"Cơ quan tôi không tiếp người quần loe tóc dài"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công việc đầu tiên của tôi khi nhận công tác tại Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai Kon Tum là đi... phát khẩu hiệu. Chú Phó Trưởng phòng tên là Tánh, ngắm tôi từ đầu tới chân xong hắng giọng: “Mai cháu đi cắt tóc, thay quần áo rồi đi phát cái này”.

“Cái này” mà ông nói là một đống giấy to lù lù kê trên tấm ván giữa phòng làm việc. Chiều ngang khoảng 30 cm, chiều dài khoảng 80 cm, giấy nâu một mặt nhám một mặt nhẵn, chữ đỏ rực nhưng vì in trên giấy nâu nên nó ngả sang đỏ bầm: “Cơ quan tôi không tiếp người quần loe tóc dài”. Trời ạ, tôi vừa tốt nghiệp đại học, lại từ Huế lên, quần loe là cái chắc, tóc dài là cái chắc, lại có hàm ria rất đẹp, là nhiều người khen thế chứ tôi thấy nó cũng bình thường. Thực ra thì tôi không để tóc dài vì không thích, thấy không hợp với mình, nó chỉ vừa trùm gáy, tóc dài đúng phải phủ vai, nhưng dưới mắt các bác lãnh đạo tôi hồi ấy, tóc tôi như thế là dài. Quần thì hồi ấy chỉ có một mốt duy nhất: loe, mặc với áo chẽn, lai bầu, đi đôi dép sapo dày gần 10 cm, cái ống quần loe phủ đôi sapo khiến mình cao hơn được một tí.

Tôi nhớ mình có tranh luận với chú Phó Trưởng phòng rằng: Chú ơi, tóc dài quần loe nó là mốt, là phạm trù thẩm mỹ chứ có liên quan gì tới đạo đức hay pháp luật đâu ạ! Sao lại tẩy chay không tiếp họ trong khi cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải tiếp dân? Thì cũng nói qua nói về thế chứ không cãi nhau, nhưng ông Trưởng phòng xuất hiện, chỉ thẳng mặt tôi: “Anh đừng cậy cử nhân mà hung hăng (...). Anh là nhân viên mới, mới phân công việc đầu tiên mà đã này nọ”.

Lại nhớ hồi chúng tôi học năm thứ 3 đại học, ra Quảng Bình đi thực tế, mấy ông thầy người Huế “lưu dung”-cách gọi các trí thức cũ được sử dụng lại thời ấy, rất hiền lành đức độ, tới ngu ngơ, bị thanh niên cờ đỏ túm lại, không nói không rằng, cắt xoẹt tóc và ống quần khiến các thầy ngạc nhiên tột độ, mấy ngày sau về tới Huế vẫn không thể hiểu.

Chiều ấy, tôi đi tút quả đầu 3 phân, gáy trắng hếu (giờ là mốt), mượn người bạn học Toán cùng lên nhận công tác ở Cục Thống kê bộ quần áo bộ đội, sáng hôm sau hồi hộp lên phòng. Ông Phó Trưởng phòng giao: Trong tuần này, cháu đi tất cả các cơ quan trong thị xã giao trực tiếp cho họ, yêu cầu họ dán ở chỗ dễ thấy nhất, cháu phải kiểm tra xong mới hoàn thành nhiệm vụ. Còn các huyện thì cháu gửi về Phòng Văn hóa, yêu cầu họ dán ở các cơ quan huyện, xong báo cáo chú và trưởng phòng.

Tôi lên Phòng Hành chính mượn cuốn sổ công văn ghi tên các cơ quan, gọi điện thoại tới từng cơ quan, yêu cầu họ cử người tới nhận. Hình như hồi ấy, các cơ quan cũng rảnh nên họ tới nhận khá đông, tôi phải đi giao rất ít. Cái điện thoại bàn của Mỹ, muốn gọi cơ quan nào thì nhấc lên, nghe tút thì quay số 0 tới tổng đài rồi nói tên cơ quan, bên kia giọng lạnh băng buông thõng: cầm máy, rồi rè rè quay tiếp. Nhẫn nại mấy hôm rồi việc cũng xong.

