận là những thành viên chính thức của đội cồng chiêng làng Plei Djriếk. Tại Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai, 2 nghệ nhân “tí hon” trở thành tâm điểm của giới báo chí và nhiếp ảnh, như một hiện tượng, thậm chí có thể gọi là tài năng. Từ sau sự kiện này, việc bồi dưỡng lớp nghệ nhân kế cận tại các địa phương trên địa bàn tỉnh càng được quan tâm, chú trọng. 
Không ngừng thắc mắc Khăi và Sia giờ ra sao sau 15 năm biết biểu diễn cồng chiêng, biết yêu những thanh âm đại ngàn, chúng tôi tìm về thị trấn Nhơn Hòa. Hiện nay, Sia đã 20 tuổi, còn Khăi 23. Có chút hụt hẫng khi biết 2 “ngôi sao nhỏ” ngày đó nay khá mờ nhạt. Cả 2 nghỉ học khi mới lớp 5, lớp 6. “Học nhiều thì cũng để làm gì đâu”-Sia nói. Kể về công việc hiện tại, Khăi cho hay, sau 1 năm vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân ở một công ty giày da, lương thấp nên em quay về phụ gia đình làm nông. Sia cũng vào làm cho một công ty ở Tây Ninh, vừa rồi cũng đã về lại Plei Djriếk.
Hỏi về kỷ niệm cũ, cả 2 đều cho rằng, đáng nhớ nhất là khi được tham gia Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai. Lần đầu biểu diễn ở sân khấu lớn, Khăi và Sia được mọi con mắt đổ dồn thán phục, ai cũng thương quý. Nhiều người cho rằng, từ xuất phát điểm đầy thuận lợi ấy, 2 em sẽ trở thành những “hạt nhân” cồng chiêng ở buôn làng. Song do cuộc sống khó khăn, có lúc phải đi làm ăn xa, cả 2 khó mà duy trì hoạt động văn hóa thường xuyên. Khăi và Sia cũng không phụ trách truyền dạy cho các em nhỏ như mình ngày trước.
Do bận việc mưu sinh nên Ksor Sia (bìa trái) và Siu Khăi rất ít khi tham gia diễn tấu cồng chiêng. Ảnh: Lam Nguyên
Do bận việc mưu sinh nên Ksor Sia (bìa trái) và Siu Khăi rất ít khi tham gia diễn tấu cồng chiêng. Ảnh: Lam Nguyên
Lẽ dĩ nhiên, không ai có quyền áp đặt Khăi và Sia về việc phải giữ gìn tình yêu với cồng chiêng như kỳ vọng, nhưng cảm giác tiếc nuối là không thể tránh khỏi khi các em dù lớn lên, thấm đẫm trong tình yêu với văn hóa dân tộc từ thuở bé nhưng dường như đã đánh mất điểm tựa từng được trao truyền. 
Những năm gần đây, với mục tiêu bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên-di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO tôn vinh, công tác truyền dạy trình diễn cồng chiêng, hát dân ca được các ngành, các cấp rất quan tâm. Đơn cử, năm 2013, Ban Chỉ đạo hoạt động hè TP. Pleiku đã tổ chức liên hoan cồng chiêng và hát dân ca thanh-thiếu niên, học sinh. Gần đây nhất, ngày 27-8-2022, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku phối hợp với Thành Đoàn Pleiku tổ chức liên hoan cồng chiêng và hát dân ca thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số tại Quảng trường Đại Đoàn Kết.
Trong khi đó, Tỉnh Đoàn cũng đã 5 lần tổ chức liên hoan cồng chiêng thanh-thiếu niên toàn tỉnh. Mỗi sự kiện đều thu hút sự tham gia của hàng trăm thanh-thiếu niên, qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo tồn và gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và các giá trị truyền thống khác. 
Như vậy, không thể nói rằng sự quan tâm truyền dạy các giá trị văn hóa cho thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số là chưa đúng mức. Đây còn là các hoạt động định kỳ với sức lan tỏa rất rộng rãi là đằng khác. Nhưng từ “khảo sát” nhỏ về trường hợp nói trên, phải chăng chiều sâu của công tác này vẫn là điều cần bàn thêm? Thiết nghĩ, với những nghệ nhân trẻ có tố chất nổi trội, các đơn vị ngành văn hóa nên có sự quan tâm đặc biệt, sát sao hơn nữa để động viên họ gắn bó, phát huy giá trị di sản, thậm chí dựa vào di sản để có sinh kế. 
Điều này đã được “gợi ý” sát sườn tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Ở nhóm nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc có ghi rõ: Cần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục di sản văn hóa trong và ngoài nhà trường bằng việc đa dạng hóa mô hình, phương thức, quy mô; tăng cường xã hội hóa hoạt động giáo dục di sản. Cùng với đó là đổi mới và nâng cao hoạt động đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân; tạo điều kiện cho nghệ nhân tham gia truyền dạy, quảng bá di sản trong cộng đồng ở trong nước và nước ngoài.
Khó mà yêu cầu thế hệ trẻ phải có trách nhiệm nuôi dưỡng những thôi thúc tự thân về bảo tồn văn hóa. Nhưng, một ngọn lửa luôn cần được nhóm lên và sự chung tay của những người có am hiểu sâu sắc, có trách nhiệm tận cùng sẽ giúp ngọn lửa ấy bừng cháy.
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm