Tăng thuế suất mì lát 5%: Cần thời gian thích hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 6-5-2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 63/2015/TT-BTC sửa đổi mức thuế xuất khẩu đổi với mặt hàng mì thuộc nhóm 07.14 từ 0% lên 5%. Mức thuế suất này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20-6-2015.

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Theo Bộ Tài chính, việc tăng mức thuế suất mì lát xuất khẩu nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về cơ chế giá đối với xăng E5, trong đó có nội dung: “Điều chỉnh thuế xuất khẩu cồn ethanol và mì lát nguyên liệu theo hướng khuyến khích sử dụng trong nước, góp phần bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học”. Khuyến khích sản xuất ethanol phục vụ pha chế xăng dầu sinh học là chủ trương đúng, tuy nhiên, theo nhận định của đại diện Hội Doanh nghiệp tỉnh, dùng chính sách thuế để hạn chế xuất khẩu mì ở thời điểm này có thể gây ra nhiều hệ lụy. Bởi các doanh nghiệp (DN) đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Indonesia... Nếu tăng thuế lên trong điều kiện giá xuất khẩu không thể tăng (vì đã ký hợp đồng từ đầu năm) sẽ giảm sức cạnh tranh, gây thiệt hại không chỉ cho DN mà còn cho người nông dân vì DN buộc phải hạ giá thu mua.

Cũng với Hội DN tỉnh, việc tăng thuế xuất khẩu mặt hàng mì lát từ 0% lên 5% là quá cao, quá gấp, không phù hợp với thực tế. Doanh nghiệp Phú Lợi được coi là DN duy nhất xuất khẩu mì lát trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Trong nhiều năm qua, DN đã thu mua và tiêu thụ, nhất là xuất khẩu lượng hàng mì đặc biệt lớn của bà con tỉnh nhà, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Với quyết định tăng thuế, ông Lê Viết Chính-Chủ DN đã có kiến nghị gửi Hội DN tỉnh, cho rằng: “Trong điều kiện hiện nay, tăng thuế là không thấu lý, đạt tình, sẽ gây khó khăn rất lớn cho người trồng mì ở các tỉnh nói chung và Gia Lai nói riêng”.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, đối với mặt hàng mì lát, giá thu mua khoảng 4,3 triệu đồng/tấn, giá xuất khẩu khoảng 4,9 triệu đồng/tấn, với thuế xuất khẩu là 0%, DN xuất khẩu sẽ được lãi hơn 567.570 đồng/tấn. Điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu 0% lên 5%, DN xuất khẩu vẫn có thể lãi 324.192 đồng/tấn. Ông Chính cho rằng lập luận này là không có cơ sở, bởi lẽ, DN thu mua mì của nông dân thì phải vay và trả tiền lãi cho ngân hàng, chi phí rất lớn cho việc thuê kho để lưu trữ, bảo quản hàng hóa một thời gian khá dài, hao hụt từ 10% đến 15%, chưa kể các chi phí khác như khử trùng, giám định và một số loại phí khác khi xuất khẩu hàng..., do đó sẽ lỗ chứ không thể lãi. Chỉ tính riêng việc hao hụt cũng đã mất khoảng 600.000 đồng/tấn.

Hiện tại, nguồn mì lát xuất khẩu của Việt Nam, Thái Lan, Indonesia... chủ yếu xuất sang Trung Quốc, trong khi các nuớc như Thái Lan, Indonesia đều không đánh thuế mà còn trợ giá cho người trồng mì. Nếu Việt Nam tăng thuế lên 5% sẽ không cạnh tranh được, thiệt hại trước hết thuộc về nông dân, sau đó là DN xuất khẩu và Nhà nước. Ở tỉnh ta, DN đã ký các hợp đồng xuất khẩu từ tháng 12-2014 và thực hiện giao hàng cho kế hoạch năm 2015. Vì ở Gia Lai, thu hoạch mì rơi vào mùa nắng, tức khoảng tháng 12-2014 và tháng 1, tháng 2-2015. Thời gian này đang chờ để xuất khẩu thì đột nhiên tăng thuế sẽ làm cho DN bị động. Bên cạnh đó, hiện Trung Quốc cũng đang ép giá khiến DN bị lỗ, khó khăn chồng khó khăn, thậm chí phá sản, hàng trăm lao động sẽ thất nghiệp. Còn nông dân có thể sẽ bỏ trồng mì.

Doanh nghiệp Phú Lợi không phải là DN duy nhất kiến nghị về việc hoãn tăng thuế suất mì lát. Bởi vậy mới đây, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức họp với các đơn vị liên quan của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương và các Hiệp hội, đồng thời khẩn trương phối hợp làm việc cụ thể tại một số địa phương để đánh giá cụ thể và rà soát lại thuế suất xuất khẩu đối với mì lát để điều chỉnh phù hợp nếu cần thiết. Theo các chuyên gia kinh tế, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất ethanol, các nhà quản lý, DN sản xuất cần rà soát tính toán tổng thể nhu cầu, tỷ trọng sử dụng mì trong nước là bao nhiêu, mì xuất khẩu là bao nhiêu để có quy hoạch cụ thể cho từng vùng. Thêm nữa, các DN sản xuất ethanol cần chủ động xây dựng nguồn nguyên liệu của mình trên cơ sở đầu tư, cam kết với người nông dân để họ an tâm trồng mì, chứ dùng chính sách thuế để hạn chế xuất khẩu mì ở thời điểm này là không phù hợp.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.