Cũng hồi ấy ở Pleiku có cái câu khẩu hiệu rất lạ, đi đâu cũng gặp: “Sức khỏe quý hơn vàng, sạch làng tốt ruộng”. Tới giờ, tôi cũng vẫn không hiểu nổi 2 cái vế “sức khỏe” với “sạch làng tốt ruộng” ấy nó liên quan như thế nào tới nhau mà được kẻ khắp trên các bức tường như thế? Lại nhớ, Giáo sư Nguyễn Văn Khỏa từ Hà Nội vào Huế dạy chúng tôi, ông bảo hết sức kính nể xứ Huế có cái thùng rác đề chữ: “Xin cho tôi rác”. Xin chứ không ra lệnh: Bỏ rác vào đây. Nhưng ông cũng hết sức ngạc nhiên tại sao Huế lại có câu khẩu hiệu rất lạ kỳ kẻ khắp nơi: “Dù cho bão táp mưa sa/Khách lạ tới nhà phải báo Công an”, câu này lên Pleiku tôi cũng gặp, nhưng ít hơn câu “sức khỏe quý hơn vàng...” kia.

Tất nhiên, tới ngày hết hạn giao việc, tôi mượn xe đạp một vòng Pleiku, hồi ấy dốc còn nhiều lắm, gò lưng đạp, nhiều dốc phải xuống dắt bộ, thấy các cơ quan đều dán câu khẩu hiệu ấy rất trịnh trọng và ngay ngắn ở cổng, ở phòng hành chính, phòng họp, nói chung chỗ nào có đông người ra vào, kể cả chỉ có người trong cơ quan với nhau. Xong tôi về báo cáo là đã hoàn thành nhiệm vụ. Chú Phó Trưởng phòng cười hể hả, đấy có thế chứ, cháu được việc đấy.

Sang báo cáo Trưởng phòng, ông để sẵn một... bao tải bản thảo to lù lù: “Giờ cậu về đọc cái này, viết một bài nhận xét in tạp chí số này, rồi tham gia sửa bản in với cô Hồng Vân”. Thì ra, tỉnh Gia Lai Kon Tum đang có một cuộc thi thơ. Trong đống bản thảo ấy có bài thơ rất hay “Với Kon Tum” của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

Đấy là chuyện khởi đầu của tôi với Tạp chí Văn nghệ Gia Lai. Khi ấy đang là những ngày giáp Tết năm 1982.

 

HOÀNG HƯƠNG GIANG
 

Có thể bạn quan tâm

Thương nhớ cá đồng

Thương nhớ cá đồng

(GLO)- Khác với miền Nam quanh năm ấm áp, sản vật dồi dào, miền Bắc 4 mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt nên thường là mùa nào thức ấy. Trong đó, loài cá, đặc biệt là cá đồng thì phải đúng mùa ăn mới thơm ngon.
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Mùa gặt

Mùa gặt

(GLO)- Nhắc đến Gia Lai, nhiều người sẽ nghĩ đến những dãy núi cao trùng điệp, những cánh rừng bạt ngàn xanh ngát, những rẫy cà phê, cao su ngút ngàn trên đất đỏ bazan trù phú.
Ly cà phê tím

Ly cà phê tím

Sông Túy Loan tím ngát. Những vệt ráng mây in bóng tím. Dãy núi xa xa in bóng tím. Đó là khi hoàng hôn, khi trời nước hoàng hôn, khi lòng người hoàng hôn! Nước nhuốm màu tâm trạng gã “trai Quảng” đã cũ, đã đi qua quãng đời gập ghềnh, sóng gió, nay về soi mặt vào sông quê.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Khoảng lặng bình yên

Khoảng lặng bình yên

(GLO)- Hàng ngày, cửa sổ phòng tôi vẫn mở về phía núi. Lâu nay, tôi vẫn nghĩ, chỉ cần phóng tầm mắt ra xa, nhấp một ngụm trà là đã có thể tự hào với bạn bè rằng mình thuộc về núi rừng và phố núi luôn là “background” phía sau cuộc đời mình.