Chuyện ghi ở cơ sở cai nghiện ma túy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai có hơn 200 học viên đến từ nhiều địa phương khác nhau. Ở đây, có người cắt được cơn nghiện chỉ sau 1 tuần điều trị nhưng cũng không ít trường hợp cả năm trời vẫn chưa hết vật vã. Thế mới thấy, con đường giúp người nghiện giã từ ma túy cũng lắm gập ghềnh, gian nan.
Thử một lần, hối hận cả đời
Học viên Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh chăm sóc cây cảnh. Ảnh: Lê Anh
Học viên Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai chăm sóc cây cảnh. Ảnh: Lê Anh

Sinh ra trong một gia đình có điều kiện kinh tế khá giả tại phường Ia Kring (TP. Pleiku), năm 2010, P.T.Q.T. trúng tuyển vào Trường Đại học Quy Nhơn trong sự kỳ vọng của cả gia đình và dòng họ. Nhưng cũng chính những năm tháng đặt chân vào giảng đường đại học, cuộc đời T. bắt đầu bước sang một ngã rẽ mới. T. kể: “Những ngày đầu xa gia đình, sẵn có tiền trong túi và được tự chủ tính toán, chi tiêu những gì mình thích, em theo đám bạn cùng phòng trọ tham gia các cuộc chơi. Ban đầu suy nghĩ đơn giản chỉ là kết giao bạn bè để vơi đi nỗi nhớ nhà. Thế rồi, trong những cuộc chơi ấy, em dần mất kiểm soát và dính vào ma túy lúc nào không hay. Tuổi trẻ bồng bột, cùng với sự rủ rê của bạn bè khiến em lún sâu vào ma túy. Để có tiền mua ma túy, em bịa ra đủ lý do xin tiền của gia đình. Dù vậy, em cũng cố gắng theo học cho đến ngày ra trường. Sau khi trở về nhà, ba mẹ em mới biết chuyện. Ông bà suy sụp hoàn toàn. Mỗi lần tỉnh táo, nghĩ về ba mẹ thì khát vọng đoạn tuyệt với ma túy trong em lại trỗi dậy. Em quyết tâm cai nghiện tại nhà. Thời gian đầu, em giam mình trong phòng kín, cột chân vào chân giường. Nhưng khi cơn nghiện trỗi dậy thì tất cả như vô nghĩa, em lại tìm đến ma túy. Biết rất khó để đoạn tuyệt với ma túy nếu theo phương pháp cai nghiện này nên em tự nguyện xin vào Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh để được điều trị. Chỉ sau 1 tháng, em đã cắt cơn hoàn toàn và không còn cảm giác thèm thuốc nữa. Giờ có hứa gì cũng chẳng mấy ai tin, nhưng khi ra khỏi đây, em sẽ quyết tâm làm lại từ đầu”.

Cũng đang cai nghiện tại Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh nhưng con đường đến với ma túy của N.T.C. (SN 1995, trú tại phường Diên Hồng, TP. Pleiku) thì lại khác. Gia đình C. nghèo, cha mẹ quanh năm làm thuê làm mướn để nuôi mấy chị em ăn học. Là con trai lớn trong gia đình, học lực những năm THPT luôn đạt khá nên C. được cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng. Thế nhưng, sau 2 lần thi đại học đều thất bại, C. gần như suy sụp. Trong những ngày tháng ấy, C. bị bạn bè rủ rê tham gia những cuộc chơi rồi dính vào ma túy. “Ban đầu, em cũng chỉ nghĩ chơi một lần sẽ không thể nghiện được. Nhưng em đâu ngờ mình lại lún sâu vào con đường nghiện ngập. Bao nhiêu lần cố gắng cai nghiện tại nhà nhưng đều không thành...”-C. bỏ dở câu chuyện rồi vội vàng đi thẳng ra khoảng sân trước khu điều trị, mắt nhìn xa xăm về hướng cánh cổng sắt đang đóng chặt.  
Có quyết tâm sẽ tìm thấy đường về
Khuôn viên rộng 5 ha của Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh được phủ một màu xanh của cây lá, những vườn hoa đang đua nhau khoe sắc tạo ra khung cảnh bình yên. Thế nhưng, trong cảnh yên bình ấy lại có rất nhiều thân phận bị vùi dập bởi ma túy. Thi thoảng trong căn phòng điều trị cắt cơn lại vọng ra tiếng hét thất thanh và tiếng cười ngây dại của những người nghiện ma túy đang lên cơn vì thiếu thuốc.
Ông Hoàng Đôn Tình-Phó Trưởng phòng Quản lý học viên-cho biết: “Hiện nay, đơn vị đang tổ chức quản lý và điều trị cho 211 người nghiện ma túy, trong đó có 167 người cai nghiện bắt buộc và 44 người cai nghiện tự nguyện. Ở đây, đối tượng nào cũng có, từ bị nhiễm HIV, viêm gan, lao phổi đến tội phạm hình sự bị bắt nhưng trước khi đưa ra xét xử phải cai nghiện ma túy. Hầu hết học viên khi vào cơ sở không nhận được sự quan tâm của gia đình hoặc bị bắt đi cai nghiện... nên tâm lý không ổn định. Mỗi khi lên cơn nghiện, họ thường không làm chủ được bản thân, thậm chí không làm chủ được cả việc vệ sinh cá nhân hoặc có tư tưởng tự hủy hoại bản thân. Vì vậy, chúng tôi phải theo dõi 24/24 giờ”.
Y sĩ Trịnh Đình Tài-Trưởng phòng Y tế-cho hay: “Cắt cơn nghiện là giai đoạn khó khăn nhất đối với học viên về cả thể xác lẫn tinh thần. Khi lên cơn nghiện, các học viên trở nên hung hãn, sẵn sàng xúc phạm và có hành vi chống đối. Thậm chí, ở đây từng có 3 trường hợp y sĩ, nhân viên bị phơi nhiễm HIV khi điều trị cho học viên nghiện ma túy bị nhiễm HIV. Thế nhưng, chỉ sau 7-10 ngày tỉnh táo lại, họ hối hận tìm gặp chúng tôi để nói lời xin lỗi. Bởi thế mà đội ngũ y sĩ, nhân viên ở đây luôn tin bản tính lương thiện vẫn còn tồn tại trong họ nên sẵn sàng đồng cảm, sẻ chia”.
Y sĩ Trình Đình tài thăm khám cho học viên cai nghiện. Ảnh: Lê Anh
Y sĩ Trịnh Đình Tài thăm khám cho học viên cai nghiện. Ảnh: Lê Anh

