Ký không giống mẫu bị phạt 10 triệu đồng!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Nghị định 41/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.5, trên các chứng từ kế toán, nếu 'chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký', sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

Khái niệm 'chữ ký thống nhất' gây khó cho doanh nghiệp
Khái niệm 'chữ ký thống nhất' gây khó cho doanh nghiệp


Làm sao đòi hỏi cả trăm chữ ký y nhau?

Bà Đàm Hồng Thắm (Q.7, TP.HCM), chuyên gia kế toán độc lập thử lấy ra tờ giấy A4, ký cả chục chữ ký trước mặt chúng tôi, nói: “Đó, 10 chữ ký của tôi không có chữ nào hệt chữ nào, lúc xéo lên hơi cao, lúc nét nghiêng hơi ngắn... Có thể chỉ tương đối về số nét, chứ không thể nào đồng nhất cả. Mỗi ngày, liên quan đến chứng từ kế toán, kế toán viên có thể ký hàng trăm chữ ký trên các hóa đơn chứng từ như: hóa đơn mua bán, phiếu thu chi, sổ cái, tài khoản, sổ nhật ký chung, sổ kế toán… Làm sao đòi hỏi cả trăm chữ ký của kế toán y nhau được?”. Bà Thắm cho biết, trước có quy định đăng ký chữ ký của giám đốc doanh nghiệp (DN) nhưng được cơ quan thuế bỏ 5 - 6 năm nay. Còn quy định đăng ký chữ ký mẫu cho kế toán viên để ký trên chứng từ sổ sách thì “xưa nay chưa thấy”.

Bà Nguyễn Tuấn Anh, kế toán trưởng Công ty TM-DV logistic M. (Q.1, TP.HCM), nói thẳng: Chữ ký có nét mờ nét tỏ, tùy cây viết và tùy thời điểm ký nên không có chuyện đồng nhất. “Dân kế toán chúng tôi đang đau đầu và lo lắng với quy định mới này. Bởi liên quan đến báo cáo thuế hay thủ tục hải quan, toàn bộ hệ thống hiện được truyền qua điện tử đến 99%. Còn lại sổ sách lưu nội bộ thì chính DN biết rõ chịu trách nhiệm với đơn vị kiểm toán hay đối tác... Chữ ký kế toán thể hiện trên giấy tờ giao dịch thuế nay cũng không nhiều như trước nên không hiểu sao lại có quy định mới này, nhất là vào thời điểm Chính phủ điện tử đang triển khai và chúng ta nói nhiều về công nghệ 4.0 trên mọi lĩnh vực”, bà Tuấn Anh nói và cho rằng, chữ ký của kế toán trưởng trên các tờ séc thanh toán đã được ngân hàng “soi” rất kỹ và tất nhiên đã có đăng ký với hệ thống ngân hàng trước đó rồi, không cần cơ quan khác siết để phạt nữa.

Với quy định “mẫu chữ ký” phải được đăng ký trước đó của bộ phận kế toán để xem xét sau này có “đồng nhất” hay không cũng sẽ làm khó các DN nhỏ. Bởi hiện nay, rất nhiều DN vừa và nhỏ chỉ thuê dịch vụ báo cáo thuế vào mỗi cuối tháng. Vậy đơn vị làm dịch vụ báo cáo thuế ký hợp đồng với 10 DN phải đăng ký chữ ký mẫu của mình 10 lần với cơ quan thuế? Chưa kể ở các công ty nhỏ, tình trạng nhân viên kế toán vào làm vài tháng, có cơ hội tốt hơn xin nghỉ, không lẽ DN suốt ngày đi đăng ký lại mẫu chữ ký của nhân viên mới?

“Ngay chữ ký mẫu tại ngân hàng, nhân viên in ra cho khách hàng nhìn vào ký lại y chang cũng còn khó khăn, huống gì hàng trăm chứng từ của một người ký hằng ngày làm sao đúng một kiểu được”, bà Thắm bức xúc.

Biện pháp chưa hợp lý

Chuyên gia xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Công ty TNHH SeaAir Global, nhận xét Nghị định 41 nhằm “siết” lại một số quy định đã có rải rác trước đó và chủ yếu phạt trong lĩnh vực kế toán. Trong hoạt động báo cáo thuế, DN sử dụng công cụ điện tử. Tuy nhiên, các hoạt động như kiểm toán, hoạt động nội bộ DN, biên bản làm việc giữa DN và cơ quan nhà nước… cần có chữ ký “sống” trên các giấy tờ này, và quy định “siết” chữ ký là hình thức tránh giả mạo chữ ký. Tuy nhiên, quy định này đang làm khó DN bởi không thể kiểm soát được chữ ký của nhân viên nói chung, không chỉ với nhân viên kế toán.

Ông Nguyễn Lý Trường An cho rằng, đây là cách đùn đẩy trách nhiệm cho kế toán. Giả sử việc đăng ký mẫu chữ ký để kiểm soát này xảy ra, toàn bộ các bên kế toán phải chia sẻ dữ liệu chữ ký với nhau… để kiểm soát. Rõ ràng đây không phải là việc của kế toán mà là của các cơ quan quản lý nhà nước.

Dẫn chứng cơ sở dữ liệu phía cơ quan công an cập nhật thông tin cá nhân khi cấp thẻ căn cước, chuyên gia thuế Trần Duệ khẳng định: “Nếu thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 41, cần một cơ sở dữ liệu tương tự cách làm của cơ quan công an, việc làm của một cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải việc của DN. Nghị định này đang “siết” về chế tài, nhưng biện pháp thì lại không hợp lý, thậm chí thiếu thực tế trong bối cảnh người dân ủng hộ thực hiện Chính phủ điện tử như hiện nay”.

Nguyên Nga (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.