Học viên Đ.N. (SN 1989, trú tại phường Yên Thế, TP. Pleiku) chia sẻ: “Khi mới vào đây, em cảm thấy rất chán chường, nhiều khi muốn từ bỏ cả cuộc sống của mình. Được sự giúp đỡ, động viên của các thầy, em đã ổn định tâm lý và quyết tâm từ bỏ ma túy. Dù đã hết hạn điều trị và không còn cảm giác thèm thuốc nữa nhưng em vẫn xin gia đình viết đơn ở lại thêm 6 tháng để có thể hoàn toàn đoạn tuyệt với ma túy trước khi tái hòa nhập cộng đồng”.  

Thực trạng đáng quan ngại hiện nay là một người sử dụng nhiều loại ma túy, từ heroin đến các loại ma túy tổng hợp. Việc điều trị vì thế mà hết sức phức tạp và mất nhiều thời gian. “Nhiều học viên do sử dụng ma túy trong thời gian dài với nhiều loại khác nhau nên điều trị cả năm cũng chưa thể cắt được cơn nghiện”-y sĩ Tài bộc bạch. Dù bao khó khăn, áp lực và muôn vàn hiểm nguy nhưng chưa lúc nào các y sĩ, nhân viên Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh nản lòng, chùn bước. Họ vẫn luôn vững vàng trên trận tuyến thầm lặng của người thầy thuốc trong môi trường đặc thù.
Ma túy là vấn nạn của xã hội. Việc cai nghiện ma túy cũng vô cùng khó khăn, tỷ lệ người tái nghiện sau cai chiếm trên 90%. Theo ông Nguyễn Đình Sơn-Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh: “Người nghiện chính là người thấm nhất nỗi đau ma túy nên họ phải là những người giác ngộ, thấy rõ tác hại mà ma túy gây ra để quyết tâm từ bỏ. Ở đây, học viên được chăm sóc, được đào tạo các nghề như: cơ khí, điện dân dụng… Nhiều học viên sau khi hết thời gian cai nghiện có tay nghề giỏi và xin được việc làm ổn định. Chính vì vậy, chỉ cần có quyết tâm, họ sẽ tìm thấy đường về. Tuy nhiên, để làm được điều này không chỉ cần quyết tâm của người nghiện mà cần có tấm lòng bao dung, sự quan tâm của gia đình, xã hội để tránh tình trạng người nghiện ma túy bị kỳ thị, xa lánh dẫn đến tái nghiện”.
LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

Nhớ rận rồng ruộng lúa

Nhớ rận rồng ruộng lúa

(GLO)- Người Bắc từ xa xưa đã có sở thích ăn con cà cuống giống như là việc sử dụng giống thủy sinh chân đốt cua đồng, tôm tép làm món ăn vậy. Mà cà cuống lại được gọi với cái tên rất ảo diệu, là con “rận rồng”.

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.